ClockThứ Ba, 17/05/2022 15:57

Người mang họ Hồ lên vùng núi A Lưới hơn nửa thế kỷ trước - kỳ 2: Những năm tháng hào hùng, gian khổ

TTH - Từ sau năm 1960, ông Hồ Ngọc Mỹ không dạy học nữa mà chuyển về làm Văn phòng Đảng ủy miền núi Tây Thừa Thiên, chủ yếu làm bản tin tiếng Kinh đưa tin chiến đấu, sản xuất.

Người mang họ Hồ lên vùng núi A Lưới hơn nửa thế kỷ trước - Kỳ 1: Đem tiếng nói Bác Hồ đến với đồng bào

Các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới luôn tự hào khi được mang họ Hồ. Ảnh: bienphong.com.vn

Ngồi viết thì làm sao được nhiều bản. Ông nghĩ cách in trên khuôn bột nếp, tán bột nếp trên cái bàn dùng chai lăn cho nó bằng, khi đó lấy mực tím thiệt đậm, viết bản tin lên trên giấy rồi úp lên trên bột nếp để chữ thấm vô bột nếp. Khi đó lấy từng tờ giấy lăn trên bột có chữ để cho chữ mắc vào tờ giấy. Mỗi lần in được khoảng 30 bản. Thấy việc làm vất vả quá, tỉnh cho ông ra miền Bắc, học in li tô, xin ru lô để lăn, xin mực, xin giấy. Lúc đi có 2 người ra để cõng các dụng cụ. Trở về, có một anh biết in li tô vào làm cùng ông, mỗi lần được một trăm bản. Đó là vào năm 1961, in cả quốc ngữ và tiếng dân tộc.

Vào giai đoạn đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trương thành lập 3 quận miền núi là quận 1, quận 3, quận 4 và giao cho ông Hồ Ngọc Mỹ làm Chánh văn phòng một quận. Đó cũng là lúc Mỹ đổ quân vào A Lưới. Văn phòng quận 3, đóng ở xã Hồng Thượng. Ông và một cậu liên lạc của quận ủy đào hầm trong núi ở Hồng Trung; có hầm rộng ăn ở, nấu ăn và địa đạo.

Kẻ địch thả nhiều nhóm biệt kích xuống, nhưng không có toán nào đến đây mà sống được vì du kích của mình ở khắp bản khắp làng. Biệt kích đến bằng trực thăng, nghe "phạch phạch" ở đâu là du kích bao vây tiêu diệt hết. Tinh thần dân miền núi tham gia chiến đấu chống Mỹ không bút nào tả hết được. Mỗi con voi đối với bà con là đầu cơ nghiệp, thế mà họ vẫn sẵn sàng cho 11 con voi đi vận tải, và chúng chết dần vì bom đạn. Bà con đi vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược, thuốc men cho bộ đội mình, không kể già kể trẻ chi hết, có khi cõng cả con nữa, mà đi không có chi ăn hết, chỉ nhờ vài củ sắn, ngô khô, sắn khô rồi nhờ cháo bẹ, rau rừng; có chuyến đi ngắn ngày, nhưng cũng có khi đi tháng này qua tháng khác. Trong khi bà con chỉ ăn cháo bẹ, rau rừng, nhưng khi có bộ đội đi ngang qua, biết bộ đội cần lương thực ăn để đánh Mỹ thì bao nhiêu họ đưa ra hết, chỉ chừa lại ngô giống thôi. Có người cho bộ đội cả̀ lợn và trâu, bò là vốn quý của gia đình…

Ngày vui sum họp của gia đình ông Hồ Ngọc Mỹ khi cháu Lợi chưa phát bệnh vì chất độc da cam

Sống và chiến đấu trong vùng bị Mỹ rải chất độc hóa học từ 1966, 1967, 1968, ông Hồ Ngọc Mỹ đã trải qua những năm tháng vô cùng gian khổ ngay khi đất nước được hòa bình. Do 2 con của ông bị nhiễm chất độc da cam. Con gái đầu (Hồ Thị Liễu) sinh ra chậm chạp, nói năng không rõ, không học hành, hiện không chồng, không con. Lợi là con út đến năm 10 tuổi, do ảnh hưởng chất độc hóa học, phát bệnh suy tủy. Đưa từ A Lưới về Bệnh viện Trung ương Huế chạy chữa. Có bác sĩ bảo, ông nên sinh đứa khác, còn bệnh thằng bé này, Việt Nam chưa chữa được. Vì nó không sản xuất được máu mới nữa, ông lấy tiền đâu mua máu nuôi nó? Nhưng ông không can tâm nhìn con chết khi mới học đến lớp 3. Nếu được tiếp máu, cháu vẫn ăn, vẫn chơi, đọc sách được. Mặc dù vợ chồng ông đã ráng sức chạy vạy tiền bạc, nhưng tiếp máu một lần 200cc được 3 ngày, vào năm 1986, mỗi lần hết 12.000đ (nếu tính thời giá năm 2005 là 700.000đ). Dù được bệnh viện, lãnh đạo huyện A Lưới, Tỉnh ủy hết lòng giúp đỡ và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng đã vào thăm tận giường bệnh, nhưng sau 2 năm, tháng 9/1988, cháu đã qua đời…

Tôi đến thăm gia đình ông Hồ Ngọc Mỹ đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/2022), trong ngôi nhà 2 tầng khá rộng, cạnh chợ Trường An.

