ClockThứ Tư, 05/04/2023 15:02

Nhớ Chư Đăng Ya

TTH - Chúng tôi rủ nhau lên cao nguyên khi mùa hoa dã quỳ vừa đi qua. Ngọn núi Chư Đăng Ya, thuộc buôn làng La Gri (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn còn ngây ngất trong nắng thơm vàng đầu mùa khô.
leftcenterrightdel
Cậu bé dễ thương chúng tôi gặp trên núi Chư Đăng Ya 

Tôi chọn cách một mình ngược con dốc dài thoai thoải, mong được nấn ná lâu hơn với con đường đất đỏ ủ trong mơ ước đã từ lâu, dù dã quỳ chỉ còn lại thưa thớt vài chòm hoa. Thỉnh thoảng, tôi dừng lại với những bông cỏ đuôi chồn bé xíu, màu nâu đỏ đang níu bước chân tôi bằng nỗi ríu ran của nắng gió cao nguyên. Hoa hay tâm hồn Chư Đăng Ya, những bông hoa màu cháy như kể mãi với mai sau sự tích núi "Củ Gừng Dại". Rằng nơi đây từ thăm thẳm xa xưa, từng có buôn làng T'Nưng sống hòa thuận, đầm ấm, an vui cho đến khi núi lửa phun trào. Nước mắt của người, của đất trời đã chảy thành những dòng suối dài, đọng thành biển hồ T'Nưng, cái tên lưu dấu một kỷ niệm nhiều buồn thương của buôn làng cổ, cũng từ đó mà hình thành cái tên Pleiku (tiếng Jơ Rai có nghĩa là Làng Hồ)... Chân tôi bước mà mắt cứ ngước mãi lên ngắm nhìn đôi bờ hoa ven con đường đất đỏ, bâng khuâng mãi với những bông hoa đã nâu như cháy, ngờm ngợp giữa nắng gió mênh mông. Ngược dốc đi mà cứ ngỡ như trôi, bởi lung liêng trên đầu tôi vẫn có vài chùm dã quỳ cuối mùa sót lại như những mặt trời vàng nhỏ bé say mê gọi gió.

Tôi bỗng nhận thấy mình có lỗi, đến khi tóc bạc rồi mới đến Tây Nguyên. Ở đây, mùa khô đến, trên vai núi có nhiều những thửa ruộng mới thu hoạch, đất được cày cuốc ngời ngợi nâu thẫm đợi người gieo mầm cho mùa sau. Xa kia, dưới lũng núi vẫn còn những vạt hoa màu tươi tốt đem đến vẻ đẹp ấm êm, thanh bình. Chư Đăng Ya không có ruộng bậc thang như ở Tây Bắc, mà là cánh đồng trên núi. Những đường viền hoa dã quỳ đã ghép các thửa ruộng hoa màu tạo nên những mảnh ghép đa sắc, trải nghiêng nghiêng theo dáng núi. Hẳn rằng, khi mùa xuân về đến, Chư Đăng Ya đẹp tựa một cái phễu khổng lồ với muôn hoa màu khoe sắc, dệt gấm thêu hoa. Miền cao này mang dấu ấn của những giọt mồ hôi đổ xuống nên không hoang vu mà ấm nồng hơi thở của cuộc đời lao động và đượm vẻ đẹp hùng vĩ nguyên thủy.

Có tiếng gọi, tiếng cười nói trên đỉnh núi, ngước lên, thấy các bạn tôi như đang đứng giữa mây trời, một hình ảnh đẹp tưởng chỉ có thể gặp trong mơ. Òa! không phải là mây mà cả một trời cỏ đuôi chồn đã bàng bạc tím đang dập dờn cùng gió chiều. Đỉnh núi như một vành nôi lớn, nhìn về phía xa xa là thành phố Pleiku xanh biêng biếc mờ mờ trong nắng ven trời. Chúng tôi chụp ảnh. Những tà áo dài xứ Huế bay trên đỉnh đại ngàn trong ánh trời chiều. Chúng tôi lúc này vừa là diễn viên, vừa là nhiếp ảnh gia, thật là những phút giây quên tuổi, quên hết những mệt mỏi của tuổi già, chỉ như là những đứa trẻ, vui say giữa đất trời thơ mộng, bình yên. Thiên nhiên Chư Đăng Ya thật sự thanh lọc tâm hồn, tiếp cho người bằng năng lượng diệu kỳ, cuốn hút vô cùng. 

Nhưng trong tôi còn có một Chư Đăng Ya khác, để thương để nhớ. Chuyện là trên đỉnh Chư Đăng Ya có một cậu bé tầm mười một, mười hai tuổi xuất hiện. Cháu hướng dẫn chúng tôi những điểm nhìn, góc ảnh đẹp. Khi được nhờ bấm máy, cháu bé thao tác nhanh, thành thục như một nghệ sĩ. Cháu bé đã chụp cho chúng tôi những khuôn hình đẹp bất ngờ với Chư Đăng Ya như một nhà nhiếp ảnh lão luyện. Bấy giờ, mặt trời ban chiều vô cùng êm dịu, phố núi dưới xa đã xanh như biển biếc trong hơi lạnh mùa đông man mác.

