ClockThứ Ba, 06/06/2023 08:43

Sân bóng “ruộng” tuổi thơ

TTH - Chiều nay, đưa lũ trẻ về quê thăm ông bà. Đi ngang qua con đường làng thân thuộc, vô tình bắt gặp một trận bóng đá sôi động với bầu không khí vô cùng nhộn nhịp ở trên một cánh đồng lúa vừa gặt còn nguyên đó những gốc rạ. Nhìn các cháu say sưa theo nhau tranh trái bóng, trong tôi lại mường tượng ra những người bạn cùng trang lứa, cũng đã từng có những trận cầu nảy lửa trên sân "ruộng" ngày nào.

Tô cháo gạo lứt của ngoạiNhớ tiếng còi tàuBóng đá giữa đời thường

leftcenterrightdel
Thanh, thiếu niên chơi bóng 

Ở quê tôi ngày ấy, không có sân bóng được đầu tư, xây dựng khang trang, nên thanh, thiếu niên, lũ trẻ trong làng thường tận dụng nhiều nơi làm sân bóng đá, từ bờ đê, đất ruộng sau thu hoạch, hay những mảnh đất trống... Miễn sao có trái bóng và đất trống là có được niềm vui của trò chơi tập thể hấp dẫn này. Tuy nhiên, không vì thế mà các trận đấu diễn ra kém sôi nổi. Ngược lại, những trận đấu được gọi là “siêu kinh điển” đó luôn vô cùng hấp dẫn và kịch tính.

Hồi đó, đám trẻ con chúng tôi làm gì có được trái bóng da, bóng nhựa để đá như bây giờ. Trái bóng khi đó làm bằng các mảnh vải thừa quấn đùm "nhíp" lại thành hình tròn hoặc là quả bưởi rụng. Sân bóng không có khung thành mà dùng đôi dép làm mốc đánh dấu hai cọc gôn, thế là đủ để vui chơi thỏa thích.

Cầu thủ nổi tiếng nhất mà lũ trẻ chúng tôi hâm mộ là chú Lê Huỳnh Đức số 10 và chú Lê Hồng Sơn số 8 của tuyển Quốc gia Việt Nam. Hâm mộ đến nỗi mỗi lần đi đá bóng là muốn được khoác lên mình chiếc áo số 10 và số 8 ấy. Hay cảm giác bắt chước bứt tốc, đột phá như chú Huỳnh Đức rồi tung một cú sút thật căng về phía khung thành thủ môn như chú Hồng Sơn. Tất cả đều được thể hiện trong trận cầu kinh điển hàng ngày trên sân “ruộng” ngày ấy...

Sau này khi lớn hơn một chút thì dùng hai cây tre đóng xuống làm khung thành, nhưng không có lưới nên khi sút bóng vào gôn mà bóng bay đi xa thì sẽ có một, hai đứa giận dỗi vì phải đi nhặt bóng xa và trận đấu tạm dừng.

Có hôm, bóng rơi xuống vũng trâu đầm nằm gần đó thế là cả đám phải oẳn tù tì chọn ra đứa nhặt bóng. Cuối cùng chúng tôi lại lũ lượt kéo nhau về vì quyết định nghỉ chơi do không đứa nào chịu xuống nhặt bóng. Nghĩ lại thấy vui và buồn cười...

Cứ sau giờ tan trường, lũ trẻ chúng tôi ai nấy đều vội vàng chạy về nhà, chỉ kịp "vứt" cặp sách, thay quần áo là ào ra sân "ruộng" để đá bóng mà không cần hẹn trước. Vào mùa hè, được nghỉ học, việc phụ giúp bố mẹ chăn trâu, chăn bò là điều kiện tốt để lũ trẻ thôn quê tụ tập chơi bóng thỏa thích.

Nhớ có những hôm "oẳn tù tì" để "chia phe" đá bóng, đứa nào cũng muốn chọn những cầu thủ theo ý mình nên những trận cãi vã không bao giờ ngớt. Trước mỗi trận bóng là khoảng thời gian mà đứa nào cũng hậm hực trong lòng, mà chỉ qua đi khi trái bóng bắt đầu lăn.

Những trận đấu không trọng tài, không luật lệ và không giới hạn về thời gian cứ trôi qua cho đến khi trời tối, không thấy đường thì mới kết thúc. Không nhớ là trận đấu đã có bao nhiêu bàn thắng mà chỉ có tiếng cười giòn giã xua tan đi cái mệt mỏi, căng thẳng của một ngày.

Giờ đây, ở các vùng nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều sân bóng đá nhân tạo được đầu tư quy mô, đúng tiêu chuẩn. Thế nhưng, mỗi lần có dịp trở về quê, được chứng kiến những trận đấu bóng đá ở sân bóng quê, tôi lại có cảm giác bồi hồi lẫn phấn khích bởi khoảnh khắc đó bình yên đến lạ, như được trở về với tuổi thơ, với những trái bóng và những tiếng hò reo vô lo, vô nghĩ.

Bài, ảnh: Lương Ngọc An
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Tắm sông

“Mùa hè mà nhảy bùm xuống sông, vẫy vùng, bơi lội thì còn chi bằng!” - Tôi nhận được câu trả lời của bạn sau khi chuyển cho bạn xem những bức ảnh chụp cảnh buổi sáng chúng tôi bơi trên sông Hương, đoạn phía dưới chùa Thiên Mụ.

Tắm sông
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà

TIN MỚI

Return to top