ClockThứ Hai, 03/10/2022 15:05

Tản mạn chuyện quán xá

Cuộc sống không thể thiếu những quán xá. Nhiều quán bán hàng đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng khách với sự phục vụ tận tình, chu đáo. Hằng ngày, tôi và bạn bè cũng đã gặp rất nhiều quán ăn, quán bán hàng dù sang trọng hay dân dã nhưng chất lượng đến cung cách phục vụ luôn ân cần, niềm nở, giá cả phải chăng, hợp lý, lấy chữ “tín” làm đầu, nên chúng tôi rất hài lòng.

Tuy nhiên, đây đó chuyện cân thiếu, không đủ cũng đã xảy ra, chất lượng đến thái độ phục vụ khách hàng vẫn còn điều đáng nói. Hôm đến nhà người bạn chơi, nói đến chuyện mua bán, chị than phiền mới mua hàng trên mạng nhưng không đảm bảo chất lượng và số lượng như lời quảng cáo, giới thiệu. Anh chồng cũng góp thêm chuyện, có lần anh cùng bạn đi tham quan một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, trên đường về đã ghé chợ mua mười ký trái cây để làm quà, tối về nhà cân lại thì chỉ còn hơn... tám ký. Một người bạn khác của tôi lại kể, anh đến một quán để ăn sáng, mặc dù đang thưa khách, gọi đến lần thứ ba mà chủ quán chỉ liếc nhìn với vẻ mặt “vô cảm” mà chẳng nói một lời nào, nhưng mắt thì không rời vào màn hình ti vi để xem bóng đá. Đợi một lúc lâu mà vẫn không được phục vụ nên anh bực mình bỏ đi. Anh nói, bán quán kiểu gì mà “chảnh” đến thế!

Cách đây gần ba mươi lăm năm ngày tôi vào miền Tây công tác với bao bỡ ngỡ nơi đất lạ xứ người. Độc thân nên phải tự lo mọi việc từ đi chợ đến bếp núc, nấu nướng. Mỗi lần đi chợ để mua đồ là tôi rất “ngán” vì chật chội và sình lầy. Hàng cá rất phong phú, đa dạng, ngoài các loại cá còn có cua, tôm, rắn, rùa, ba ba, lươn, ếch, nhái... nên rất đông người. Khi ra khỏi chợ áo quần cũng bẩn hết. Ngại nhất là việc trả giá để làm sao khỏi bị “hớ”. Sau nhiều lần đi chợ, một số người đã quen mặt, lại biết tôi là thầy giáo nên hay được “ưu tiên” hơn những khách hàng khác như được mua trước, giá cả cũng phải chăng, thậm chí có lúc lại được rẻ hơn là khác.

Một hôm tôi ghé chợ mua vải để may quần áo, anh chủ quán nhiệt tình đón tiếp. Trong khi đang loay hoay chọn lựa thì anh đưa ly cà phê mời tôi. Xong việc, trả tiền nhưng anh nói để lúc nào tôi đi chợ ghé trả cũng được. Tôi cũng hơi bị bất ngờ vì không quen biết anh ta. Hỏi lý do, thì anh ta nói nhỏ nhẹ: “Giờ đang cuối tháng, lúc nào có lương thầy trả cho em cũng được!”. Hiểu ra, lại biết tôi là thầy giáo nên anh đã ứng xử như thế!

Lần khác, tôi vào chợ để mua chục quả quýt, chị bán hàng cẩn thận cho những quả quýt vào túi. Về nhà sắp vào đĩa thì thấy thừa bốn quả. Nghe vậy, bạn đồng nghiệp liền giải thích, có loại một chục là mười, nhưng có loại chục là mười hai hoặc mười bốn. Chục quýt ở nơi này là mười bốn quả.

 Ở trung tâm thị trấn quán giải khát cũng khá nhiều. Lúc rảnh rỗi, thầy cô chúng tôi hay ghé quán nước và được đón nhận những lời hỏi thăm cùng cái bắt tay thân thiện từ chủ quán. Chúng tôi đến quán dăm bảy người, mỗi người một sở thích nên gọi nước uống cũng khác nhau. Cái “khéo”là khi đem nước ra, lần nào cũng vậy, chủ quán bỏ từng ly nước đúng vị trí từng người gọi mà không hề nhầm lẫn. Khi trả tiền, quán cũng không tính tiền lẻ của khách mà chỉ lấy số tròn. Có tối nhớ nhà, nhớ quê, tôi đến quán ngồi lặng lẽ một mình. Đoán tôi đang có “nỗi niềm”, “tâm tư” gì đó nên sau khi đưa ly cà phê, chủ quán ngồi lại hỏi thăm, chia sẻ đôi điều làm tôi cũng thấy ấm lòng...

Bán buôn, kinh doanh là cả một “nghệ thuật”, khách hàng là “thượng đế”, “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” nghe thì quá đỗi quen thuộc nhưng không phải ai cũng làm được.

LINH THIỆN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM:
Tận tình chăm lo người yếu thế

Có những hoàn cảnh không nơi nương tựa, bị bỏ rơi hay những người ở tuổi xế chiều, không người thân chăm sóc đã đến với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (gọi tắt Trung tâm). Do hoàn cảnh hay tự nguyện, họ đến đây để tìm "hơi ấm" sẻ chia, chăm sóc. Có những người đã gắn bó, trưởng thành, sống vui khỏe khi được nương tựa ở mái ấm tình thương này.

Tận tình chăm lo người yếu thế
Chuyện trên chuyến xe “đò”

Chiếc xe lăn bánh, tôi vẫn không thôi suy nghĩ về anh, về những hành động ấm áp, thân thiện mà anh đã dành cho tôi. Người tôi muốn nói đến có tên là Cu Ba, tài xế xe khách M.M.

Chuyện trên chuyến xe “đò”
Tận tình như người anh, thân thiết như người bạn

Với những chiến sĩ mới nhập ngũ, khẩu hiệu “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em” càng thêm ý nghĩa với sự giúp đỡ, bảo ban tận tình từ những điều nhỏ nhất của cán bộ đơn vị.

Tận tình như người anh, thân thiết như người bạn
Tản mạn về phố hàng

Danh xưng Hà Nội 36 phố phường được hình thành từ thời Thăng Long là kinh thành – Thủ đô của Việt Nam. Từ khi Huế là thủ phủ của Đàng Trong cho đến khi là Kinh đô của nước Việt thống nhất chỉ có một phường là Phường Đúc, và vài phố đếm được trên đầu ngón tay là phố Chợ Dinh, phố Gia Hội, phố Hàng Đường, phố Hàng Bè, phố Hàng Me. Bây giờ không còn tên phố, hàng nữa nhưng nó vẫn hiện hữu trên những di tích và những ngôi nhà cổ. Ở một khía cạnh khác nó đã đi vào tâm hồn, tình cảm những người “muôn năm cũ”.

Tản mạn về phố hàng
Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi

Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: “Tùy ba mẹ!”, trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Return to top