Cái ổ cứng mảnh dẻ chứa hàng chục tên file. Có lẽ bản thân nó cũng không hề biết rằng, mình đang chứa một sức nặng đến như thế về rất nhiều lĩnh vực, góc nhìn, tình cảm và thông điệp mà những người thực hiện muốn chuyển tải. Tôi đã dừng lại, rất lâu và cứ nghĩ hoài về sự khốc liệt của thiên nhiên cũng như sự tàn phá của nó. Một cái gì đó hoang hoải lắm giữa những ngày yên bình mà tôi đang sống, ở một nơi khác, thật xa, đến cả ngàn km. Thiên tai chẳng lẽ và có phải là điều mà con người không lường trước được? Điều gì đã làm thiên nhiên giận dữ đến thế khi tước đi mái ấm và có thể, làm thay đổi cuộc đời của làng xóm, thay đổi cuộc đời và những số phận cụ thể? Đến bao giờ nữa, những nỗi đau ấy mới được kiềm chế và đến bao giờ nữa, chúng ta mới thôi thụ động trước những ẩn họa đến từ thiên nhiên?
Hơn cả một cuộc thi và vượt qua khuôn khổ của giải báo chí quốc gia hàng năm, chắc chắn là các đồng nghiệp của tôi đã muốn cảnh báo về điều đó, muốn có một động thái, hay đề nghị một giải pháp nào đó trước sự tiềm ẩn của rủi ro mang tên sạt lở ở các tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ... Chắc các đồng nghiệp của tôi cũng biết, câu trả lời cũng khó về một sự xác định, khi mà khuynh hướng sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được các chuyên gia dự báo là sẽ ngày một trầm trọng hơn. Đau hơn, còn là một dự báo khác về việc sẽ không có một biện pháp nội tại nào có thể cưỡng lại được trước những tác động của biến đổi khí hậu, trước những tác động của con người khi can thiệp vào các dòng chảy. Khi khai phá, tận dụng và xâm thực quá mức vào các dòng sông, người ta có lẽ đã không mường tượng cái giá phải trả; hoặc ít ra đã nghĩ, ai (đó) sẽ trả, chứ không phải là mình.
Khi gõ những điều này, tôi nhớ những bưng biền xanh mướt mình đã qua ở Cà Mau, nhớ những vườn trái trĩu trịt ở Cù lao Minh (Vĩnh Long), nhớ các bạn của tôi khi ngồi cùng nhau đón gió sông Hậu trong một chiều nhập nhoạng tối ở Cần Thơ. Vài mươi năm nữa, vùng sạt lở có cuốn theo mình câu ca xưa về một vùng gạo trắng nước trong và niềm thương dai dẳng của những “ai đi đến đó, lòng không muốn về”? Quả thật là tôi đã so vai mình lại khi tìm thấy con số chênh nhau đến 272ha/năm giữa tốc độ xói và tốc độ bồi mà Viện Khoa học thủy lợi miền Nam công bố qua một kết quả nghiên cứu trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2015.
Nhưng chí ít thì đó cũng là những điều có thể đo đếm được. Khi không thể “chẩn trị”, khi không hoặc chưa cưỡng lại được, người ta sẽ có cách hoặc phải học cách để chung sống, hoặc phải thích nghi với chính những tác động đến từ thiên nhiên. Chỉ sợ nhất là những vực sâu và sự sạt lở đến từ lòng người. Mà những điều đó nào có thể lường trước được.
Thốt nhiên, tôi lại thấy vai mình so lại khi nghĩ đến sự tử tế như những barie vừa bền chặt nhưng cũng lại vừa quá đỗi mong manh giữa cuộc đời.
Hoàng Mai