ClockThứ Hai, 04/09/2023 14:07

“Phố mới” tái định cư

TTH - Để phục vụ cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, hàng trăm hộ dân phải di dời, “nhường đất” giao mặt bằng cho các đơn vị triển khai thi công để đến nơi ở mới. Từ đó, những khu tái định cư (TĐC) cũng được xây dựng khang trang, góp phần đưa những hộ dân về gần với “phố phường” hơn.

Khẩn trương xử lý sạt trượt trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn trước mùa mưaĐề xuất hoàn trả đồng bộ Tỉnh lộ 11B qua huyện Phong Điền

Nhà cửa xây dựng khang trang tại “phố mới” Thủy Bằng 

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, được khởi công từ tháng 9/2019. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng. Riêng đoạn tuyến qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài hơn 62km, đi qua 4 huyện, thị xã: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc.

Để phục vụ cho thi công dự án, Thừa Thiên Huế đã xây dựng 9 khu TĐC cho 191 hộ dân bị ảnh hưởng. Trước khi dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn khánh thành đưa vào sử dụng, những khu TĐC cũng đã “thành hình”, các hộ dân đã vào bốc thăm nhận lô, xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống trên thiết chế hạ tầng khang trang, tiện nghi như những khu “phố mới”.

Về xây dựng nhà cửa tại khu TĐC Thủy Bằng (thuộc thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng, TP. Huế) từ năm 2021, giờ đây đời sống gia đình ông Nguyễn Văn Xuân đã ổn định với nghề lẩy giác trầm, cung cấp nguyên liệu làm hương. Hạnh phúc hơn, ông Xuân vẫn còn diện tích đất ở “quê gốc” với hơn 500m2 đất rừng trồng keo tràm.

Ông Xuân kể, gia đình ông trước đây ở thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng (lúc này vẫn còn thuộc địa giới hành chính của thị xã Hương Thủy). Dù đất đai sinh sống nhiều đời nhưng luôn nơm nớp lo ngập lụt, thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn thu kinh tế chủ yếu trông vào trồng rừng, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ.

Khi dự án cao tốc triển khai, gia đình ông bị thu hồi tổng cộng hơn 1.000m2 đất ở và đất rừng sản xuất. Hộ thuộc diện phải TĐC nên buổi đầu việc di dời gia đình ông cũng như nhiều hộ khác mang tâm trạng lo lắng, bởi nơi TĐC nhiều lúc không bằng nơi ở cũ, chưa nói đến phải xa mảnh đất mình canh tác bao nhiêu năm qua.

 Nghề lẩy giác trầm của ông Nguyễn Văn Xuân (khu TĐC Thủy Bằng, TP. Huế) vẫn đảm bảo sinh kế cho gia đình

“Nghe rục rịch di dời, gia đình cũng đã chạy về khu TĐC xem thế nào. Giai đoạn này, Thủy Bằng đã sáp nhập thành phố. Về thấy khu TĐC được xây dựng khang trang, các trục đường nội bộ rộng rãi nên chúng tôi rất phấn khởi”, ông Xuân bộc bạch.

Về khu TĐC, hộ ông Xuân được bố trí 400m2 đất ở, giờ ông đã xây nhà cửa và chừa lại một ít diện tích đất cho người con trai thứ 2 xây dựng nhà cửa sau này. Thu nhập bằng nghề lẩy trầm, bán nguyên liệu làm hương cũng ổn định với khoảng 300 nghìn đồng/ngày/người, giúp gia đình ông vừa duy trì được nghề cũ, vừa có kế sinh nhai khi đến nơi ở mới.

“Về nơi ở mới, mọi thủ tục giấy tờ, cấp đất, hỗ trợ sinh kế đều được chính quyền tạo điều kiện. Vui hơn, hiện nay tuyến Quốc lộ 49 đi ngang qua trước khu TĐC đã được nâng cao cốt nền, thảm nhựa mới tránh lụt lội. Giờ về với “phố mới” bà con TĐC rất phấn khởi”, ông Xuân vui mừng.

Theo UBND xã Thủy Bằng, Dự án Khu TĐC xã Thủy Bằng (nay thuộc TP. Huế) được UBND tỉnh phê duyệt tháng 11/2019 với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Khu TĐC có diện tích hơn 2ha, được phân thành 25 lô, mỗi lô từ 200 - 400m2, nhằm phục vụ TĐC cho các hộ bị ảnh hưởng phải di dời thuộc dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Đến nay, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc đã được đền bù thỏa đáng và phần lớn người dân đã tiến hành xây dựng nhà ở, có cuộc sống ổn định.

Trong ngôi nhà mới xây dựng khang trang tại khu TĐC xã Phong Xuân (Phong Điền), ông Nguyễn Văn Tiến - một hộ dân vui mừng cho biết, sau khi nhường đất phục vụ dự án, thuộc diện phải di dời, gia đình ông đến nơi ở mới đã xây dựng được ngôi nhà hơn 700 triệu đồng từ tiền đền bù. Trước đây, ở khu kinh tế mới cùng xã, ngôi nhà gia đình ở đã xuống cấp, hư hỏng. Đến nơi TĐC xây được căn nhà mới cùng với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, kết nối giao thông thuận tiện đã giúp gia đình ông thuận lợi trong việc kiếm công ăn việc làm, ổn định sản xuất.  Ngoài ra, một “điểm sáng” của chính quyền là sau khi nhận xong tiền hỗ trợ đền bù, các hộ dân đã xây nhà cửa, các thủ tục như cấp sổ đỏ, kéo đường dây điện, hệ thống nước sạch… đều được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Vì vậy, người dân yên tâm sinh sống khi chuyển đến nơi ở mới.

