ClockThứ Năm, 20/08/2020 14:39

“Nồi cháo chống dịch” của chị Sinh

TTH - Khi đại dịch COVID-19 tái bùng phát, dù chuyện làm ăn không mấy thuận lợi nhưng chị Nguyễn Thị Sinh (sinh năm 1964) vẫn quyết định đóng góp những món quà ý nghĩa cho tuyến đầu chống dịch.

Góp sức chống dịchSát cánh chống dịch COVID-19Phụ nữ Phú Vang triển khai nhiều hoạt động phòng chống COVID-19“Gọi là đi, cần là có”

Chị Nguyễn Thị Sinh (giữa) quyên góp nhu yếu phẩm phòng, chống dịch COVID-19

Món quà ý nghĩa

Một ngày đầu tháng 8, khác với mọi hôm, dù đã quá trưa nhưng quán cháo lươn của chị Nguyễn Thị Sinh tại đường Phùng Hưng, phường Thuận Thành (TP. Huế) vẫn tiếp tục đỏ lửa. Thường lệ, quán chỉ bán vào buổi sáng nhưng hôm nay lại là ngày “đặc biệt” khi cả gia đình tham gia nấu những phần cháo ủng hộ cho khu cách ly Hương Sơ.

Lúc đứng ngọ, khi những vị khách cuối cùng rời quán, chị Sinh liền bày biện nguyên liệu, gia vị đã chuẩn bị trước đó để kịp giờ. Suốt từ trưa cho đến chiều, gian bếp của quán liên tục đỏ lửa để hoàn thành các công đoạn: ninh xương, chiết nước, nấu cháo.

Vừa thoăn thoắt khuấy cháo, chị Sinh vừa kể, nồi cháo lần này chị cố gắng nấu đặc một chút để dễ vận chuyển và người ăn được no lâu. Các chú công an, bộ đội làm việc tại đó cần phải thật no bụng mới có sức “chiến đấu” với dịch bệnh.

Tầm 4 giờ chiều, nồi cháo lươn thơm phức đã hoàn thành. Các con chị Sinh chung tay phụ mẹ múc cháo vào hộp. Công đoạn tưởng chừng dễ dàng, nhưng lại tốn khá nhiều thời gian vì số lượng cháo lên đến 200 suất. Liên tục trong gần 1 giờ đồng hồ, chị Sinh vừa múc cháo vừa lau vội những giọt mồ hôi trên trán để tiếp tục công việc, đảm bảo kịp giờ ăn của người cách ly và đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch.

Trong quá trình vận chuyển cháo, một thùng cháo không may đã bị nghiêng đổ khiến công sức của mấy mẹ con tiêu tan. Không nản lòng, chị Sinh liền nhanh trí nấu thêm 60 suất miến lươn thay thế và tức tốc vận chuyển theo sau.

“Cũng may là tôi có chuẩn bị thêm nguyên liệu phòng khi nấu không đủ số lượng mới có thể “chữa cháy” cho tình huống bất ngờ trên. Tôi đặc biệt dành phần miến cho lực lượng làm nhiệm vụ để đổi khẩu vị nhưng các anh đã chủ động đổi sang dùng cháo để nhường cho bà con đang cách ly, điều đó khiến tôi thêm phần thán phục và cảm động”, chị Sinh kể.

Sống là sẻ chia

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Huế cho biết, khi nghe chị Sinh chia sẻ về ý tưởng nồi cháo của mình, công đoàn thành phố lập tức ủng hộ và sẵn sàng “chia lửa”, hỗ trợ chị hoàn thành công việc. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp cùng chị Sinh cũng như các doanh nghiệp, nhà hảo tâm khác quyên góp, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các khu cách ly trên địa bàn.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Sinh quyên góp, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID - 19. Trong 2 đợt dịch vừa qua, chị đã 2 lần ủng hộ với tổng số tiền hơn 2 triệu đồng và nhiều nhu yếu phẩm khác như mì gói, sữa, nước suối, miến dong…

Chị Sinh tâm sự, có chồng là quân nhân nên chị rất đồng cảm với lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội đang ngày đêm “chiến đấu” với dịch bệnh. Tuy gia đình không phải giàu có, nhưng chị luôn muốn trở thành hậu phương vững chắc, góp chút sức nhỏ cổ vũ và chăm sóc những người lính đang ở tuyến đầu phòng, chống dịch.

“Khi còn sống, chồng tôi công tác ở Quân khu 4 nên thường xuyên xa nhà, một năm chỉ về nhà mấy lần. Chứng kiến hình ảnh người lính trong bộ đồ bảo hộ y tế giúp đỡ người dân trong khu cách ly, tôi thực sự xúc động như nhìn thấy bóng hình của người thân trong đó và có thêm động lực để chuẩn bị một món quà hỗ trợ các anh về vật chất và tinh thần”, chị Sinh bộc bạch.

“Quan trọng nhất là tấm lòng của bản thân. Mỗi người chỉ cần góp một phần sức nhỏ trong khả năng của bản thân là có thể “tích tiểu thành đại”, cả xã hội có thể chung tay đẩy lùi đại dịch”. Đó là lời chị Sinh thường động viên các con.

Những ngày qua, nhiều thực khách đến quán biết đến câu chuyện “nồi cháo chống dịch” của chị Sinh đều không hết lời khen ngợi, cổ vũ. Một số người còn tỏ ý đóng góp để tiếp tục thực hiện, nhưng chị Sinh chỉ khiêm tốn cảm ơn và mong muốn lan tỏa tinh thần yêu nước, quyết đẩy lùi đại dịch đến đông đảo mọi người.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế
Hương Thủy phát động Tháng bình đẳng giới năm 2024

“Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” là chủ đề Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do thị xã Hương Thủy tổ chức sáng 29/11.

Hương Thủy phát động Tháng bình đẳng giới năm 2024

TIN MỚI

Return to top