ClockChủ Nhật, 30/01/2022 06:19

Tết về trên những cánh hoa

Hoa Tết tụ hội, chờ người muaTrang trí không gian tết cho công viên

Ở Huế, đâu đó bên đường bắt gặp những cây hoa đào nép mình bên một gốc cổ thụ. Đó là những gốc đào mà chủ nhân đưa ra bỏ bên đường sau những ngày vui tết năm cũ. May mắn thay cho những cây đào là được một người yêu hoa nào đó đã nâng niu trồng xuống bên một gốc cây bên đường, rồi bén rễ, vươn xanh để đến tết năm sau nở những nụ hoa e ấp, nhỏ nhắn nhưng cũng đầy sức xuân...

Trên con đường tôi vẫn qua lại hàng ngày, có một cây hoa đào như thế mà lại là giống đào phai, hoa màu hồng phơn phớt. Tôi cũng không nhớ nó đã hiện diện ở đây từ tết năm nào nên cứ gọi tạm đó là “cây đào năm ngoái” theo tứ của một bài thơ Đường trứ danh: “Trước sau nào thấy bóng người - Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông...”.

Cứ mùa gió bấc về là cây đào lại nở hoa, những nụ hồng phai e ấp chừng cũng đủ báo rằng xuân đang về. Sau bóng hoa là những người lao động bình dân, là anh thợ sửa xe máy, là dì bán thịt heo, là chú thợ hàng mã, là chị uốn tóc... Họ đang tất bật với công việc của mình những ngày cuối năm để có thêm đồng vô đồng ra lo cho tết. Không biết họ có rảnh rang để dừng lại ngắm những nụ đào rung rinh trong gió lạnh cuối năm hay không nữa...

Bạn từ phương xa nhắn: “Cuối năm rồi, nhớ tết Huế quá chừng luôn, viết giùm cho mình mấy dòng đi bạn ơi!”. Nhớ Huế là nhớ những con phố ân cần, nhớ mảnh làng ấm cúng đang chờ tết về. Chiều tháng Chạp, ngồi bên vỉa hè nhìn cây đào phai đã nở vài nụ hoa, nhìn cảnh tất bật của những người lao động nghèo, nhìn qua bên đường thấy mâm cúng nhà ai khói hương cuộn vòng theo làn gió lạnh và đọc tin nhắn của bạn mà thấy lòng mình như đang tết...

Huế đang tạnh ráo. Cái lạnh cũng bớt sắt se và đã nghe mùi của tết thoang thoảng từ giã mứt gừng của nhà ai và cùng với những nụ đào phai bên đường, trong khu vườn nhà ai sắc tinh khôi của những cành mai trắng cũng đang điểm xuyết chờ xuân đón đợi những nụ mai vàng rất Huế sẽ khai hoa nở nhụy trong một đêm xuân sang. Đã nghe ai đó nhắc đến cụm từ quen thân “năm hết tết đến” như một nỗi vui đợi chờ và cũng như một niềm lo toan thường nhật. Cuối năm cũng là khoảng thời gian và không gian lưng chừng để ngoái lại, để chiêm nghiệm, để trút bỏ và cả để luyến lưu...

Tháng Chạp - mái ấm thời gian được trân quý nhất trong năm. Bếp nhà ai đang ấm lửa hồng thơm mùi mứt bánh đang chín tới, mâm cơm nhà có đọt bí, rau lang luộc chấm nước ruốc, có cá rào kho ớt thơm cay... đang đợi những đứa con xa và không thể thiếu những bài ca xuân bất chấp không gian, thời gian cứ ngân lên ở một quán cà phê bên đường đủ để nhắc nhớ rằng lòng người luôn ngóng tết...

Tháng Chạp chạy xe từ phố về làng thắp nén nhang thơm lên phần mộ song thân mà nỗi nhớ của tôi cứ chông chênh cùng bao mùa tết cũ. Vừa về đến cánh đồng đầu làng, tôi dừng xe và rút cái điện thoại chụp cánh đồng rau đang dâng hiến sắc màu đón xuân. Một bác nông dân đang chăm sóc cho luống rau nói: “Chụp ảnh phải trả tiền nghe”. Biết là bác ấy nói đùa nên tôi cũng đùa luôn: “Rau là của bác nhưng đất là của làng. Tui là người làng nên cánh đồng ni cũng có phần của tui nghe”. Bác nông dân nghe rứa đứng lên nhìn kỹ và cười vui khi nhận ra người quen: “Ui chao người làng mình tề. Chú về quê ăn tết sớm rứa à!”...