 Ông Mỹ nghỉ hưu năm 1982, sau một thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện, nhưng mãi đến năm 1999 mới xin chuyển về Huế vì cả 2 vợ chồng đều đau yếu.

Vị lão thành cách mạng hơn 70 năm tuổi Đảng, bám trụ và đứng vững nơi miền Tây gian khổ, ác liệt tận cùng, nhưng sau 2 năm “bám” bệnh viện không cứu được cháu Lợi mà vợ chồng ông hy vọng nó sẽ bù đắp thiệt thòi mà chị nó phải gánh chịu suốt cuộc đời, ông suy sụp, có lúc như mất trí, bệnh tim trở nặng, vợ ông cũng lắm bệnh.

Bà Lê Thị Nhỏ dâng hương trước bàn thờ ông Hồ Ngọc Mỹ và cháu Lợi

17 năm trước, khi chị Đạm Thư nghe ông Hồ Ngọc Mỹ kể chuyện, đây còn là căn nhà cấp 4. Ông Mỹ mất năm 2016, trước đó 2 năm (năm 2014), ông đã được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Bà Lê Thị Nhỏ, vợ ông Mỹ, đưa tôi lên thắp hương cho ông Mỹ. Vừa nghe bà nói mình đã 7 lần chịu mổ xẻ, thấy có cháu gái quanh quẩn gần đó, tôi bảo để cháu đưa lên gác 2. Bà Nhỏ thở dài, nói: “Con Liễu đó! Trông thế, chứ nó 52 tuổi rồi. Có làm chi được mô!”. Vào thời kỳ cả nước còn mọi thứ thiếu thốn, bà đã vừa cõng đứa thứ hai mới sinh, vừa chăm nuôi Liễu ra chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai suốt 3 năm trời.

Trong gia đình vị lão thành cách mạng chịu nhiều thua thiệt do phải gánh chịu hậu quả chất độc da cam, thật may mắn có người con trai thứ hai là anh Hồ Quyết Thắng thoát “nạn”, đã có hai con trai. Cả hai vợ chồng đều tốt nghiệp đại học và hiện đang là cán bộ chủ chốt của huyện A Lưới, tích cực góp phần thực hiện ước mơ của ông Hồ Ngọc Mỹ cũng như bà con dân tộc “xây dựng A Lưới to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, để vùng cao này là một điểm sáng, là một “vệ tinh” của Thành phố Di sản bên sông Hương…

 Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng đáng với truyền thống hào hùng

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân - dân và truyền thống tốt đẹp của BĐBP tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển.

Xứng đáng với truyền thống hào hùng
Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 2: Tri Ân

Những ai trân quý quá khứ hào hùng của dân tộc, nhớ về những người hy sinh có thể ghé thuyền dâng một nén hương vì cần biết rằng, dưới làn nước xanh thẳm kia là xương cốt của nhiều liệt sĩ mà đến nay thân nhân họ không còn cơ hội kiếm tìm.

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 2 Tri Ân
Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1: Dòng sông máu

Mỗi khi nhắc đến sông Hai Nhánh, mấy anh em từng thoát ly tham gia kháng chiến, chúng tôi đều ước mong có dịp quay trở lại địa điểm được ghi nhận là ác liệt nhất khi từ đồng bằng lên hậu cứ. Được Bí thư Thị ủy Hương Thủy Lê Ngọc Sơn giúp đỡ và đích thân Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Lê Văn Thức trực tiếp đưa đi, cuối cùng chúng tôi toại nguyện.

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1 Dòng sông máu
Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ

Trải qua nhiều năm tháng, những người đã sống và dấn thân trong phong trào học sinh - sinh viên (HSSV), phong trào đấu tranh đô thị ở Huế thập niên 60, 70 như nhà thơ Võ Quê vẫn nhớ như in những hồi ức hào hùng. Đó là những năm tháng xuống đường “đấu tranh không ngủ”.

Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ
Ký ức tuổi trẻ trong mùa xuân lịch sử

Mỗi dịp kỷ niệm đại thắng mùa Xuân năm 1975, thế hệ cha ông lại bồi hồi nhớ về những năm tháng chiến đấu giành độc lập. Trong những trang vàng lịch sử dân tộc đó, không thể không kể đến lực lượng thanh niên, sinh viên và học sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Ký ức tuổi trẻ trong mùa xuân lịch sử
Return to top