Gió tinh khôi từ dòng Hương thoảng lên, khiến vòm lá khẽ lao xao ngày mới. Lúc đó tầm 5 giờ sáng. Cầu Trường Tiền đã thức dậy cùng những tiếng chân người thể dục, tiếng những chiếc xe máy chở nặng rau củ quả từ chợ đầu mối về. Có chiếc xích lô chầm chậm qua cầu, chở theo nồi bún lớn tỏa hơi nóng thơm mùi gia vị, đặt trên bếp than rực hồng. Khi gió thoảng qua, ngọn lửa được nhóm lên, nhảy nhót như vũ điệu tinh nghịch trên đường. Chị phụ nữ bán bún, đạp chiếc xe đạp theo sau, dù tất bật cũng không quên nở nụ cười đáp lại những ánh nhìn vui vẻ… Một ngày mới rộn rã những thanh âm bình yên, ngay sau bão.
Hôm qua, bão chưa dứt hẳn, nhưng lúc những cơn gió ở phố có vẻ đã “dịu” bớt, tôi quyết định về xã Vinh Xuân (Phú Vang), nơi có 66 ngôi nhà tốc mái nặng, vài ngôi nhà bị sập. Từ quốc lộ rẽ vào con đường để đến Vinh Xuân, trong lòng dấy lên nỗi “ngại ngùng” khi nhận ra mình đang đi vào vùng gió. Tôi nhớ, lúc đó cảm thấy mình thật bé nhỏ mong manh trong lớp lớp gió bạt lên từ những cánh ruộng ngập nước mênh mông. Tâm tư đã từng sợ hãi, khi đến quãng đường mà hai bên là sông Đại Giang và đầm phá, gió càng dữ. Những ngôi nhà hai bên đường đóng chặt cửa. Đường thưa thớt người. Thỉnh thoảng, mới có chiếc xe máy cố gắng bươn bả vượt qua khỏi vùng gió. Cảm thấy đơn độc, nhiều lúc muốn bật khóc, tôi cố gắng ghì tay lái thật chặt, liên tục giảm tốc độ, để tránh bị gió xô ngã.
Nhưng trong chặng đường đầy mưa gió ấy, tôi đã nhận được sự trợ giúp ấm lòng. Có chiếc xe máy do người đàn ông cầm lái, phía sau chở người phụ nữ, đã chạy vượt lên trước. Nhưng rồi cố tình chậm lại chờ. Gió lớn, mưa nhạt nhòa, không thể giao tiếp bằng lời nói, anh chị ấy chạy thật chậm, ngay cạnh tôi, thỉnh thoảng lại quay về phía tôi, như thể đang động viên tôi hãy yên tâm. Đi cạnh tôi quãng đường khá dài, đến địa phận xã Phú Gia, anh chị ấy gật đầu như lời chào, rồi rẽ xuống con đường làng. Tôi lại một mình tiếp tục, nhưng cảm thấy cuộc hành trình không còn đơn độc và như được tiếp thêm sức lực vì đã nhận được và mang theo tình cảm quan tâm, hỗ trợ về tinh thần đáng quý, từ những người chưa từng một lần quen biết ấy.
Đến Vinh Xuân, hình ảnh nhà cửa bị cơn lốc xoáy trong bão tốc mái, đánh bị sập, dù còn nhiều ngổn ngang, mất mát, nhưng nước mắt của người dân bị thiệt hại đã phần nào vơi đi, khi bên cạnh họ là chính quyền địa phương các cấp, là các lực lượng đã, đang ghé vai, chung sức. Đặc biệt, những người lính từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, dù mưa gió, vẫn khẩn trương giúp dân. Trong khi dọn dẹp đống gạch ngói đổ nát, đã cẩn thận từng chút một để giữ gìn, bảo quản vẹn nguyên các vật dụng dù nhỏ nhặt nhất. Đó chính là sự thấu hiểu, từ tấm lòng biết cảm thông với mất mát và nỗi đau của người khác.
Khi bước chân bị “níu” lại trên cầu Trường Tiền sáng nay, bởi những thanh âm và hình ảnh yên bình, tôi đã nhớ thật nhiều đến tình người trong giông bão. Tình cảm của những người chưa từng quen biết (và có lẽ chẳng bao giờ gặp lại), tôi sẽ cất giữ mãi trong ký ức đẹp đẽ. Cũng như những người dân xã Vinh Xuân, rồi sẽ khó khăn khi bị thiệt hại không nhỏ về tài sản. Nhưng chắc chắn, có một tài sản khác, quý giá và đáng trân trọng mà họ nhận được, đó là tình cảm, sự hỗ trợ, sẻ chia, đồng hành của xã hội, cộng đồng. Đó cũng là “chất liệu” để chữa lành những nỗi đau. Sau những bão giông, cuộc sống lại tiếp tục yên bình…
Quỳnh Anh