Cánh đồng làng là nỗi nhớ vơi đầy của tôi trong đó. Những buổi sớm mai xuân, theo ba mạ về thăm tết nhà ngoại, tôi đã bước chân vui qua cánh đồng làng rực vàng hoa cải. Bây chừ, ba mạ tôi đã đón tết phía chân trời xa lắm. Làng cũng đã đổi thay nhiều, nhưng cánh đồng làng vẫn ngập tràn hương sắc như những mùa tết xưa. Xuân hạ thu đông rồi lại xuân... hoa cỏ qua nắng qua mưa cũng thay màu áo mới theo mùa...

Bác nông dân dừng cuốc lại, chỉ tay vồng cải đang rực tươi hoa vàng nói với tôi rằng: “Hoa cải không những đẹp mà còn cho hương thơm lắm, nhất là buổi sáng sớm và chiều tà, hương hoa bay từ cánh đồng vô tận nhà mình”. Vậy là tôi đã gặp được một nghệ sĩ của làng và chợt nhớ câu thơ của Huy Cận: “Hoa bưởi hương khuya tắm ánh trăng - Thơm hăng hoa cải rực chiều vàng”.

Lục lại trong ngăn kéo ký ức, những sắc hoa mùa xuân ấu thơ của tôi chỉ là những loài hoa mai, cúc, vạn thọ hay thược dược mà thôi; còn những loài hoa dân dã trổ từ những loài rau xanh đồng làng là cải, ngò hay tần ô hầu như không có. Bây chừ, qua tháng năm cuộc đời, khi tóc đã điểm sương, về lại cánh đồng làng, đứng trong ngọn gió bấc báo xuân tôi mới chợt nhận ra là những cánh đồng hoa cải, hoa ngò bình dị lắm nhưng đẹp cứ như là tranh, mơ mơ thực thực, phải đi qua thời gian và những nhọc nhằn mới cảm nhận được vẻ đẹp bình dị mà không phôi phai kia...

Mà lâu rồi tôi chưa được thấy lại những luống tần ô - cải cúc nở hoa. Một loài rau có đến hai tên. Cái tên tần ô nghe lạ lạ, nhưng cải cúc thì nghe hiền hơn, thân như cây cải, hoa như hoa cúc mà ghép thành tên. Những bông hoa cải cúc cánh trắng nhụy vàng rung rinh trong gió xuân cũng thơm mùi hăng hăng như hoa cải, cũng lâu tàn như hoa cúc được ba mạ trồng thật nhiều trong vườn nhà...

Sau những ngày mưa lũ, những mầm xanh mọc lên từ giá rét, từ trong hơi ấm của rạ rơm và hơi ấm của bàn tay con người. Mùa xuân về khi mô ngò cải cánh đồng quê cũng đơm đầy bông. Và những bông tần ô tròn xoe trong gió. Hoa xuân trải dài miên man trên cánh đồng quê mẹ. Tôi gọi đó là những loài hoa vô ưu mang niềm vui xứ sở chỉ biết cho đi chẳng nhận lại bao giờ. Còn tôi, chiều cuối năm, đứng bên cánh đồng lại cứ mơ tôi bé lại, bé như một bông hoa giữa cánh đồng quê mê mải chạy nhảy, cười đùa trong gió xuân sang...

Bài: Phi Tân

Ảnh: Thanh Trà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết

Sáng 11/2 (mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), trên các tuyến phố chính như Lê Lợi, Hà Nội, Lê Duẩn, Hùng Vương...và hai đầu cầu Phú Xuân, Dã Viên (TP. Huế), tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết giao thông để kéo giản lượng người, phương tiện qua lại an toàn.

Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết
Đi lễ nhà thờ họ

Trong mưa xuân lất phất bay ngày đầu tiên của năm mới, dân làng lại tề tựu về nhà thờ họ với mâm cúng đủ đầy, mang theo bao ước vọng.

Đi lễ nhà thờ họ
Những người thức cùng mùa xuân

Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, người người, nhà nhà tạm xếp lại những bộn bề cuộc sống để ở bên cạnh người thân, đón chào năm mới. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những con người lao động vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc của mình.

Những người thức cùng mùa xuân
Return to top