Vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện
Những lo ngại
Nhờ được tuyên truyền, giải thích rõ về ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện, chị Nguyễn Thị Ý ở xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền đã tham gia hơn một năm nay. Do còn khó khăn nên mỗi ngày đi làm chị đều dành ra một khoản để tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn sau này có lương hưu, không phải nhờ đến con cháu. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2022, thực hiện theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất đã trừ số tiền Nhà nước hỗ trợ là 297.000 đồng/tháng, tăng 158.400 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 (138.600 đồng/tháng). Sự thay đổi này khiến chị cảm thấy lo lắng. “Lâu nay, tôi chọn mức đóng thấp cho dễ dành dụm, chừ mức đóng cao như hiện nay khiến tôi băn khoăn, bởi không biết có đủ khả năng để tham gia tiếp hay không”, chị Ý bộc bạch.
Cùng tâm lý như vậy, anh Chiến, phường Trường An, thành phố Huế cũng băn khoăn khi tăng mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2022. “Với người lao động tự do như chúng tôi, trong điều kiện bình thường thì thu nhập đã không ổn định, lúc có, lúc không, nay dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn, tôi phải rất cố gắng mới dành dụm đủ khoản tiền đóng BHXH tự nguyện thấp nhất. Giờ mức đóng lại tăng thêm, tôi đang lo lắng không biết lấy tiền đâu để đóng và có tham gia được đến lúc lĩnh lương hưu hay không nữa”, anh Chiến chia sẻ.
Nhiều người dân làm nghề lao động tự do như buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề nông, làm thuê… đang từng ngày chắt chiu thu nhập để tham gia BHXH tự nguyện nhằm tích lũy cho tương lai cũng bày tỏ sự lo lắng, không biết có theo được hay không khi tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu. Như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Hinh, 39 tuổi ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cả hai vợ chồng anh chị đều là lao động tự do, ai thuê việc gì thì làm việc đó, thu nhập không ổn định. Nhờ được tuyên truyền lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện nên vợ chồng anh đã quyết định tham gia từ hơn 3 năm nay.
Tuy vậy, anh Hinh tâm sự: “Tôi rất mong tham gia bảo hiểm đến cùng để đến khi tuổi già có đồng lương hưu, tự lo cho cuộc sống của mình không phải nhờ đến con cháu. Thời gian gần đây dịch bùng phát, công việc của vợ chồng tôi không đều, nếu tăng số tiền đóng thì không biết chúng tôi có thể tiếp tục tham gia được nữa hay không, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Tăng quyền lợi được hưởng
Theo BHXH tỉnh, cùng với việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 1/1/2022, mức tiền Nhà nước hỗ trợ cũng tăng lên tương ứng với tỷ lệ theo quy định. Cụ thể, người tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng: bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo tương đương 99.000 đồng, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo tương đương 82.500 đồng và 10% đối với các đối tượng khác tương đương 33.000 đồng. Không những vậy, các chế độ BHXH một lần và lương hưu hàng tháng cũng tăng cao khi tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng cao hơn trước.
Hiện nay, người dân băn khoăn về việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu. Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Do quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng phải tăng theo. Song song đó, thì mức tiền hỗ trợ của Nhà nước theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn cũng tăng. Đóng mức cao hơn thì các chế độ được hưởng cũng cao hơn. Việc nhận lương hưu mấy trăm ngàn một tháng so với hơn một triệu khác nhau rất nhiều. Vì thế tính ra người dân vẫn được lợi hơn so với trước.
Việc tăng mức đóng là cần thiết để bảo đảm cho người lao động khi về già có mức lương hưu cao hơn, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Tuy vậy, để người lao động yên tâm, cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, rõ ràng về quy định mới này; mặt khác kiến nghị các địa phương nắm bắt tình hình, có biện pháp hỗ trợ thêm với những đối tượng thực sự khó khăn trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tạo ra bước chuyển đổi mạnh mẽ về chính sách BHXH trên thực tiễn, hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm không có người dân nào rơi dưới sàn an sinh xã hội. Trong đó, tập trung vào những cải cách để tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng để được hưởng lương hưu. Cụ thể là bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn và giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm.
Bài, ảnh: HUẾ THU