ClockThứ Bảy, 08/02/2020 13:30

Tết đầu tiên trên bờ của xóm Chồ bên phá Tam Giang

TTH - Cảm nhận niềm vui khi đón cái tết đầu tiên trên bờ, người dân xóm Chồ thuộc xã Điền Hải (Phong Điền) càng thấm thía cảnh sinh sống tạm bợ ven sông từ bao đời nay.

Du lịch phá Tam Giang, điểm nhấn Thuận AnNhững cây cầu vượt đầm, băng pháSớm mai trên phá Tam Giang

Đường ra khu tái định cư thôn 8

Qua rồi kiếp sống “vật vờ”

Hơn 70 năm sinh sống cảnh nhà chồ ven phá Tam Giang, chưa bao giờ ông Phan Nhạc thôi khát vọng được lên bờ định cư, ổn định cuộc sống. Cuộc sống mà người dân xóm Chồ quen gọi là “xóm vật vờ” chưa bao giờ đón một cái tết an vui, ấm áp.

“Mỗi lần tết đến xuân về, cũng như bao hộ dân định cư trên bờ, cư dân xóm Chồ cũng bày biện đủ mọi thứ từ bánh trái, hoa quả, “mâm cao cỗ đầy” cúng tổ tiên, ông bà nhưng vẫn cứ chạnh lòng. Tui cảm nhận rất rõ sự thiếu thốn, khát khao những “điều gì đó rất đỗi lớn lao” khiến những ngày tết nơi xóm Chồ ven phá không thể nào vui trọn vẹn”, ông Nhạc bùi ngùi.

Dẫu xóm nhà chồ chỉ cách trung tâm xã không bao xa nhưng mỗi lần đi chúc tết, thăm bà con cũng khá vất vả do đường sá lầy lội, trơn trượt mỗi khi gặp mưa lớn. Trẻ em xóm Chồ không thể đi chơi xa, không có cơ hội giao lưu với những đứa trẻ trên bờ, đành lầm lũi, co ro trong ngôi nhà bốn bức tường chỉ là những tấm tranh vách tạm bợ.

Từ ngày được chính quyền địa phương cấp đất, xây dựng ngôi nhà kiên cố hoàn thành, ông Nhạc lúc nào cũng mong tết đến sớm để cảm nhận niềm vui khi lần đầu tiên đón tết trên bờ. Giờ đây, khát vọng đã trở thành hiện thực, ông Nhạc bảo rằng: “Cảm giác thật sự khó tả, khó có thể nói nên lời”.

Tuy vậy trong ánh mắt, nụ cười đằm thắm của ông Nhạc, chúng tôi vẫn cảm nhận trong ông một niềm vui sướng vô bờ của một cư dân nhà chồ chất phác, mộc mạc, sống cảnh “vật vờ”, giờ trở thành người “an cư”. Đây cũng là năm đầu tiên đón tết trong ngôi nhà mới khang trang, ông Nhạc không quên “tậu” cho gia đình một chậu mai vàng có giá trị. Đây là điều mà 70 năm qua sống cảnh nhà chồ ven đầm phá Tam Giang, ông Nhạc chưa từng nghĩ đến.

Những người cao niên như ông Nhạc, niềm vui lớn nhất là kể từ tết năm nay, tổ tiên, ông bà được thờ tự một cách trang nghiêm, đàng hoàng, không bị mưa dột, gió lùa như những ngày tết còn cảnh nhà chồ. Con cháu cũng được vui chơi, nô đùa như bao đứa trẻ khác sinh sống trên bờ, được tham gia các trò chơi dân gian, lễ hội trong những ngày tết cổ truyền.

Ông Trần Bình - hàng xóm của ông Nhạc bảo rằng, với ông cũng như các hộ nhà chồ đều ngán ngẩm mỗi khi gió mùa đông, các loại rác thải tấp vào bờ. Tết năm nào các hộ dân cũng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, rác thải trên sông và khu vực dân cư nhưng vẫn không tránh khỏi mùi hôi.

“Lần đầu tiên đón tết trên bờ, có cảm giác như sự bù đắp cho những thiếu thốn trăm bề của nhiều tết trước, kể cả trong cuộc sống thường nhật. Tết năm nay có điện, nước đầy đủ, môi trường trên đất liền trong lành-điều mà nhiều tết trước còn thiếu. Đường sá được bê tông hóa rộng rải, khang trang, thuận lợi cho người dân đi lại. Nhà cộng đồng được xây dựng để người dân có điều kiện hội họp, mở mang tri thức, công việc làm ăn”, ông Bình phấn chấn.

