Nhiều ngôi mộ bị lãng quên, bị cỏ cây che khuất
Duyên lành
Là một dòng tộc lớn với những dấu ấn thịnh suy gắn liền với dòng chảy lịch sử dân tộc, nhiều lăng mộ tộc họ Nguyễn Phúc xưa đã bị hoang hóa với thời gian và chiến tranh. Bên cạnh lăng tẩm 9 chúa 13 vua, vẫn còn nhiều lăng ông hoàng, bà chúa khác hiện chưa được quan tâm…
Từ năm 2017, “Nhúm lửa nhỏ” chính thức ra đời với mong muốn cùng nhau gìn giữ phần mộ tổ tiên tộc họ, vẹn chữ hiếu với ông cha. Anh chị em trong nhóm tìm kiếm những dấu tích lăng mộ hoang phế, nghi ngờ là của Nguyễn Phúc tộc, rồi định danh, định vị. Nhóm duy trì đều đặn một tuần một buổi đi thực tế, ngoài ra còn dựa vào các thành viên tự mình dò hỏi, tìm tòi thêm. Với các lăng mộ hoang, có thể lạc giữa khu dân cư, cũng có thể giữa chốn rừng già… nhóm chụp ảnh bia, ảnh mộ và lưu tọa độ vào bản đồ GPS, dự định lập “Bản đồ chi tiết lăng mộ Nguyễn Phúc tộc” tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Tôn Thất Hộ, “Nhúm trưởng” của NLN, là một trong những người đầu tiên đi tìm lăng mộ Hoàng tộc Nguyễn Phúc bị thất lạc. Là kỹ sư lâm nghiệp về hưu, ông quen với việc đi rừng và đọc bản đồ. Ông Hộ nhìn bản đồ trên mạng, tìm các ký hiệu “hình vuông màu đen, đó thường là các lăng mộ” rồi đánh dấu lại, so sánh với bản đồ lâm nghiệp để xác định vị trí rồi tìm đến để kiểm tra. Hồi đầu còn ít người hay chỉ mình ông, bây giờ mỗi lần đăng bài lên nhóm thường sẽ có 10 người tham gia mỗi chuyến.
Quy trình mỗi lần tìm kiếm và tu sửa là phát hiện, đánh dấu địa điểm, sau đó chụp lại hình bia, mộ đưa lên mạng nhờ người dịch chữ Hán, khi biết đó là mộ ai rồi mới quay lại để tu sửa và lập bảng dịch bia mộ bằng chữ quốc ngữ bên cạnh.
Ông Hộ chia sẻ: “Hồi đầu, nhóm chỉ dọn dẹp và làm bảng định danh bằng chữ quốc ngữ bên cạnh lăng thôi. Một lần có một ngôi mộ ở trong vườn nhà dân, bị họ trồng khoai lên mộ rất tội, nhóm quyết xây lại ngôi mộ. Đó là công trình đầu tiên mà nhóm sửa lại, sau lần đó vì được mọi người ủng hộ tiền bạc dư ra một ít, thế là anh em quay lại những ngôi mộ bị hư hỏng đã tìm ra trước đó để tu bổ. Ban đầu chi phí tu bổ, xây dựng chỉ là 3-5 triệu đồng, nhưng theo quy mô mộ và chức danh của người chủ mà có những lăng mộ đến 50 triệu đồng. Tiền sửa chữa toàn bộ đều là do bà con nội ngoại quyên góp, có cả người ở nước ngoài, tất cả là tự nguyện”.
“Khi tìm kiếm, tu sửa lăng mộ chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, ví như côn trùng, rắn rết vì tìm lăng là tìm trong rừng. Ngoài ra cũng từng gặp những gia đình gây khó dễ vì lăng mộ nằm trong đất nhà họ. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, đa phần mọi người khi hiểu đều ủng hộ công việc của nhóm hết mình”- Ông Hộ chia sẻ.
Trong vòng ba năm, NLN tìm được gần 280 lăng mộ, trong đó có lăng của công chúa, hoàng tử, đức bà Hoàng tộc họ Nguyễn Phúc, mộ của các quan viên trong triều Nguyễn,… một số ít vẫn còn nguyên vẹn, chỉ cần dọn dẹp, làm bảng định danh bằng chữ quốc ngữ để đời sau đến biết đó là nơi yên nghỉ của ai. Lăng mộ bị hư hỏng thì nhúm nhờ vào tiền ủng hộ để tiến hành bảo dưỡng tu sửa.
Ông Hộ kể, khi làm công việc này gặp nhiều trường hợp cũng khá “tréo ngoe” khi mà có những gia đình “thờ nhầm lăng đến ba, bốn chục năm”. Điều này cũng dễ hiểu khi địa hình ngày xưa quá khác biệt với hiện tại, chưa kể nhiều người từng rời khỏi quê hương, đến khi trở lại không tìm thấy nơi cha ông từng được chôn cất. Cuối cùng tìm đến các phương pháp cúng, bói hay nhờ người cao tuổi trong vùng chỉ, nên có trường hợp nhầm lăng. Trước giờ NLN đã gặp đến 5 trường hợp nhầm lẫn như thế này. “Thân là con cháu, còn gì đau buồn hơn việc nhận ra suốt bao năm lại thờ nhầm người ngoài, còn phần mộ tổ tiên lại không ai chăm sóc”.
Nhiều sự hỗ trợ
Hành động tự nguyện của nhóm NLN được người dân và chính quyền hay cụ thể hơn là Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ủng hộ và tạo điều kiện. Bởi dù là hành động vì “hiếu sự” nhưng đồng thời cũng phù hợp với việc bảo tồn di sản. Những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử hay các chuyên gia chữ Hán cũng thường xuyên theo dõi, giúp đỡ nhóm bằng cách cung cấp thêm tư liệu hoặc dịch văn bản khi có những tấm ảnh đăng tải trên nhóm. Nhiều người là học giả trong và ngoài nước, chỉ kết nối trên trang mạng xã hội của NLN như TS. Trần Đình Hằng (Phân Viện trưởng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế), TS. Võ Vinh Quang, TS. Hán Nôm Võ Xuân Diện cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ dịch văn bia.
Vui có buồn có, khổ cực cũng có, nhất là vào những mùa mưa bão, thế nhưng suốt ba năm NLN chưa bao giờ ngưng nghỉ. “Nhóm làm hoàn toàn chỉ vì chữ “hiếu”, không cần được mọi người biết đến hay tặng tiền bạc gì cả, chỉ mong được mọi người hỗ trợ giới thiệu những ngôi mộ cô đơn bao năm không người viếng thăm, để nhóm chăm sóc và tìm kiếm con cháu chủ nhân ngôi mộ, giúp họ tìm lại được nơi an nghỉ của tổ tiên mình”. Đấy là tấm lòng của những người con Nguyễn Phúc tộc.
Bài và ảnh: Phạm Phước Châu