ClockThứ Hai, 30/01/2023 06:25

Ngược sóng giữ mùa xuân.

TTH - Mùng 5 tết, tôi nhận tin nhắn của một Thiếu úy hải quân, thuộc Vùng 3 Hải quân: “Tạm biệt đất liền. Chúng tôi chuẩn bị ra khơi canh biển”, xúc động chợt dâng đầy.

Ước mơ đã thành hiện thựcGắn bồi dưỡng với bố trí sử dụngQuan tâm đầu tư ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương

Thủ trưởng Vùng 3 Hải quân kiểm tra sẵn sàng chiến đấu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Mới đây, cùng đoàn công tác Vùng 3 Hải quân do Đại tá Nguyễn Quốc Quảng, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân làm trưởng đoàn, thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu trên biển và đến thăm chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), là cán bộ nhiều tỉnh, thành; phóng viên của hàng chục báo, đài Trung ương, các địa phương. Tàu KN-390 cao lớn lừng lững mang đến cảm giác yên tâm cho những người “xa lạ” với sóng gió, đặc biệt là các nữ phóng viên “chân yếu tay mềm”. Tôi được xếp ở cùng phòng với Ngoan (báo Hưng Yên) và Hường (đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Định). Phòng chúng tôi ở tầng 2 con tàu. Có thể ngắm đại dương mênh mông qua ô cửa sổ làm bằng chất liệu trong suốt.

Khi rời quân cảng, rẽ sóng ra khơi được chừng vài mươi phút, con tàu bắt đầu lắc. Mặc dù tầng 2 con tàu là vị trí ổn định nhất trước tác động của sóng gió, nhưng chúng tôi vẫn thấy sợ trước những cơn rung lắc chao đảo liên tục. Tàu lắc như đưa võng. Chưa hết ngơ ngác trước cảnh chiếc ghế trong phòng “bay” vèo vèo từ bên này sang bên kia, vài thứ vật dụng bị hất rơi lịch bịch trên sàn, chiếc dĩa đựng hoa quả bị hất từ bàn “bay” xuống vỡ choang, chúng tôi hoảng hồn vì những đợt sóng dựng đứng rồi đổ  ụp xuống, đập tung tóe vào cửa sổ.

Việc di chuyển trong phòng cũng khó khăn, phải níu vào một điểm tựa nào đó; đôi lúc sơ sẩy, bị những cơn rung lắc xô ngã ngồi xuống sàn. Ai nấy bắt đầu ôm bụng vì cơn khó chịu dâng lên. Tưởng chừng như ruột gan đang xoắn lại. Sau khi nôn thốc nôn tháo, Ngoan bật khóc: “Chị ơi cứu em”. Thương quá. Nhưng chúng tôi cũng chẳng làm được gì để “cứu” đồng nghiệp. “Chị ơi gọi anh bác sĩ quân y, gọi mấy anh hải quân giúp em”.

Thuốc chống say sóng đã uống và không tác dụng. Chúng tôi cần một điểm tựa  tinh thần. Không có sóng điện thoại nên Thiếu tá Hồ Minh Biên, Chính trị viên tàu KN-390; Trung tá Hoàng Minh Phúc, quân y; Trung tá Đinh Văn Huy, Trưởng ban vũ khí, khí tài Vùng 3 Hải quân và nhiều cán bộ trong đoàn công tác, “đi tuần” qua các phòng để thăm hỏi, kịp thời hỗ trợ. Và “liều thuốc” mà các anh mang đến là nụ cười can trường đã vượt qua bao gian nan, hiểm nguy, sóng gió, cùng những câu chuyện trong những chuyến lênh đênh nửa tháng, có khi cả tháng trời trên biển, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngư dân vươn khơi sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu của Vùng 3 Hải quân thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển

