|
Bìa cuốn "Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc II" |
Từng là chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ Đại học sư phạm Huế từ 1977-1990, là một chuyên gia Pháp ngữ nổi tiếng, đã công bố hàng chục đầu sách tiếng Việt và tiếng Pháp; ba năm trước, cuốn “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” của thầy Trương Quang Đệ được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và mong thầy viết tiếp. Vậy nên, có cuốn sách cùng tên nhưng gọi là “cuốn II”; vẫn độc đáo vì không thể xếp tác phẩm vào thể loại nào, vẫn phong phú và giàu chất trí tuệ nhưng xem ra “gừng càng già càng cay” – vị “cay” trong cuốn sách này lại là sự tươi trẻ!
Nói vậy với một ông già 90 tuổi cũng là một “nghịch lý” như rất nhiều câu chuyện trong cuốn sách. Chỉ đọc bài ngắn chưa đầy 2 trang ở phần đầu cuốn sách, bạn đọc đã có thể thú vị mỉm cười vì cảm thấy mình như trẻ ra… vài chục tuổi! Bài dẫn câu chuyện trên một trang facebook, quanh bài toán đơn giản: “Tính diện tích của tam giác vuông có cạnh huyền bằng 10 và chiều cao bằng 6”. Học sinh cuối cấp tiểu học cũng trả lời ngay đáp số là 30 (thì công thức “chiều cao x đường huyền chia đôi” trò nào chẳng thuộc!). Vậy mà đây là câu hỏi cho một ứng viên thi vào Microsoft và anh ta, sau khi vượt qua những câu hỏi khó nhất, đã bị đánh trượt, khi cũng trả lời đáp số là 30! Nếu coi như đây là một trò vui đầu xuân, bạn thử hỏi một nhóm bạn cà phê hay vợ con trong nhà, tôi tin hầu hết – dù có học vấn trên đại học - cũng đáp “30” hoặc là mỉm cười bảo: “Đố chi trò trẻ con đó!” Sách của ông già 90 tươi trẻ không chỉ đã đưa chúng ta “sống lại” tuổi học trò cấp 1 mà là chất trí tuệ và lớn hơn nữa là “đổi mới tư duy”! Hai yếu tố này mới thực sự làm cho con người “trẻ mãi không già”!
Trở lại bài toán “trẻ con”, đáp số đúng phải là: “Không có một hình vuông nào như thế. Đề ra đã nêu thừa giả thiết “tam giác đó hình vuông”. Vì nếu là hình vuông mà cạnh huyền bằng 10 thì chiều cao không thể lớn hơn 5! Vậy nên tác giả đặt nhan đề bài là “Một chuyện vui về tư duy rập khuôn” và từ “câu đố” có vẻ “trẻ con”, ông liên hệ đến những vấn đề lớn của xã hội – trong đó có giáo dục là lĩnh vực tác giả thông thạo nhất. Tôi dẫn câu chuyện vui này hơi dài vì nó thể hiện tư tưởng bao trùm hầu hết bài viết trong cuốn sách. Bài ở trang đầu cuốn sách cũng từ một “câu đố” rất dễ về vật lý cho sinh viên: “Hãy dùng một phong vũ biểu để đo chiều cao của một cao ốc”. Trong khi các sinh viên khác đều áp dụng kiến thức đã học về áp suất không khí để trả lời thì Niels Bohr, người Đan Mạch, về sau là người đã đặt nền tảng cho lý thuyết cấu trúc nguyên tử – giải Nobel 1922, đã bị đánh trượt vì đưa lời giải bằng cách thô sơ: đo bằng dây! Nhưng khi được phúc khảo, Bohr đã nêu ra đến 6 cách đo… Bình luận về câu chuyện mà tác giả đặt nhan đề “Suy nghĩ về tư duy độc lập”, ông viết: “Tóm lại, nhân tài […] là những người được hưởng một nền giáo dục chấp nhận phản biện, chấp nhận suy nghĩ độc lập…”
Chỉ mới điểm qua vài bài trong 64 tiểu mục của cuốn sách chúng ta đã thấy bao nhiêu điều đáng suy ngẫm. Tuy vậy, cuốn sách còn một mảng lớn – có thể gọi là “Nhàn đàm” về văn học nghệ thuật, cũng không thiếu chất trí tuệ, nhưng đồng thời chứng tỏ tác giả cũng rất… lãng mạn. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc chùm bài về các ca khúc “ngày xưa” mà mình cũng yêu thích, đến mức tôi đã nhẩm hát khi đưa mắt theo từng dòng chữ. Lớp tuổi 70 trở lên mê thích những ca khúc “ngày xưa” kể trên có lẽ không hiếm, nhưng tác giả khôn. Vì lãng mạn mà quên “tư duy” của một nhà khoa học, nên bài viết của ông in kèm lời các ca khúc, tên tác giả và cho chúng ta biết nhiều điều gắn với thời cuộc.
Chùm “Nhàn đàm’ về văn học nghệ thuật trong cuốn sách còn rất nhiều bài viết về các tác phẩm nổi tiếng thế giới, cả truyện của Nguyễn Huy Thiệp nữa, cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức và cách nhìn đa chiều về văn nghệ… Tôi ví cuốn như một vườn hoa xuân đầy hương sắc là vì thế. Tiếc là trang báo có hạn, không thể “chưng” thêm. Chỉ nói thêm một nét đặc sắc nữa là “vườn hoa” này còn có “quả chín”. Đó là chùm bài viết như “Kỹ năng giúp bạn thành công trong công việc và có cuộc sống thư thái”, “Thế nào là hạnh phúc”, “Tôi biết gì?”… có thể xem là “kho báu” tinh thần, là kinh nghiệm sống mà ông thể nghiệm, lưu giữ suốt cuộc đời 90 năm của mình, nay muốn giao truyền lại cho con cháu và thế hệ hậu sinh.