Căn nhà của bệnh binh ở thị trấn A Lưới sau khi được sửa chữa đã khang trang hơn (Ảnh chụp trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4)
Trong căn nhà mới, tiếng cười của ông Lê Minh Ất (thôn Ba Lạch, xã Lâm Đớt) không ngớt mỗi lần kể chuyện. Ông Ất phấn khởi: “Qua tuổi 70, vợ chồng lại có căn nhà mới. Tuy nhỏ mà ấm áp nghĩa tình”. Ông Lê Minh Ất là bệnh binh, gia đình lại có 4 người con. Quá tuổi thất tuần, căn nhà xuống cấp khiến hai vợ chồng già không khỏi âu lo. Năm 2021, từ nguồn hỗ trợ người có công với cách mạng 40 triệu đồng, các ban ngành của huyện và chính quyền địa phương phối hợp cùng gia đình đã góp của, góp sức để xây dựng căn nhà mới cho ông Ất.
Niềm vui được nhân lên rất nhiều khi công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai liên tục và kịp thời. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021 (đợt 1 – giai đoạn 3), đã có 118 hộ được xây dựng, sửa chữa nhà, trong đó có 36 hộ được hỗ trợ kinh phí xây mới và 82 hộ được hỗ trợ sửa chữa lại nhà, tổng kinh phí hỗ trợ gần 3,1 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Văn Rêm, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện A Lưới, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện luôn quan tâm sâu sắc công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Ngoài việc hưởng trợ cấp hàng tháng, các đối tượng chính sách còn được hưởng các chế độ ưu đãi như trợ cấp một lần, trợ cấp chế độ bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế và đặc biệt là hỗ trợ cải thiện nhà ở từ các hoạt động, xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công.
Quy định ngân sách Nhà nước với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới; hỗ trợ 20 triệu đồng đối với trường hợp sửa chữa, song, để ngôi nhà của các gia đình được làm tốt hơn, các cấp, ngành của huyện A Lưới và các địa phương đã kết nối, vận động thêm các nguồn hỗ trợ, các đơn vị đỡ đầu và gia đình, người thân, bà con xóm giềng cùng quan tâm, góp sức. “Nhiều gia đình khó khăn nên chính quyền địa phương huy động các lực lượng tại chỗ cùng với bà con trong thôn hỗ trợ thêm tấm lợp, xi măng, ngày công để căn nhà được làm nhanh và vững chắc hơn”, bà Hồ Thị Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới kể.
Qua hơn 8 năm, kể từ khi có Quyết định hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (Quyết định 22), huyện A Lưới đã có 1.172 hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ xây mới và sửa chữa, trong đó 335 nhà xây mới và 837 nhà cải tạo, sửa chữa. Ông Hồ Văn Lịch, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới khẳng định, sự quan tâm, đồng lòng, góp sức của chính quyền và người dân đã giúp cho mỗi căn nhà được xây dựng, sửa chữa rất nhanh. Mỗi khi có nguồn vốn được cấp, nhiều căn nhà chỉ xây dựng chưa đầy một tháng là xong. Những gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo được quan tâm hơn cả, chính quyền, người dân trong xóm, trong thôn đều mỗi người góp một phần việc, giúp họ sớm có căn nhà mới. “Các ngành cũng phối hợp, thẩm định nhanh và cùng chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra, đốc thúc tiến độ. Nhất là các công trình xây dựng, sửa chữa trước mùa mưa bão, giúp gia đình an tâm hơn”, ông Rêm khẳng định.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho gia đình người có công là chủ trương xuyên suốt được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo huyện luôn muốn tìm mọi cách để phát triển thêm những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình. Để thực hiện việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng trên địa bàn đảm bảo kịp thời, chính xác, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các cơ quan, đoàn thể của huyện rà soát lại thực trạng, nhu cầu cần hỗ trợ nhà ở của người có công; đồng thời, tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ để làm nhà ở cho người có công chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. Ưu tiên trước cho các đối tượng gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng, hộ gia đình người có công cao tuổi, là dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Bài, ảnh: Hữu Phúc