“Thời tiết xấu, biển động, nhưng bây giờ sóng chỉ tầm cấp 4, còn “êm ái” chán” - Trung tá Đinh Văn Huy động viên. Các anh kể, trong khi thực hiện nhiệm vụ, gặp lúc biển động dữ dội, sóng cấp 7-8 là “chuyện thường”. Sóng lắc ngang còn “dễ chịu”, nếu sóng lắc dọc, con tàu từ đỉnh sóng cao dựng đứng lao mũi xuống sau đó lại chồm lên. Có lúc sóng phủ toàn bộ cabin, đài chỉ huy. Cứ như vậy vần vũ hàng giờ đồng hồ liền. Những người lính dù dạn dày sóng gió, cũng không thể không “ruột gan lộn tùng phèo”, nôn ra mật xanh mật vàng. Lúc nghỉ ca trực, cần chợp mắt để giữ sức khỏe, mỗi người dùng mấy bao gạo loại 25kg chèn chặt, tránh người bị hất tung, quăng quật. Gian nan là thế, nhưng các anh vẫn luôn vững vàng tại vị trí thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình, tạo nên sức mạnh của tập thể, để con tàu vượt qua mọi phong ba, vững vàng cột mốc sống trên biển, bảo vệ bình yên biển đảo.

Nụ cười dường rạng ngời hơn, khi Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Đức Toàn bộc bạch, gia đình anh đã 4 đời nghề biển. Trước lúc trở thành người lính hải quân, Thiếu úy Toàn cũng là một ngư dân. Biển mang lại nguồn cá tôm, cuộc sống tốt đẹp cho biết bao gia đình ngư dân. Biết bao làng chài đổi thay, giàu có nhờ vươn khơi đánh bắt xa bờ. Trong hành trình vươn khơi đó, lực lượng hải quân luôn là điểm tựa, kịp thời cứu hộ cứu nạn khi ngư dân gặp nguy hiểm lúc giông bão, lúc bệnh tật, tai nạn bất ngờ... “Những ngư dân như cha, ông và cả bản thân tôi luôn đặt trọn niềm tin, mến đối với lực lượng hải quân. Vậy nên bây giờ, cùng đồng đội, tôi luôn cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của người lính hải quân. Để xứng đáng với tình cảm, niềm tin của Nhân dân. Đặc biệt, lúc đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, gặp các tàu cá mang số hiệu quê mình, trong niềm vui chung, có sự gần gũi, thân thương đến lạ” - Thiếu úy Nguyễn Đức Toàn lại nở nụ cười.

Độ cuốn hút của những câu chuyện vượt qua gian nan của các anh thực sự là “liều thuốc” có tác dụng, để chúng tôi quên đi cơn say vì sóng nhồi lắc; tiếp sức mạnh để chúng tôi vượt qua những khó khăn, cùng đoàn công tác Vùng 3 Hải quân “mang tết”, tình cảm của hậu phương, đất liền, đồng chí đồng đội đến với cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn.

Khi mọi người, mọi nhà vui đón cái tết đoàn tụ, có những cán bộ, chiến sĩ hải quân Vùng 3 nói riêng, lực lượng hải quân nói chung ngược sóng ra khơi canh giữ biển trời. Và hôm nay, không khí tết vẫn còn rộn ràng trong những tà áo mới nơi làng quê hay phố phường, có những người lính, những con tàu lại tiếp tục ngược sóng, để giữ cho những mùa xuân mãi bình yên.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gian nan giữ rừng mùa lũ

Bảo vệ rừng (BVR) vốn lắm gian nan, nguy hiểm và càng nguy hiểm hơn khi các lực lượng phải băng rừng, vượt suối trong mùa mưa lũ để bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh”.

Gian nan giữ rừng mùa lũ
Mùa xuân nhẹ nhàng

2 giờ sáng mồng 8 Tết Giáp Thìn, tuy Huế ban ngày có hửng nắng nhưng đêm và sáng sớm trời vẫn rét căm căm. Ấy cũng là lúc vừa kết thúc một ngày làm việc của tôi như thông lệ kể cả trong những ngày Tết. Ngỡ chỉ có mình tôi trở về giữa đêm xuân trên cung đường vắng lặng, nhưng không, có một bãi rác ngay góc ngã tư Lê Quý Đôn – Bà Triệu còn có một đôi vợ chồng đang cần mẫn với công việc nhặt rác.

Mùa xuân nhẹ nhàng
Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Xuân của niềm tin và khát vọng

Mùa Xuân với những tấm áo phủ đầy lộc biếc mang đến những hy vọng vào tương lai tươi sáng và nguồn sức sống căng tràn. Mùa Xuân đã đến với mọi người, mọi nhà! Sắc Xuân lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

Xuân của niềm tin và khát vọng
Return to top