ClockThứ Ba, 06/08/2019 10:48

Như một hình ảnh đẹp...

TTH - Chỉ là nắm xôi, tô bún thôi, nhưng cả vạn môn sinh gộp lại thì có thể làm được việc…

Khám phá thác Đỗ QuyênĐến Huế, đừng bỏ qua Bạch Mã

Cụm nhà vệ sinh đầu ngã rẽ vào thác Đỗ Quyên

Một lần đến rồi bị “hớp hồn”, để rồi cứ mỗi dịp hè về lại cố gắng thu xếp để ít nhất là 1 lần được thăm lại non thiêng Bạch Mã. Năm nay cũng không ngoại lệ. Khi cả thành phố đang ngột ngạt khô khét vì nắng cháy thì chúng tôi lên Bạch Mã, cảm giác hạnh phúc, sung sướng như một sự “giải thoát”.

Khác với những lần trước, lên Bạch Mã lần này tôi phát hiện ra tại đầu lối rẽ từ con lộ chính dẫn vào thác Đỗ Quyên xuất hiện một cụm nhà vệ sinh 4 ngăn. Rồi dọc theo các con đường mòn dẫn vào thác, lên Vọng Hải Đài… thỉnh thoảng lại bắt gặp những chiếc ghế đá được chế tác giả hình cây gỗ, lịch sự, thân thiện cho khách nghỉ chân; trên lưng ghế là những slogan, những châm ngôn, những lời kêu gọi hết sức dễ thương: “Có những lúc ta vội vàng/ Bỏ quên những thảm cỏ xanh bên mình!”; “Hãy giữ xanh, sạch, đẹp Bạch Mã!”; “Chúng ta nợ rừng một niệm ân!”; “Thiên nhiên là người thầy vĩ đại!”; “Hãy tĩnh tâm để lắng nghe hơi thở của rừng”… Tất cả đều là quà tặng của võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do.

Lê Văn Quang - một người bạn trong đoàn chúng tôi, cũng là một cao thủ của võ đường Nghĩa Dũng tiết lộ, đó là xuất phát từ ý tưởng của thầy anh, nhà giáo - võ sư thất đẳng huyền đai Nguyễn Văn Dũng. Hưởng ứng lời kêu gọi của thầy, các môn sinh tình nguyện mỗi  người nhịn ăn 1 bữa sáng, góp tiền tặng nhà vệ sinh, ghế đá cho Bạch Mã. Không chỉ có ý nghĩa sử dụng, việc làm này còn như biểu tượng, là hành động thiết thực kêu gọi mọi người chung tay giữ gìn Bạch Mã. Giữ không phải chỉ cho chúng ta mà cho các thế hệ mai sau. Không chỉ cho Huế mà cho quốc gia, cho cả hành tinh xanh.

Trên lưng ghế đá là những slogan, những câu châm ngôn ý nghĩa

Võ sư Nguyễn Văn Dũng được nhiều người biết đến như một người có tình yêu kỳ lạ với Bạch Mã. Đã thành truyền thống, các kỳ phong huyền đai, thăng đẳng của Nghĩa Dũng Karate-Do đều được ông tổ chức trên đỉnh Bạch Mã. Các võ sinh phải đi bộ, hành quân từ chân núi, ngủ nghỉ, sinh hoạt qua đêm ở Vọng Hải Đài, thác Đỗ Quyên, rồi lại hành quân về lại chân núi. Cả đi và về chừng 50 cây số đường dốc núi. Đó như một cuộc “sát hạch” về sức khỏe, về kỹ năng sống cũng như sự bền chí nơi mỗi võ sinh. Rồi cũng từ chuyến đi, võ sư Nguyễn Văn Dũng còn thổi vào từng học trò của mình tình yêu, triết lý sống và sự tôn trọng với thiên nhiên... Được thăng đai, phong đẳng trên đỉnh non thiêng Bạch Mã, vì thế với mỗi môn sinh võ đường Nghĩa Dũng là một niềm tự hào, một dấu ấn khó quên trong đời người học võ.

Cũng theo bạn tôi, võ sư Lê Văn Quang cho biết, bằng việc “nhịn một bữa  ăn sáng”, võ đường Nghĩa Dũng còn chung tay cùng xã hội giúp xây cầu, xây lớp học cho một số vùng dân cư khó khăn ở Phú Yên, Điện Biên… “Chỉ là nắm xôi, tô bún thôi, nhưng cả vạn môn sinh của các phân đường Nghĩa Dũng trên cả nước gộp lại thì làm được việc.” – Lê Văn Quang cười vui vẻ.