Nhưng vì phải về để kịp đón hoàng hôn ở Biển Hồ nên chúng tôi lục tục xuống núi gần hết. Vì vội vàng nên lướt qua cháu. Trong yên lặng bao la của núi đồi, tôi chợt nghe lòng chùng xuống khi thấy cháu bé lúc nãy lại lúi húi mải miết mót khoai trên những vạt ruộng vừa rỡ. Tôi cùng một người bạn dừng lại, tặng cho cháu một chút tiền làm quà, cháu cảm ơn, ánh mắt rơm rớm đầy vẻ biết ơn.

Tôi tranh thủ hỏi Thủy - cô gái nhỏ giúp chúng tôi di chuyển nhanh bằng xe máy đến điểm ô tô của đoàn đang đợi, để biết thêm chuyện cậu bé trên núi. Cháu người Ê Đê, học lớp 4, cha vừa mất, mẹ dẫn em lớn vô thành phố mưu sinh, cháu ở nhà với em nhỏ mới hai tuổi, vừa đi học, vừa chăn bò, mót khoai, chụp ảnh khi khách nhờ, ai thương cho tiền... "Thương lắm cô à! Nhưng thu nhập của tụi con cũng không nhiều nên chẳng giúp được chi...", Thủy nói. Tôi im lặng. Vì cả tôi nữa, tôi có hỏi, cũng chẳng giúp thêm được chi. Nghĩ lại việc cháu chẳng lời nài xin tiền, càng chạnh thương cháu. Nhưng rồi tự an ủi, may còn có thiên nhiên Chư Đăng Ya nhân hậu nuôi dưỡng và người làng La Gri giàu tình thương ấp ủ anh em cháu bé. Chỉ cầu mong sao cháu đừng phải bỏ học. Về đến chỗ chiếc xe ô tô đang nổ máy chờ, có vài cháu bé cầm những vòng cúc quỳ, nước da rám nắng, những đôi mắt đen trong veo, lấp lánh đứng đó, dù muộn, tôi cũng cố nán lại, xin chụp ảnh cùng các cháu. Một cháu trai lại gần, cài lên đầu cho tôi một chiếc vòng dã quỳ, thân thương. Tôi lấy chút tiền cho cháu, cậu bé lắc đầu, dạ không, trời chiều hết khách rồi ạ.

Lòng tôi tràn lên niềm thương quý. Quá chi là thương cái cách cư xử thật thà, thân thiện của những hậu duệ Đam San, Xinh Nhã. Xe chạy. Chư Đăng Ya lùi lại phía mây chiều. Tôi bỗng ước, dưới chân núi Chư Đăng Ya sẽ có thêm những hoạt động vui chơi bổ ích cho các cháu như tập phóng lao, chơi đàn Cha Pi, múa hát, dệt thổ cẩm... để trẻ thơ vừa được học, vừa được chơi, vừa có thu nhập khi hướng dẫn khách du lịch tham gia trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa của buôn làng thì hay biết bao. Biết đâu, cháu bé trên núi có ánh mắt như sao trời sẽ là một nhiếp ảnh gia xuất sắc của tương lai và... hơn thế nữa!

Bài, ảnh: TRIỀN THẢO
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng facebook về những chiếc xe lam - một thời đã hiện diện trên đất Huế và điện thoại hỏi tôi: “Anh còn nhớ mấy con trâu cày đường nhựa” không? Tôi trả lời ngay với chú em rằng: Làm sao quên được- nó là một phần đời tuổi thơ của chị em tôi trong những năm còn khó khăn.

Nhớ những chuyến xe lam
Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên…

Tôi có người bạn làm việc ở một doanh nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Cơ duyên sao đó, có thời gian anh ra nhận việc tại chi nhánh Huế rồi “sơ sẩy” thế nào mà… mê muội Huế luôn, coi Huế như là quê hương của mình.

Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên…
Về Điền Lộc, nhớ ông Xuân

Nắng chói chang nhưng lối về xã Điền Lộc (Phong Điền) hôm nay rợp màu xanh với ruộng lúa, ô màu nối dài. Như bao lần qua đây, tôi lại nhớ ông Hoàng Xuân, một người cộng sản kiên trung đã quyết tử cho quê hương. Gần 50 năm đã về nơi đất mẹ nhưng khí tiết không chịu khuất phục trước kẻ thù bao năm ấy của ông luôn được người dân, đồng đội khắc ghi.

Về Điền Lộc, nhớ ông Xuân
Return to top