ClockChủ Nhật, 03/03/2024 06:46

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

TTH - Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Khách tây thích thú trải nghiệm tết ở làng hương xứ HuếSắc màu cổ phục ngày tết trên làng hương Thuỷ Xuân

 Du khách chụp ảnh lưu niệm tại làng hương Thủy Xuân

Trang sách lớp 5 và “lời giải lúc nửa đêm về sáng

“Làng hương Thủy Xuân” là địa điểm du lịch Huế nổi tiếng những năm gần đây. Dịp xuân về tết đến nơi đây càng thu hút khách tham quan tấp nập. Người dân, du khách tham quan, du xuân đến làng hương Thủy Xuân chủ yếu tập trung trên những hàng quán kinh doanh phục vụ du lịch trải dài khoảng 400m của một đoạn đường Huyền Trân Công Chúa, từ ngã ba đường Lê Ngô Cát hướng lên lăng vua Tự Đức.

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì đoạn đường tập trung hàng quán này là “Avatar”, bộ mặt cho làng nghề làm hương, se hương truyền thống hàng trăm năm tuổi ở Thủy Xuân. Và ít người biết rằng đằng sau hình ảnh ấy, người tạo ra “Avatar” đầu tiên cho làng hương Thủy Xuân, đưa hình ảnh ngành nghề truyền thống vùng đất này lan tỏa trong và ngoài nước là bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, 76 tuổi, thợ làm hương lâu năm, chủ quán hương ở số 69 đường Huyền Trân Công Chúa.

Bà Tuyết thường được nhiều người gọi một cách thân thương là “Mệ Tuyết làng hương”. Học nghề và làm hương cùng với bà ngoại của mình từ nhỏ nên bà Tuyết là một trong nhiều người thợ làm hương giỏi, lâu năm ở Thủy Xuân. Tuy vậy, như nhiều ngành nghề thủ công truyền thống khác, mệ Tuyết cũng từng thu nhập rất bấp bênh, nhất là khó khăn trong việc cạnh tranh giữa hương trầm của bà con Thủy Xuân với hương sản xuất công nghiệp đại trà chiếm lĩnh thị trường.

Hơn 20 năm trước, bà Tuyết là một trong vài hộ dân đầu tiên mở quán se hương, bán đồ lặt vặt phục vụ du lịch bên đường Huyền Trân Công Chúa, chủ yếu là làm nghề để giữ lấy nghề. “Hồi đó mỗi ngày có vài vị khách nước ngoài vào quán xem mệ se hương. Họ nghe mệ kể chuyện về nghề hương truyền thống, nhờ mình hướng dẫn cách làm hương để trải nghiệm. Có người tham quan, trải nghiệm xong tặng mệ 1 – 2 đô la, gọi là quà tiền công. Chỉ có thế thôi chứ bán buôn ít tiền lắm, chủ yếu là làm để giữ lấy nghề cha ông để lại”, mệ Tuyết kể.

Cách đây khoảng 15 năm, mệ Tuyết nhận được lời mời tham dự trưng bày, quảng diễn nghề làm hương truyền thống Thủy Xuân tại Đại Nội, nhân dịp Festival Huế. Mệ Tuyết suy nghĩ mãi việc làm sao tạo hình ảnh thu hút khách giữa muôn trùng sự kiện của một lễ hội lớn, không gian rộng. “Một đêm nớ, mệ cứ nằm trằn trọc mãi, bỗng nhớ tới cuốn sách lớp 5 của đứa cháu bên trong có vẽ mấy cái hình có mấy ngôi sao, hình bông hoa. Mệ choàng dậy, bật điện đi tìm và giở từng trang sách. Rồi mệ nói như reo là có cách rồi. Tới sáng mệ đi tìm nguyên liệu tạo màu để nhuộm các bó chân hương. Bình thường mấy cái chân hương nhìn không có chi hấp dẫn, khi nhuộm xong xếp hình ra lại đẹp vô cùng. Mệ mang về Đại Nội sắp đặt, bày ra ở điểm trưng bày trong Đại Nội dịp Festival Huế lần đó, khách họ tìm tới coi mệ làm hương, đông vui ghê lắm. Họ đứng bên mấy cái bông hương nớ chụp ảnh đông như hội... Sau lần nớ, mệ về quán, làm bông hương bỏ ra quán cho khách tới coi, chụp ảnh cho vui. Không ngờ vui thiệt, vui hoài”, mệ Tuyết cười kể.

Quán của mệ Tuyết là hình ảnh lạ nhất trong một vài ba quán hương thuở ban đầu trên đường Huyền Trân Công Chúa. Những hình ảnh về “Làng hương Thủy Xuân” với những bông hương lạ mắt từ quán hương mệ Tuyết được lan tỏa đi muôn nơi qua góc máy chuyên lẫn không chuyên. Làng hương hàng trăm năm tuổi Thủy Xuân bước vào một giai đoạn khởi sắc, đổi thay đến khó ngờ.

