ClockThứ Ba, 24/05/2022 15:38

Nhiều giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội

TTH - Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Để giảm số tiền nợ đọng bảo hiểm, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Xử lý nợ đọng BHXH, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động

Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Công an tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực bảo hiểm

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Ông N.V.T làm việc tại Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Trí Huy, khi bị bệnh thận phải nằm viện điều trị mới tá hỏa vì thẻ BHYT của mình không còn giá trị sử dụng. Sau khi lên cơ quan BHXH tỉnh hỏi ông T. mới biết, công ty còn nợ BHXH, BHYT, BHTN và theo quy định, đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của toàn bộ NLĐ đang tham gia BHXH, BHYT tại đơn vị bị tạm dừng giá trị sử dụng. Vì vậy, ông T. phải tự bỏ tiền túi trả số tiền hơn 7 triệu đồng sau thời gian nằm viện điều trị.

“Theo quy định, công ty phải trả hết số tiền tôi nằm viện, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 năm qua DN gặp khó khăn nên tiền của Nhà nước, công ty vẫn còn nợ thì tiền của tôi biết đến bao giờ mới có được”, ông T. chia sẻ.

Nghỉ việc sau 8 năm làm việc tại một DN đóng trên địa bàn TP. Huế theo đúng quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, khi đến làm thủ tục hưởng chế độ BHTN thì Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo chị Đinh Thị Hương không thuộc điều kiện được hưởng vì công ty vẫn còn nợ BHXH, BHYT và BHTN. “Trong thời gian làm việc tại công ty, tôi vẫn đều đặn trích từ tiền lương để tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm của Nhà nước. Thế nhưng, bây giờ nghỉ việc tôi lại không được hưởng BHTN do công ty nợ bảo hiểm, thật là bất công”, chị Hương cho biết.

Đây là hai trong số hàng ngàn đơn vị, DN chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN để nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ, như: thẻ BHYT bị giảm giá trị sử dụng, không chốt được sổ BHXH khi nghỉ việc để chuyển công việc, hưởng chính sách BHTN, không được thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản kịp thời...

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT và BHTN tính đến tháng 4/2022 là hơn 241 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 1.000 DN nợ tiền đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên, với số tiền hơn 160 tỷ đồng. Việc các đơn vị, DN để nợ đọng bảo hiểm kéo dài không chỉ gây thất thoát quỹ BHXH, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Giải pháp đồng bộ

Trước thực trạng nợ đọng bảo hiểm của các DN, thời gian qua BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp để thu nợ. Trong đó, phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ bảo hiểm, như thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất đối với các đơn vị sử dụng lao động. Hằng tháng, thực hiện công khai danh sách các đơn vị nợ và gửi thông báo tình hình nợ đọng đến các đơn vị có số nợ từ hai tháng trở lên, đồng thời lên kế hoạch làm việc với những đơn vị có số nợ lớn.

Tháng 4/2021, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh đã ký quy chế phối hợp công tác nhằm giám sát việc thực thi pháp luật tại các DN, thực hiện đại diện NLĐ khởi kiện ra tòa án đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn NLĐ ủy quyền cho công đoàn cơ sở để khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên trực tiếp khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Để giảm số tiền nợ đọng bảo hiểm, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông công khai thông tin DN nợ tiền đóng BHXH, BHYT trên Trang thông tin điện tử Đô thị Huế thông minh (Hue-S). Việc công khai thông tin DN nợ tiền đóng BHXH, BHYT góp phần giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác tham gia bảo hiểm và triển khai có hiệu quả các nội dung tại quy chế phối hợp về tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm giữa BHXH tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh - ông Nguyễn Xuân Tiếu, BHXH tỉnh đang xin ý kiến Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh cho phép thành lập tổ công tác liên ngành thu nợ bảo hiểm tại các DN có số tiền nợ bảo hiểm kéo dài, đồng thời triển khai nhiệm vụ của tổ công tác liên ngành bao gồm đại diện của các ngành như BHXH tỉnh, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh… Định kỳ hàng quý, tổ công tác xây dựng và báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh về kế hoạch tổ chức làm việc trực tiếp với các DN nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên, sau đó đề xuất các giải pháp nhằm giảm số tiền nợ đọng bảo hiểm, góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tại các DN.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top