ClockChủ Nhật, 01/04/2018 11:02

Người trẻ “mê” đồ da Handmade

TTH - Đồ da thủ công không còn khá xa lạ với giới trẻ Huế những năm gần đây. Thị trường dòng sản phẩm độc đáo này đang có dấu hiệu phát triển khi có nhiều người yêu thích săn lùng bởi độ “chất”, bền, và thể hiện được sự sang trọng, tinh tế trong phong cách.

Handmade vì bệnh nhân ung thưPhong bao lì xì handmadeThực phẩm handmade “lên ngôi”

Một khâu xử lý trong quá trình làm đẹp các họa tiết trên chiếc ví da

Phong cách riêng...

“Công nhận xài đồ da handmade cực bền, êm ái, không lo bị bong tróc”, Hải Yến (29 tuổi, TP. Huế) tự nhận mình là một trong những “tín đồ” da đã nói như vậy. Cách đây hai năm, Yến được một người bạn tặng quà sinh nhật là chiếc ví da và cũng chính từ thời điểm ấy cô bạn trẻ này mê mẩn và sưu tầm cho mình những món đồ được làm từ da. Đến nay trong bộ sưu tập của Yến gần như có đầy đủ các món đồ quen thuộc từ ví da, thắt lưng cho đến túi đựng điện thoại hay dây đeo đồng hồ. Điểm mà Yến thích nhất ở đồ da chính là các họa tiết được trang trí trên nền da động vật khá nổi bật, khi sử dụng thể hiện được một phong cách riêng, cảm thấy tự tin và khác biệt giữa đám đông.

Khác với Yến, từ một người đam mê đồ da, Võ Quốc (29 tuổi, giáo viên tiểu học) đã đi đến quyết định tự học để sáng chế cho mình những sản phẩm bằng da để vừa xài, vừa tặng bạn bè cũng như bán cho những ai ưa thích. Quốc kể, niềm yêu thích đồ da đến một cách khá tình cờ. “Cách đây tầm hai năm, trong một dịp đi du lịch mình thấy một bạn nữ đeo một dây đeo máy ảnh rất đẹp. Hỏi ra mới đó nó được làm từ da nên ấn tượng và tự lùng sục các cửa hàng trên mạng, rồi dần dần học cách làm”, Quốc nhớ lại.

Theo Quốc, để làm được đồ da, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ từng chi tiết và tốn rất nhiều thời gian. Thời gian đầu việc tìm nguyên liệu hơi khó bởi thị trường ở Huế vừa ít, giá vừa cao, tuy nhiên thông qua nhiều kênh trên mạng giờ đây có thể đặt một cách dễ dàng từ các thành phố lớn hoặc thậm chí ở nước ngoài.

Phan Nhật Bình (chủ tiệm đồ da Letờ Handmade) chăm chú thiết kế một mẫu đồ da được khách đặt hàng

Không riêng gì Quốc, mà giới trẻ Huế chủ yếu vẫn thích nhất mặt hàng làm từ da bò, phần vừa thông dụng, phần vừa rẻ tiền. Tùy theo sản phẩm được nhuộm vẽ, trang trí mà có từng mức giá như 200.000 – 700.000 đồng/dây đeo đồng hồ, 400.000 – vài triệu đồng/ví, 400.000 – 2 triệu đồng/dây đeo máy ảnh, 1 – 3 triệu/túi xách tùy kích cỡ...

Với những bạn trẻ “sành” đồ da cho rằng mức tiền bỏ ra để sở hữu mỗi sản phẩm như thế rất xứng đáng bởi độ bền cũng như tính thẩm mỹ càng dùng càng đẹp theo thời gian. “Càng dùng chiếc ví hay chiếc túi xách sẽ càng mềm mại, lớp da mượt và bóng, vừa lãng mạn, lại vừa nhẹ nhàng nên mình rất ưng ý”, Hoài Ngọc (21 tuổi, sinh viên, TP. Huế) nói về sản phẩm da đang sử dụng.

Trào lưu mới

Nhiều người tìm đến những cửa hàng chuyên kinh doanh đồ da tự làm hoặc hàng nhập, cũng có nhiều người tự làm và bán thông qua mạng xã hội mà người tìm chỉ cần vài cú clik chuột là thấy. Nằm ở một góc nhỏ ở số 49 Lê Lợi, shop da Letờ Handmade do bạn trẻ Phan Nhật Bình làm chủ luôn thu hút khách. Ở không gian này, bày bán những mặt hàng da đơn giản như ví, túi, dây đeo... cho đến những mặt hàng cao cấp được chế tác trên da một cách tinh xảo. “Đa số bạn trẻ Huế chủ yếu chọn mua những mẫu đơn giản với tiêu chí đặt ra đầu tiên là độ bền của sản phẩm”, Bình nói.

Những chiếc túi xách, ví da được làm thủ công với những chi tiết cực tỉ mỉ

Trò chuyện với bạn trẻ Thu Hà (nhân viên quầy thuốc) khi tìm đến sản phẩm đồ da handmade mới biết đây là trào lưu đang được giới trẻ ưa thích, và săn lùng. Vì sao lại ưa chuộng đồ da đến thế? Hà liền đáp: “Xài đủ đồ rồi cũng đến lúc tìm đến những sản phẩm thú vị này. Có thể đồ da không lộng lẫy, kiêu sa và hoàn hảo như những sản phẩm công nghiệp nhưng đồ da vẫn tạo ra một “mốt” riêng, quan trọng hơn là không lỗi thời”. Nhiều bạn trẻ khác nói rằng, cầm một sản phẩm được làm từ da khi đi ra ngoài sẽ có cảm giác tự tin trước đám đông, vì thế một khi đã xài quen rồi sẽ rất khó bỏ.

Với những ai có kinh nghiệm sử dụng đồ da thậm chí còn phân biệt được thật-giả bằng mắt thường. “Những sản phẩm làm từ da khi nhìn thật kĩ sẽ thấy lỗ chân lông rất nhỏ, không có vết rạn nứt. Có thể dùng ngón tay ấn mạnh lên sản phẩm thấy có độ đàn hồi, lõm rồi giãn ra đó chính là hàng thật. Ngoài ra, da thật khi sờ lên sẽ thấy rất mịn màng, dùng càng lâu sẽ càng thấy bóng”, Hải Yến kinh nghiệm sau nhiều năm “săn” đồ da.

Giảng viên Trần Hoài Diễm (Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế) cho rằng, thị hiếu giới trẻ chuộng đồ da handmade là điều tất yếu bởi xu hướng luôn tìm đến những sản phẩm mới lạ nhưng không kém sự bền vững. Tuy nhiên, ngoài một số mẫu có chỗ đứng nhất định vẫn có sản phẩm chưa chiếm được ưu thế bởi giá cả thị trường và mẫu mã theo công nghệ hàng loạt. “Với xu hướng hiện nay, việc mua một sản phẩm bằng chất liệu da với giá cả phải chăng không phải là điều khó. Vì vậy, việc đòi hỏi các nhà thiết kế mẫu mã luôn có sự sáng tạo cao và giá cả phù hợp sẽ tạo sự chú ý”, chị Diễm đánh giá.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Khám phá ăn gì để trắng da nhanh
Return to top