Dù công cuộc TĐC đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng là “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”, nhưng đối với các hộ dân vẫn còn đó những nỗi lo thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm ổn định. Bởi, theo quy định, những hộ dân TĐC đã nhận tiền đền bù và chuyển đổi nghề thì không được cấp đất sản xuất.

Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân thông tin, trước những kiến nghị người dân về việc thiếu đất sản xuất khi đến nơi ở mới, UBND xã Phong Xuân đã xây dựng đề án để các hộ dân không có đất rừng sản xuất được thuê đất trồng trọt. Theo đó, dự kiến mỗi hộ dân sẽ được thuê 1ha/hộ và có khoảng 300 hộ trên địa bàn được triển khai theo đề án, trong đó có các trường hợp người dân thuộc diện TĐC cao tốc.

Hiện UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo các xã rà soát lại những hộ thiếu đất sản xuất. Trong đó, sẽ ưu tiên những hộ dân ở khu TĐC cao tốc bị thu hồi hết đất sản xuất để có phương án cho thuê lại đất rừng sản xuất, nhằm giúp các hộ dân sớm ổn định khi đến nơi ở mới.

Ông Hồ Hữu Phú, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua huyện dài 23,8km và đã thu hồi gần 150ha đất của 811 hộ dân của 3 xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ để phục vụ cho dự án. Trong đó, có 80 hộ dân thuộc diện tái định cư (44 hộ chính, 36 hộ phụ). Huyện đã xây dựng 3 khu TĐC với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng tại 3 địa phương nói trên, với thiết chế hạ tầng đầy đủ để phục vụ TĐC cho các hộ dân.

Hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, kết nối giao thông thuận tiện đã góp phần dần ổn định cuộc sống người dân. Hiện nay, các khu TĐC đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, hầu hết các hộ dân đã nhận đất xây dựng nhà cửa. Bên cạnh việc đưa người dân đến nơi ở mới, chính quyền các cấp đang có nhiều chính sách hỗ trợ, đảm bảo sinh kế đối với người dân để từng bước chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp.

Hoàn trả các đường công vụ

Khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được triển khai, Sở Giao thông Vận tải đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh 8 tuyến tỉnh lộ ở các địa phương với chiều dài gần 37km làm đường công vụ và 9 đoạn tuyến để thi công các điểm giao cắt với đường tỉnh. Sau khi tuyến cao tốc hoàn thành và đưa vào sử dụng, Sở GTVT đã làm việc với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nhằm rà soát thống nhất phương án hoàn trả đối với từng tuyến đường công vụ. Đến nay, đối với các tỉnh lộ (TL) đã hoàn thành sửa chữa, bàn giao đưa vào sử dụng như: TL 25, TL 12B, TL 15, TL 15B và TL 17. Đối với các đoạn tuyến bàn giao để thi công các điểm giao cắt hiện đã thi công xong, đang chờ hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu mới bàn giao lại.


Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc

Ngày 5/11, Ban Quản lý dự án (DA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh tổ chức hội thảo công bố đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà).

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc
Hỗ trợ người dân khu tái định cư Hồng Thượng

UBND huyện A Lưới phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư dự án (DA) cụm công nghiệp Cân Tôm - Hồng Thượng. Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân, nghiên cứu phương án đổi đất lâm nghiệp đối với 15ha đất ở Hồng Thượng thuộc DA đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện A Lưới.

Hỗ trợ người dân khu tái định cư Hồng Thượng
Liên quan việc cấp đất tái định cư để mở rộng đường 100m:
Cần giải quyết đúng lý, hợp tình

Mấy năm nay, gia đình ông Ngô Văn Dựt, ở phường Xuân Phú, nằm trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án (DA) mở rộng đường 100m, nối khu A và khu B đô thị An Vân Dương (TP. Huế). Ông Dựt cho rằng, con của mình đủ các điều kiện để tái định cư (TĐC), nhưng chính quyền địa phương chưa xem xét thấu tình, đạt lý...

Cần giải quyết đúng lý, hợp tình
Những điểm mới của Luật Đất đai 2024

Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống. Kế hoạch đặt ra nhiều mục đích; trong đó chú trọng phổ biến sâu rộng các điểm mới so với luật cũ.

Những điểm mới của Luật Đất đai 2024
Khu tái định cư Đại học Huế:
Điều chỉnh quy hoạch, hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng

Theo Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh, việc điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế (thuộc phường An Cựu và An Tây, TP. Huế) nhằm hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), cố gắng giữ lại hiện trạng phần đất của cụm dân cư hiện hữu.

Điều chỉnh quy hoạch, hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top