Chủ tịch UBND xã Điền Hải, ông Cao Huy Mẫn bảo rằng, có được cuộc sống như bây giờ, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện cấp đất của chính quyền địa phương, không thể phủ nhận những cố gắng làm ăn của người dân trong nhiều năm qua. Cuộc sống tuy vất vả nhưng bà con biết cách tiết kiệm, dành dụm vốn liếng để cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng ngôi nhà kiên cố, khang trang. Được định cư trên bờ, có nhà kiên cố, bà con không còn nơm nớp âu lo vào mùa bão, lũ như nhiều năm trước.

Diện mạo khu tái định cư xóm Chồ

Ổn định sinh kế

Từ nhỏ, anh Trần Tả đã theo cha rong ruổi khắp nơi trên đầm phá Tam Giang đánh bắt cá, tôm để mưu sinh. Từ đó anh “bén duyên” với nghề theo “đuôi con cá”. Nghề đánh bắt thủy sản trên đầm phá Tam Giang không chỉ mưu sinh mà còn giúp gia đình anh dành dụm, tích lũy để giờ đây có điều kiện xây nhà kiên cố.

“Sinh nghề tử nghiệp”, mong ước của anh Tả cũng như các hộ dân sau khi tái định cư (TĐC) đều mong muốn được tiếp tục theo nghề sông nước. Nguyện vọng của người dân được đáp ứng khi chính quyền địa phương bố trí khu TĐC chỉ cách âu thuyền chừng 170 mét để thuận lợi cho việc làm ăn. Trong khi chờ chính sách hỗ trợ sinh kế sau TĐC, người dân vẫn tiếp tục các nghề sông nước, đánh bắt cá, tôm để sinh sống. Khu TĐC còn nằm ven Quốc lộ 49B, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh dịch vụ, hàng quán, đa dạng hóa các mô hình sinh kế.

Trưởng thôn 8, xã Điền Hải, ông Phan Văn Chính bên cạnh niềm vui cùng với người dân cũng nan giải khi các hộ nhà chồ tuy bước đầu “an cư” nhưng đa phần đều hộ nghèo và cận nghèo. Vì vậy, chủ trương cấp đất cho người dân hoàn toàn không thu phí mà thực hiện theo diện TĐC vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Ngoài cấp đất, sau khi xem xét hoàn cảnh, mỗi hộ còn được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà ở. Hầu hết đời sống của các hộ chủ yếu dựa vào sông nước. Trong số 33 hộ nhà chồ có khoảng 15 hộ nuôi cá lồng trên đầm phá, còn lại làm nghề lừ, lưới, mùng, đánh bắt cá, tôm, cua…

Trong định hướng, tìm cách phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân, ông Cao Huy Mẫn, Chủ tịch UBND xã Điền Hải khẳng định, trước mắt không có con đường nào khác ngoài phát huy các nghề truyền thống, kết hợp một số nghề mới. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ nâng cấp, đa dạng ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản. Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản kết hợp kinh doanh dịch vụ hàng quán, chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định là một trong những hướng đi phù hợp với người dân.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, các hộ TĐC ở Điền Hải cần mạnh dạn hướng đến chuyện làm du lịch sinh thái đầm phá. Phía huyện sẽ bàn giải pháp, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho địa phương xây dựng khu du lịch, trước mắt hỗ trợ bảo tồn, nâng cấp 5-10 nhà chồ để phục vụ du lịch đầm phá. Du khách đến đây sẽ được người dân hướng dẫn trải nghiệm các hoạt động đánh bắt thủy sản, đời sống cư dân vùng sông nước đầm phá Tam Giang. Sản phẩm sau khi đánh bắt, du khách có thể tự chế biến, thưởng thức các món ăn dân dã trong quá trình tham quan vùng đầm phá. Du khách có thể lưu trú, nghỉ ngơi trên các nhà chồ với giá bình dân...

Theo UBND xã Điền Hải, khu quy hoạch TĐC gồm 42 lô, tập trung ở thôn 8 và thôn 7. Trước mắt bố trí 33 lô cho 33 hộ nhà chồ làm nhà; trong đó 31 hộ dân được bố trí tại thôn 8, hai hộ ở thôn 7. Chín lô còn lại sẽ được cấp cho các hộ dân khi tách hộ và có nhu cầu về đất ở.

Khu TĐC được xây dựng trên diện tích 1,5ha, kinh phí đầu tư hơn 3,9 tỷ đồng. Hệ thống giao thông bao gồm 4 tuyến với chiều dài gần 700m được xây dựng hoàn chỉnh, nối với Quốc lộ 49B. Đường điện hạ thế 0,4KV dài 465m nối từ Trạm biến áp Điền Hải 4 vào khu TĐC. Nguồn nước được đấu nối từ hệ thống nước sạch trên địa bàn xã vào khu TĐC với chiều dài trên 350m.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang
Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

Ngày 27/5, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024 cho biết, lần đầu tiên địa phương tổ chức biểu diễn bộ môn dù lượn trên phá Tam Giang và trên các bãi biển địa phương để phục vụ người dân và du khách.

Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang
Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết

TIN MỚI

Return to top