Trở lại với Bạch Mã, dạo vừa rồi từ thác Đỗ Quyên trở ra, dù trời đã bắt đầu chập choạng tối, chúng tôi gặp một cán bộ kiểm lâm tất tả rẽ rừng đi ngược trở lại. Hơi ngạc nhiên hỏi, anh cho biết phải vào thác gọi một nhóm thanh niên đang “âm mưu” cắm trại ở lại trong rừng. Sợ họ kỹ năng không có, nguy hiểm đêm hôm. Lại nữa, không cẩn thận đốt lửa làm cháy rừng thì khốn. Nhưng với võ đường Nghĩa Dũng, mỗi lần hành quân quân số lên tới hàng trăm con người, ngủ qua đêm trong rừng Ban Quản lý vườn quốc gia Bạch Mã vẫn không phải lo lắng gì nhiều. Ấy là vì họ có một vị sư phụ quá tuyệt vời, luôn để mắt, quán triệt, quán xuyến triệt để. Họ xem rừng như chính ngôi nhà của mình, không phá phách, “không lấy gì ngoài những bức ảnh”, “không để lại gì ngoài những dấu chân”. Một cọng rác, một sợi dây thun đều được các võ sinh nhặt nhạnh kỳ sạch trước khi rút ra khỏi rừng. Và không chỉ riêng với Bạch Mã, ý thức bảo vệ môi trường còn được võ sư Nguyễn Văn Dũng thổi bùng lên trong mỗi môn đệ của mình. Hình ảnh thầy và trò võ đường Nghĩa Dũng hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" ở Huế, tham gia làm sạch môi trường ở các địa phương có phân đường Nghĩa Dũng như một hình ảnh đẹp tỏa lan, góp thêm sắc màu làm lung linh bức tranh cuộc sống…

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thất vọng & để hy vọng…

Trong một tương lai gần, đi dưới tán rừng Bạch Mã, du khách sẽ được chiêm ngắm, được hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn tỏa ra từ những nhánh lan rừng đang bung nở, đang đong đưa đùa vui với nắng, với gió. Hy vọng sẽ là vậy…

Thất vọng  để hy vọng…
Tổng kết trại sáng tác âm nhạc “Non thiêng Bạch Mã”

Tối 31/8 tại phố đi bộ Nguyễn Văn, thị trấn Lăng Cô – Phú Lộc, đã diễn ra chương trình tổng kết và giới thiệu các tác phẩm âm nhạc qua Trại sáng tác âm nhạc “Non thiêng Bạch Mã” do UBND huyện Phú Lộc phối hợp Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tổng kết trại sáng tác âm nhạc “Non thiêng Bạch Mã”
Tình ca trên đỉnh Bạch Mã

Không gian chừng như vô nhiễm của rừng xanh thẳm ôn đới Bạch Mã chính là niềm cảm hứng bất tận cho các văn, nghệ sĩ Cố đô, từ thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh đến những giai điệu thanh thoát.

Tình ca trên đỉnh Bạch Mã
Lại chuyện Bạch Mã…

Đang ngồi uống cà phê với mấy anh em ở khu biệt thự Kim Giao thì thấy một nhóm người trung niên lò dò tiến lại. Họ lên tiếng chào làm quen, cho biết từ ngoài Bắc vào, lên thăm Bạch Mã. Định bụng lên cho biết rồi về, nhưng đến rồi mới thấy khí hậu, cảnh sắc tuyệt vời quá, nên cả đoàn muốn ở lại qua đêm để trải nghiệm. Nhưng Bạch Mã đã hết chỗ lưu trú. Thấy khu biệt thự Kim Giao khá rộng, họ đến “thám thính” xem còn phòng không, hay vườn nói dối họ. Và khi tận thấy Kim Giao thực sự đã full, họ lắc đầu tiếc rẻ. Nhìn bóng họ dần xa, tôi cũng lắc đầu tiếc. Tiếc cho họ một phần, và tiếc cho Bạch Mã, cho Huế nhiều phần hơn…

Lại chuyện Bạch Mã…
Hùng vĩ Hải Vân Quan

Sau “cái bắt tay đầy ý nghĩa giữa mây trời Hải Vân” giữa chính quyền hai địa phương: Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng, di tích Hải Vân Quan – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị. Công trình chính thức được mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 1/8/2024.

Hùng vĩ Hải Vân Quan
Return to top