Phát kiến lịch sử và sự đổi thay một vùng đất

Thủy Xuân vốn là vùng đất thuần nông, cây trái vườn tược xanh ngút từ đầu làng đến cuối làng. Cùng với hai điểm du lịch nổi tiếng ở Thủy Xuân là di tích lăng vua Tự Đức và danh thắng đồi Vọng Cảnh trên đường Huyền Trân Công Chúa, Thủy Xuân còn là nơi tập trung lớn nhất hệ thống đền chùa, nhất là các cổ tự. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn phường có khoảng trên 50 cơ sở thờ tự, trong đó có một số cổ tự nổi tiếng như Từ Hiếu, Trúc Lâm, Tường Vân…; có trên 80% người dân nơi đây theo Phật giáo, nên dễ hiểu vì sao Thủy Xuân là vùng đất lành cho du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm... Đây cũng điều liên quan mật thiết đến một số ngành nghề truyền thống hàng trăm năm ở Thủy Xuân như làm mõ, nghề đẩy (tạo tác) trầm, làm hương trầm...

Riêng nghề làm hương trầm có liên quan mật thiết với nghề đẩy trầm. Những lớp giác (lớp thân mỏng) cây trầm ít dầu được người thợ loại ra tronng quá trình đẩy trầm, được làm thành bột hương trầm để sản xuất hương. Có lẽ đây là lý do sản phẩm hương trầm Thủy Xuân là sản phẩm có tiếng, được duy trì dù người thợ chịu áp lực lớn giữa mưu sinh và giữ nghề. Đặc biệt, với lợi thế bạt ngàn rừng tre, nứa, lồ ô... người Thủy Xuân sử dụng loài thổ sản này để làm nguyên liệu cho một số nghề “độc”, như làm cây bông đũa, bông tre để cúng trang ông, trang bà dịp Tết; làm tăm hương, chân hương cho ngành làm hương trầm truyền thống. Và chính phát kiến của mệ Tuyết biến chân hương thành bông hương đã nâng tầm giá trị của một loại thổ sản, thổi hồn vào loại vật liệu làm hương để tất cả cùng thăng hoa.

Mệ Tuyết nhớ lại: “Sau lần đi triển lãm, trình diễn nghề làm hương trong dịp Festival Huế về, mệ mang các bó hương nhuộm nhiều sắc màu đó ra chưng ở quán hương của mệ. Thoạt đầu có nhiều người thấy mình làm rứa họ băn khoăn, nhưng sau thấy khách ghé lại nhiều họ cũng làm theo. Chừ thì cả khu phố như rứa đó, đông vui lắm.”, mệ Tuyết kể vui. Sau thành công của mệ Tuyết, có nhiều người dân Thủy Xuân mở thêm quán phục vụ du lịch. Đến nay “Làng hương Thủy Xuân” có khoảng 21 cơ sở, hàng quán kinh doanh, sản xuất hương, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch...

Họ không chỉ tạo ra các bông hương lạ mắt, mà con chỉnh trang, bài trí, sắp đặt, sắm các “đạo cụ” như đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn nguyệt; thiết kế các tiểu cảnh, sắm thêm phục trang áo dài tứ thân, khăn đóng, lắp thêm lồng đèn, bài trí tranh tượng hình ảnh... Tất cả tạo nên mỗi hàng quán là một phim trường thu nhỏ để du khách thập phương tham quan, trải nghiệm, lưu lại những hình ảnh dễ thương, ấn tượng. Cả làng hương Thủy Xuân là những bản phối trộn sắc màu, du dương những vũ điệu có sức mê hoặc đến lạ.

“Làng hương Thủy Xuân ngày nay là một minh chứng về sự đổi mới, sáng tạo trong phát triển nghề, làng nghề truyền thống kết hợp du lịch có sự tham gia của cộng đồng. Những đổi thay quan trọng này góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm hương trầm Thủy Xuân, trong đó có công lớn của bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, người có công lớn hình thành điểm đến du lịch làng hương Thủy Xuân”, ông Đồng Sỹ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, nguyên Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân tâm sự.

Không chỉ có công lớn trong việc bảo tồn, quảng bá, phát triển nghề làm hương truyền thống Thủy Xuân, mệ Tuyết còn là người giàu lòng nhân ái khi gần 10 năm qua dành phần lớn thu nhập hàng ngày từ bán hương, phục vụ du lịch để chia sẻ cho các bệnh nhi, người nghèo mắc bệnh nặng. Mệ cũng được nhiều kênh truyền hình, diễn đàn trong và ngoài tỉnh, trường đại học mời giao lưu, nói chuyện, truyền cảm hứng cho cộng đồng, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Với những đóng góp đó, năm 2022, mệ Tuyết được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh công nhận danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”.


Bài: Mai Đình Toàn - Ảnh: Ngọc Hòa
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế

Một trong những hình ảnh không đẹp xuất hiện tại thành phố hiện nay là nhiều người vô ý thức biến nơi công cộng thành "nhà vệ sinh công cộng".

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế
“Tắm rừng”

Khi những “cánh cửa” di sản văn hóa được mở dần theo năm tháng, những “cánh cửa” về cảnh quan thiên nhiên cũng đang tiếp tục được mở ra… mang đến cho du khách về một Cố đô độc đáo vô cùng.

“Tắm rừng”
Du khách trải nghiệm ngắm tết Huế trên xe buýt thoáng nóc miễn phí

Hơn 10 giờ sáng ngày mùng 1 Tết (ngày 10/2), 2 chiếc xe buýt hai tầng thoáng nóc (City Sightseeing) bắt đầu lăn bánh chở khách tham quan thành phố Huế. 84 hành khách may mắn đầu tiên của năm Giáp Thìn được Công ty cổ phần Ngắm Cảnh Việt Nam - Chi nhánh Huế tặng vé miễn phí.

Du khách trải nghiệm ngắm tết Huế trên xe buýt thoáng nóc miễn phí
Return to top