Học múa tại Trung tâm đào tạo âm nhạc Gia Bảo. Ảnh: TRUNG TÂM GIA BẢO
Rủ nhau học năng khiếu
Có con gái năm nay lên lớp 5 và một cu cậu chuẩn bị vào lớp 2, hè về, chị họ tôi bắt đầu hành trình mỗi tuần 3 buổi đưa con từ Phú Bài lên Huế học năng khiếu. Rút kinh nghiệm năm ngoái, chị đăng ký cho con gái học hát theo sở thích của mình, cuối cùng không hiệu quả, năm nay, chị đưa con đến Nhà Thiếu nhi Huế tham quan để tự chọn môn học theo sở thích. Cô con gái hào hứng đăng ký học vẽ và nhảy, cậu con trai học cờ vua và võ thuật, thế là chị yên tâm cho con bắt đầu mùa hè.
Thấy cô con gái nhỏ 5 tuổi luôn uyển chuyển theo nhạc, chị Lâm Nhi (TP. Huế) đăng ký cho con học nhảy tại N.Studio (đường Trần Cao Vân, TP. Huế). Chị Nhi chia sẻ, chị không có tiêu chí gì ngoài mong muốn con được học môn năng khiếu mình thích, hơn nữa, môn học ấy giúp con có sức khỏe.
Nắm bắt nhu cầu của các bậc phụ huynh, mỗi dịp hè về, các trung tâm mở ra khá nhiều lớp năng khiếu. Nhà Thiếu nhi Huế hiện đang đào tạo rất nhiều môn năng khiếu phù hợp các em học sinh từ 5-15 tuổi, như: Vẽ, múa, đàn, hát, luyện chữ, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao, bóng bàn, bóng rổ, võ thuật, cờ vua…
Ở Trung tâm đào tạo âm nhạc Gia Bảo (đường Tố Hữu, TP. Huế), có 100 học sinh từ 4 đến 12 tuổi tham gia học thanh nhạc, piano, dance, múa hiện đại và trống jazz. Mỗi lớp, trung tâm chỉ dạy nhóm khoảng 3-4 em, những môn năng khiếu như đàn, hát thì một thầy kèm một trò. Anh Đoàn Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm đào tạo âm nhạc Gia Bảo cho hay: “Ở độ tuổi thiếu nhi, đa số phụ huynh thường cho con đi học để biết con mình có năng khiếu gì để bồi dưỡng, phát huy. Nhiều người cho con học chỉ để giải trí nhưng số khác muốn cho con đi theo con đường âm nhạc”.
Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi lại chú trọng mở các lớp kỹ năng sống cho trẻ trong dịp hè. Có nhiều sự lựa chọn cho học sinh từ tiểu học đến trung học, như: Hành trình trải nghiệm non thiêng Bạch Mã, trại hè thiên nhiên, hành trình trải nghiệm Hello Việt Nam, nông dân nhí, khóa huấn huyện “Kỹ năng sinh tồn” và “Học để yêu thương”. Ngoài du lịch, trải nghiệm, các em được trang bị các kỹ năng cần thiết, như: phòng chống xâm hại, võ tự vệ, tự vệ thoát hiểm, sơ cấp cứu. Với lớp “Học để yêu thương”, các em sẽ hiểu hơn những giá trị của cuộc sống, giá trị của tình yêu thương gia đình cũng như cách kết nối tình cảm với mọi người.
Đừng ép con
Không có cảnh chăm chú nhìn trên bảng hay nghiêm túc tập trung cao độ, các lớp thanh nhạc, hip hop, dance, võ thuật… sinh động và sôi nổi. Không đặt nặng thành tích, nhiều bậc phụ huynh cho con học các môn năng khiếu hè chủ yếu là để tạo môi trường vui chơi lành mạnh.
Tự lập là mong muốn của phụ huynh khi đăng ký cho con tham gia các lớp kỹ năng sống. Ở nhà, các em được ba mẹ lo cho mọi thứ nhưng với các khóa huấn luyện này, các em tự thức dậy đúng giờ, vệ sinh, ăn uống, giặt giũ... Ban đầu, nhiều em không quen nhưng chỉ sau 1-2 ngày, hầu hết đều nhanh chóng thích nghi và hào hứng tham gia. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý cho con trước khi tham gia, bởi nhiều em cứ ngỡ là đi chơi, đến khi trải nghiệm môi trường kỷ luật nghiêm khắc sẽ bị sốc và không hợp tác. Trung tâm tư vấn tất cả những tình huống có thể xảy ra để bố mẹ lựa chọn khóa kỹ năng phù hợp với con mình”.
Theo lời khuyên của anh Võ Tự Tuấn, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Huế, phụ huynh nên để các bé tham quan các lớp năng khiếu rồi tự lựa chọn theo sở thích. Trong quá trình học, giáo viên sẽ theo dõi, trao đổi với phụ huynh về khả năng của các bé để điều chỉnh. Các môn học năng khiếu dành cho thiếu nhi hầu hết đều nhẹ nhàng, được dạy theo phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”. Khi cho con học năng khiếu, cha mẹ không nên đặt nặng chuyện hiệu quả, ngay cả với những trẻ có năng khiếu thực sự. Nếu cha mẹ quá nôn nóng, kỳ vọng mà thúc ép con luyện tập nhiều sẽ gây quá tải, mệt mỏi dẫn đến áp lực, làm trẻ mất hứng thú.
MINH HIỀN