ClockThứ Sáu, 27/10/2023 07:47

Thắp sáng ước mơ cho người mù, người khiếm thị

TTH - 30 năm qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hội Người mù (HNM) tỉnh đã chung tay, góp sức để hàng nghìn hội viên xóa bỏ những tự ti, mặc cảm, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

“Mái ấm” của người mù Quảng ĐiềnNiềm tin đã sángGiảm nghèo bền vững cho người mù, người khiếm thị

 Hướng dẫn chữ nổi Braille tại Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp Trẻ em mù tỉnh

“Mái nhà chung”

Tháng 9 vừa qua, tại Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 16, Công ty TNHH MTV Niềm Tin 17.4 (trực thuộc HNM tỉnh) đã vinh dự được trao giấy chứng nhận “Mô hình cơ sở massage kiểu mẫu”.

Không chỉ đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, “Mô hình cơ sở massage kiểu mẫu” là minh chứng rõ nhất cho sự chuyên nghiệp và tay nghề của đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên tại công ty. Trải qua hơn 15 năm hoạt động, nhân viên massage tại công ty đã có nguồn thu nhập ổn định, một số nhân viên đạt thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Chị Trần Thị Thanh, nhân viên massage tại Công ty TNHH MTV Niềm Tin 17.4 chia sẻ: “Không may mắc bệnh, cuộc sống của tôi hoàn toàn đảo lộn khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Nhờ sự dìu dắt, chăm lo của HNM, tôi đã được học chữ nổi Braille và có công việc với thu nhập ổn định cùng nghề massage. Với tôi, Hội là ngôi nhà thứ hai, vực dậy tinh thần, tiếp thêm sự tự tin, giúp tôi vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất”.

Không chỉ Công ty TNHH MTV Niềm Tin 17.4, với sự vận hành có hiệu quả của các hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất, cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập đã rộng mở đối với nhiều người mù, người khiếm thị.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang quản lý 1 công ty, 5 HTX và 3 cơ sở sản xuất. Trong đó có 4 cơ sở được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng trên 30% lao động là người khuyết tật. Với đa dạng các nghề như massage chăm sóc phục hồi sức khỏe, sản xuất mành tre, sản xuất tăm tre, chổi đót, làm nhang..., các công ty, cơ sở, HTX đã tạo việc làm cho hơn 140 lao động là người mù, người khuyết tật khác”.

Song song với hoạt động tạo việc làm, công tác dạy nghề luôn được HNM tỉnh chú trọng. Với đa dạng hình thức dạy nghề từ tập trung đến lưu động, Trung tâm dạy nghề của Hội đã mang kiến thức và kỹ năng thực hành nghề massage xoa bóp, đan lát, làm hương trầm, kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm truyền thụ cho gần 1.700 học viên thông qua 119 lớp dạy.

Trao “cần câu”

30 năm nay, gần 33 tỷ đồng đã được HNM tỉnh triển khai cho gần 7.000 lượt hội viên vay vốn. Được đầu tư có hiệu quả vào trang thiết bị sản xuất chổi, tăm, nhang và các loại cây giống, vật nuôi, từ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên đã phát triển các kỹ năng nghề được học để vươn lên thoát nghèo.

Theo thống kê từ HNM tỉnh, có trên 70% học viên học các nghề tiểu thủ công và kỹ thuật chăn nuôi đều có việc làm tại các cơ sở sản xuất và hộ gia đình. Cùng với công tác dạy nghề, 18 khóa tập huấn nâng cao kỹ năng xoa bóp phục hồi sức khỏe cũng đã được tổ chức. Với hơn 400 học viên được đào tạo từ các khóa tập huấn này, trên 80% học viên đều đã có việc làm và thu nhập khá.

Đại diện HNM tỉnh thông tin thêm: “Đặc biệt, chúng tôi còn tổ chức nhiều lớp dạy kỹ thuật vi tính và sử dụng điện thoại thông minh. Đây là các lớp học cần thiết và được cập nhật để các hội viên mù, khiếm thị tiếp cận thông tin phù hợp với xu thế, từ đó tự tin hòa nhập xã hội”.

Không chỉ công tác dạy nghề, chăm lo đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được HNM tỉnh chú trọng. 30 năm qua, cùng với sự đồng hành của các cấp, ban ngành, HNM đã xây mới 282 ngôi nhà, hỗ trợ sửa chữa gần 900 căn nhà, làm giếng khoan cho hội viên với tổng kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Hội đã tặng gần 300 nghìn lượt quà với tổng trị giá trên 65 tỷ đồng, tổ chức gần 200 đợt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt hội viên. Để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho hội viên, 10 câu lạc bộ không sinh con thứ ba trở lên đã được thành lập. Cùng với đó là gần 50 lượt tập huấn truyền thông dân số, sức khỏe sinh sản cho hơn 3.600 hội viên.

Trong thời gian tới, với mục tiêu đồng hành để hội viên xóa bỏ mặc cảm, tự ti, từ đó nỗ lực vươn lên, HNM tỉnh sẽ tiếp tục các hoạt động cho vay vốn, dạy nghề và tạo việc làm. Ông Lê Văn Lộc cho biết: “Chúng tôi sẽ mở rộng các cơ sở sản xuất, dịch vụ, đa dạng thêm các mặt hàng mới để tăng cơ hội việc làm cho người lao động. Phấn đấu mỗi cơ sở sản xuất tăng thêm 10% doanh thu mỗi năm, từ đó nâng cao mức lương cho người lao động là người mù, người khiếm thị và người khuyết tật. Mục tiêu của Hội là mỗi năm, tỷ lệ hội viên hộ nghèo sẽ giảm từ 1,5% trở lên”.

Bài, ảnh: Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Niềm tin của anh Mão

Luôn kiên trì và ham học hỏi, anh Trần Văn Mão (Phú An, Phú Vang) đã gặt hái nhiều thành công với nghề tẩm quất, trở thành tấm gương mẫu mực để nhiều hội viên khiếm thị noi theo.

Niềm tin của anh Mão
Hơn 6,8 tỷ đồng hỗ trợ người khiếm thị

Đây là thông tin Hội Người mù (HNM) tỉnh cho biết tại trong hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, đồng thời triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 sáng 16/7.

Hơn 6,8 tỷ đồng hỗ trợ người khiếm thị
Return to top