ClockThứ Bảy, 06/02/2016 06:47

Ngũ Điền những ngày cận tết

TTH.VN - Dù những chuyến ra khơi còn khó khăn, nhưng người dân đầm phá, ven biển vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) vẫn cố gắng chuẩn bị cho mình một cái tết đầm ấm, sum vầy…

Ông Nguyễn Tấn (xã Điền Lộc) chia sẻ, năm mới này có nhiều khó khăn, nhưng do chủ động nên những nhu yếu phẩm dành cho ba ngày tết đã chuẩn bị từ trước. “Thực phẩm tươi sống từ biển đã có, nay tôi chỉ mua sắm thêm một ít mắm, dầu, thịt, đường nữa là đủ cho những ngày tết”.

Vứt hết những ngày lo toan từ biển, những ngày cận tết, người dân vùng Ngũ Điền dường như tất bật hơn. “Cuộc sống giờ dù có hiện đại, tất bật hơn trước, nhưng dù có bận rộn đến mấy, người dân vùng biển, ven phá bao giờ cũng có thói quen gói bánh chưng, bánh tét vào mỗi dịp tết”, chị Nguyễn Thị Hằng, xã Phong Hải thổ lộ. 

“Ngoài những sản vật từ biển, đầm phá, đơm cúng ngày tết là các món bánh in, bánh hạt sen, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh khô, cùng với bánh tét, bánh chưng. Trước là dâng lên ông bà tổ tiên trong những ngày tết, sau là làm quà để những người xa quê mang đi, để nhớ, để hoài ức về những kỷ niệm những ngày thơ ấu”, ông Nguyễn Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết.


Người dân vùng Ngũ Điền cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét đón tết

Ở Ngũ Điền không phải nhà nào cũng gói bánh chưng, bánh tét, nhưng với tinh thần đoàn kết, thể hiện tình làng nghĩa xóm, một vài ba nhà với nhau cùng tự nguyện thổi chung một nồi bánh. Để có những chiếc bánh như ý cúng gia tiên, chiều 28- 29 tết, các gia đình đã chuẩn bị từ trước những sản vật cần thiết cho việc gói bánh.

“Gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn... những sản vật đều do người dân chúng tôi làm ra. Biết nhà tôi gói bánh chưng, bánh tét, anh em hàng xóm quanh nhà cũng tới gói cùng. Bên nồi bánh là câu chuyện của những chuyến ra khơi, là hỏi han nhau về cuộc sống và những dự định cho năm tới. Truyền thống đó được người dân vùng ven biển, đầm phá chúng tôi lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác”, bà Nguyễn Thị Năm, xã Điền Hải tâm sự.   

Ông Trần Quang Cườm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phong Điền chia sẻ: “Sống trong môi trường làng xã, nhiều gia đình tụ hội trong một cộng đồng nhỏ. Hàng xóm, láng giềng là mối quan hệ gần gũi hằng ngày. Những sản vật ngày tết ngoài thị trường hiện nay không thiếu. Nhưng vì muốn giữ nét truyền thống, muốn ba ngày tết thêm ý nghĩa, người dân Ngũ Điền vẫn cố gắng giữ lại những nét đẹp truyền thống. Đó cũng là cách để mọi người xích lại gần nhau hơn”.

Cùng việc gói các loại bánh khi tết đến, xuân về, người dân vùng Ngũ Điền còn có thói quen góp nhau mổ lợn. “Lợn thịt cũng là của bà con láng giềng. Thuận mua, vừa bán, ai cũng vui. Ai cũng có một ít thịt ngon làm vật phẩm dâng lên bàn thờ những ngày tết”, ông Nguyễn Gia Lộc, thôn Vĩnh Xương 1, xã Điền Môn cho biết.

Những ngày cận tết, các vùng quê ven biển Ngũ Điền đón một lượng lớn người con làm ăn xa về quê đón tết. Chỉ tính riêng xã Phong Hải có đến hàng trăm người, trong đó phần lớn là bà con ở nước ngoài.

Theo nhiều người xa quê, có được đời sống ấm no như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng và sản xuất kinh doanh. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân Ngũ Điền đã chú trọng và biết cách làm kinh tế để vươn lên làm giàu. Sau tết, họ lại toan tính với những chuyến ra khơi “hái lộc” đầu năm. 

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bánh tét, bánh chưng & văn hóa làng nghề

Khá bất ngờ và thú vị khi hay tin vào cuối tuần qua, lễ đón bằng công nhận nghề bánh tét, bánh chưng Phú Dương do UBND tỉnh trao tặng đã được tổ chức trọng thể.

Bánh tét, bánh chưng  văn hóa làng nghề
Bánh tét làng Chuồn vào Nam đón Tết

Nổi tiếng từ lâu nay, bánh tét làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) được xem là hương vị truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ tết của người dân Cố đô. Món bánh trứ danh ấy còn xuất hiện trên những mâm cúng, bữa ăn của người Huế xa quê trong dịp tết đến xuân về.

Bánh tét làng Chuồn vào Nam đón Tết
Return to top