ClockThứ Hai, 30/03/2020 13:45

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong mùa dịch

TTH - “Các trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn sẽ được hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục để cùng chia sẻ khó khăn hiện nay”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Khoa Hoài Hương khẳng định.

Kêu gọi đăng ký gói kích cầu để giúp du lịch Huế vượt khó

Đại diện LĐLĐ TP. Huế thăm hỏi, động viên người lao động trong mùa dịch

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Nửa cuối tháng 3 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam có văn bản về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. Nếu sau thời điểm này dịch COVID-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.

Chia sẻ suy nghĩ về chính sách trên, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Giã Trân tại Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đây là sự hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Là đơn vị chuyên may gia công sản phẩm trang phục truyền thống Nhật Bản, thời gian qua, công ty gặp một vài khó khăn trong quá trình vận chuyển đơn hàng sang Nhật nên đã tính đến phương án cho người lao động tạm nghỉ và liên hệ với công đoàn để hoàn tất cả thủ tục hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề trên đã được giải quyết và công ty vẫn đảm bảo ổn định sản xuất”, ông Tuấn cho biết thêm.

Bám sát tình hình thực tế

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương thông tin, số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh là 262. Qua khảo sát, tất cả các doanh nghiệp đều chủ động thực hiện nhiệm vụ duy trì việc làm cho công nhân, hoặc linh động cho công nhân nghỉ phép và thay đổi mô hình sản xuất phù hợp với tình hình hiện nay.

Đơn cử như Công ty CP One- One miền Trung (Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) tổ chức cho công nhân đi làm 4 ngày, nghỉ 2 ngày và vẫn trả lương nhưng không có khoản thu nhập tăng thêm. Công ty TNHH Hanex Huế (Khu Công nghiệp Phú Bài) cho khoảng 40% công nhân nghỉ phép năm luân phiên. Công ty Hbi Huế chuyển sang nhận các đơn hàng khẩu trang. Công ty TNHH Laguna Việt Nam tuy bị thiệt hại lớn do du khách hủy phòng vẫn tiến hành duy trì bộ máy và đảm bảo trả lương cơ bản cho người lao động.

Theo bà Hoài Hương, hiện nay, LĐLĐ tỉnh chưa ghi nhận bất cứ trường hợp doanh nghiệp nào có 50% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội nghỉ việc do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 để tiến hành các thủ tục lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn. Tuy nhiên, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh vẫn chỉ đạo các cấp công đoàn bám sát cơ sở, liên tục cập nhập tình hình để kịp thời vào cuộc khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, làm việc cùng doanh nghiệp và công đoàn cơ sở xây dựng các kịch bản xấu nhất khi buộc phải cho 50% lao động nghỉ dài hạn để tổ chức công đoàn cùng chung tay giải quyết, lên phương án hỗ trợ.

Về kinh phí hoạt động công đoàn, các công đoàn cơ sở được hoãn đóng có thể tạm ứng nguồn tích lũy lâu nay để hỗ trợ đời sống công nhân. Nếu nằm ngoài khả năng, công đoàn cấp trên cơ sở có nhiệm vụ đề xuất ứng trước các nguồn thu để đảm bảo các hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp đó.

“LĐLĐ tỉnh tiếp tục yêu cầu và giám sát các doanh nghiệp trong vấn đề an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Đồng thời, bám sát cơ sở và lên các phương án xấu nhất khi doanh nghiệp “vỡ trận” để có hướng đảm bảo sinh kế cho người lao động”, bà Hoài Hương cho biết thêm.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội

Tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động (NLĐ).

Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội
Đồng hành để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập

Để người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng tốt hơn, công tác khuyến khích NKT tiếp cận và sống độc lập là vô cùng quan trọng. Từ đó, cùng chung với các hoạt động khác nâng cao chất lượng sống, giúp NKT vượt qua những rào cản và vươn lên.

Đồng hành để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập
Đồng hành điều ước của con

“Nếu ông Bụt giúp được điều ước của con sẽ trở thành hiện thực thì con xin được tiết lộ ạ. Hiện tại, bà nội con đang bị ung thư vú mà nhà con thì lại rất nghèo không thể lo tiền thuốc men để chữa trị cho bà được. Con rất lo cho bà nội của con”.

Đồng hành điều ước của con
Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng

TIN MỚI

Return to top