ClockThứ Tư, 23/09/2020 16:40

Nghĩ về cây sau bão

TTH.VN - Ai đã từng sống trong mùa hạ nắng nồng ở Huế, từng tận hưởng màu xanh như ngọc của “Rừng trong phố” với lòng biết ơn, niềm tự hào mà không thấy lòng xót xa, nghẹn đắng khi nhìn thấy cảnh những hàng cây tả tơi, tan hoang sau bão. Nắng ong ong. Nghe tiếng máy cưa cây mà ngỡ nghe những tiếng khóc, tiếng thở dài buồn đắng. “Ai hại không bằng trời hại”, vẫn biết rứa mà lòng vẫn cứ thao thức, trăn trở hoài.

Cây xanh đổ đầy trên đường Lê Lợi sau bão số 5. Ảnh: Ngọc Hà

Vì răng cây xanh lại đổ gãy nhiều đến như rứa? Vì lý do khách quan hay chủ quan? Giải pháp nào để bảo vệ, lưu giữ vẻ đẹp quý giá của thành phố Huế?

Vẫn biết đó là công việc của người có trách nhiệm, có chuyên môn nhưng mà cái ý nghĩ ấy cứ bám riết, ám ảnh hoài.

Hình ảnh những cây cao bóng cả bật gốc, gãy ngang thân, giơ những cánh tay xương xẩu, rỉ máu lại khiến tôi thấy khó ngủ.

Cơn bão số 5 đánh thẳng vô Huế. Đó là là thiên tai. Khó tránh được sự tàn phá của cuồng phong. Ừ thì trời hại. Là nguyên nhân khách quan.

Nhưng cơn bão đi qua, trong nỗi đau, sự mất mát, cũng phải nhìn nhận lại tất cả những thiếu sót, sai lầm đến từ con người, những nguyên nhân chủ quan.

Sau bão. Có những cây cổ thụ hàng trăm tuổi vẫn vững vàng, kiên cường qua bão giông. Các loại cây như cây xà cừ, cây long não, cây muối... vẫn  xanh ngời ( Dù có thể đôi cây bị tước cành, rụng lá). Ai đã chọn và trồng loài cây này, quả là người có tâm, có tầm. Người dân thành phố Huế xưa và nay hẳn phải tri ân sâu sắc.

Bài học sau bão cho những nhà chuyên môn là nên chọn loài cây này. Và hơn thế, nên ươm trồng từ lúc cây còn bé, rễ sẽ bám chặt vào lòng đất, rễ sâu thì gốc mới bền.

Từ hàng loạt cây đổ trong thành phố, đa phần là những cây đã lớn mới bứng về trồng, tôi nhìn thấy rất nhiều cây đổ còn nguyên bầu đất cũ, kể cả dây dợ bao quanh. Gốc đã bị gọt, đất vỉa hè dành trồng cây lại khá nhỏ. Nếu trồng những loại có bộ rễ lớn, chắc khoẻ chắc sẽ làm bật tung lớp gạch đá lát vỉa hè bao quanh. Đất chật, cây mới, bóng mát rộng, hậu quả là gió thổi mạnh, cây đổ tơi bời. Chưa kể là người chết, tường nhà đổ vỡ. Đúng mà, cái gì cũng có thể giả, nhưng cây xanh thì không làm giả, không ẩu được.

Cây cần có thời gian, không gian và sự chi chút, ân cần chăm sóc của con người.

Bạn tôi là người có chuyên môn, khi tôi hỏi, bạn cho biết:

- Cần lựa chọn cây, ưu tiên cho cây bản địa

- Cần sử dụng những bậc thầy khả kính, tâm huyết cho cây đường phố và cây công viên.

...

Nhói lòng vì cây đổ gãy sau bão, tôi cứ trăn trở mãi với những câu hỏi làm thế nào để hạn chế sự thiệt hại của cây cối, giữ lấy màu xanh cổ kính cho Huế.

Có lẽ cơn bão lòng này không của riêng tôi.

Triền Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top