1. “Đã nhận được quà tết mình gửi chưa?”. Từ phương xa, bạn nhắn, khi những ngày cuối năm tất bật cận kề.
Đã thành nếp, mỗi dịp đón năm mới, bạn lại gửi ra Huế tặng bạn cũ một món quà. Khi thì gói hạt điều. Khi thì chiếc áo ấm. Khi thì đôi giày đẹp... Cũng đã thành nếp, khi những ngày tết tất bật về, tôi lại hóng quà của bạn. Những món quà nhỏ nhắn, kèm theo tấm thiệp thơm mùi giấy có đôi câu chúc được bạn nắn nót. Ấm áp như thể, bạn đã gửi một chút nắng phương nam về Huế...
Lần này, quà bạn gửi là sách. Một cuốn sách dành cho tuổi 50. Tuổi của những mong ước không còn nhiều mơ mộng như những cô học trò học văn ngày nào. Tuổi của những chiêm nghiệm và bắt đầu học cách để được tĩnh lặng.
“Mình nghiệm ra, hàng ngày, chúng ta thường quen tặng nhau một đôi giày, một lọ nước hoa, một chiếc điện thoại, một bữa ăn... mà quên mất những cuốn sách”. Bạn tâm tình, về lý do món quà tết năm nay bạn gửi ra Huế là sách.
2. “Bao lì xì này không có tiền mẹ ạ”. Con nói, khi về nhà sau một ngày thăm hỏi người thân và “kiểm đếm” bao lì - xì vốn là một trong những niềm vui của con trẻ ngày tết.
Con ngạc nhiên rút ra từ bao lì-xì không phải tiền như thường lệ. Thay vào đó là tấm giấy nhỏ và những lời chúc: “Chúc năm mới tốt lành. Chúc những ước mơ đẹp sẽ thành hiện thực. Hãy sống hết mình với những gì trái tim mách bảo”. Đón nhận thông điệp từ chiếc bao lì-xì đặc biệt, tôi thấy lòng rộn lên niềm vui bất ngờ. Hôm sau, điện thoại trò chuyện về món quà tết hay ấy, người cháu - chủ nhân của món quà - bày tỏ: “Con tìm hiểu thì biết ngày xưa, bao lì-xì ngày tết là những lời chúc. Người ta trao nhau những lời chúc phúc đầu năm như một sự mong ước tử tế. Trẻ được mừng tuổi bằng tiền cũng vui, nhưng một phong lì-xì với những lời chúc tốt đẹp cũng có vẻ đẹp riêng”.
3. Tết này, bạn và gia đình sẽ làm gì? Bạn sẽ “ăn” tết hay để tết “ăn” bạn? Đó là những câu hỏi tôi đã bắt gặp khi tham gia một chương trình chia sẻ qua zoom trước thềm năm mới.
Trả lời câu hỏi ấy là rất nhiều những kế hoạch, dự định với những món quà tết ý nghĩa. Một chuyên gia giáo dục đã dành hẳn những ngày nghỉ tết để tặng cộng đồng “Những người tử tế” hai buổi nói chuyện “0 đồng” về cách dạy con sử dụng tiền lì-xì như thế nào và cách để cha mẹ đồng hành cùng con trong độ tuổi dậy thì. Một cô giáo tranh thủ ngày nghỉ cuối năm, cùng vài đồng nghiệp đến một nhà trẻ tình thương, trang hoàng cho các em căn phòng rực rỡ hoa để đón tết cùng những chiếc áo mới. Một nhóm thanh niên trẻ chia sẻ họ vừa trở về, sau hành trình đem văn hóa đọc với rất nhiều sách đến cho trẻ em một huyện vùng núi xa xôi ở Hà Giang trước thềm năm mới.
Và trong câu chuyện tết năm nay bên người thân, gia đình, tôi đã kể những câu chuyện về những món quà tết thật đẹp ấy.
Một cái tết sau những tháng ngày chống chọi trước dịch bệnh, những buổi gặp ở quê nhà không còn quá nhiều bia và thức ăn rườm rà như những năm trước. Người chị gái làm y tế xã thở phào: Tết năm nay thật yên. Ít nhậu nhẹt, ít ăn chơi nên cũng ít đánh nhau, ít tai nạn phải đến cấp cứu.
Ở góc độ nào đó, không chỉ là những cuốn sách hay; không chỉ là những chiếc bao lì-xì có lời chúc đẹp; không chỉ là những chuyến thiện nguyện nhân văn...Một cái tết đơn giản và lành mạnh, bản thân nó đã là món quà tết tốt đẹp trong mỗi gia đình.
KIM OANH