|
|
Hội viên Hội Người mù huyện Phú Lộc làm tăm tre |
Đồng hành
Tại xã Lộc Hòa (Phú Lộc), hỏi đến vợ chồng ông Bạch Công Lực, người dân nào cũng biết. Bởi lẽ dù hoàn cảnh éo le, ông Lực vẫn luôn nỗ lực mỗi ngày để tìm được niềm vui trong cuộc sống cũng như phát triển kinh tế. Nghị lực vươn lên của ông Lực khiến nhiều người vô cùng khâm phục.
Ông Lực kể: “Tôi bị mù, hai vợ chồng cũng không có con cái gì. Bởi thế cuộc sống vừa vất vả lo toan chi phí sinh hoạt, vừa thiếu vắng niềm vui con trẻ. Nhưng nhờ sự kết nối và đồng hành của các cấp Hội Người mù (HNM), tôi đã được hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố, hơn nữa còn được vốn vay để phát triển sinh kế dễ dàng hơn”.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của HNM, ông Lực mua sắm tre và trang thiết bị làm hương, làm đồ mã. Đời sống vật chất được cải thiện, nụ cười cũng dần trở lại trên mặt của ông.
Trong khi đó, tại huyện Quảng Điền, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cũng như cho vay vốn giúp hội viên phát triển kinh tế cũng rất được chú trọng. Ông Đỗ Tiến Hùng, Chủ tịch HNM huyện Quảng Điền cho biết: “Huyện hội trong thời gian qua luôn nỗ lực để sát cánh cùng hội viên mù, khiếm thị trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm. Từ năm 2008 – 2023, 14 lớp dạy nghề đã được mở, dạy tiểu thủ công, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hơn 230 học viên. Ngoài ra, chúng tôi đã tặng xe lăn, xe lắc, vận động hỗ trợ cho hội viên nghèo, khó khăn cũng như học bổng cho học sinh, sinh viên con của các gia đình người mù với tổng trị giá trên 700 triệu đồng”.
Từ những hoạt động tích cực trên, theo thống kê mới nhất, tỷ lệ hội viên nghèo tại huyện Quảng Điền đã giảm từ 32,1% (2008) xuống còn 14,9% (2023).
Giảm nghèo
Sau 15 năm triển khai với những biện pháp đồng bộ, tích cực, Chương trình “Việc làm – Giảm nghèo bền vững” của HNM tỉnh đã mang đến những đổi thay cho cuộc sống của hội viên mù, khiếm thị. Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh thông tin: “Trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình như cho vay vốn, chương trình dạy nghề, chương trình tạo việc làm và các chương trình nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên như xóa nhà tạm, khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí...”.
Cụ thể, từ năm 2008 – 2023, với 187 dự án theo kênh Trung ương Hội, 148 kênh tỉnh, huyện Hội, gần 2.300 lượt người mù, người khiếm thị đã được tạo điều kiện vay vốn với tổng số tiền là hơn 24 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên đã đầu tư nguyên liệu, vật tư, mua sắm thêm công cụ để phát triển lao động, sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Tiêu biểu như ở Phú Lộc, ngoài ông Bạch Công Lực còn có ông Nguyễn Quang, bà Đoàn Thị Nết. Ở Quảng Điền như ông Trần Nhật, ông Phạm Hợi, ông Nguyễn Lợi hay các ông, bà Phan Hữu Tâm, Nguyễn Ngọc Duy, Khương Văn Thuận, Lê Thị Vân ở những huyện, thị khác...
Giai đoạn vừa qua, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù đã mở 66 lớp dạy nghề cho gần 1.000 học viên với các ngành nghề như xoa bóp massage phục hồi sức khỏe, sản xuất tăm tre, hương trầm, lớp dạy nghề tin học, kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Sau đào tạo, 100% học viên học nghề massage xoa bóp phục hồi sức khỏe đều có việc làm và thu nhập ổn định. Tỷ lệ học viên nghề sản xuất tăm tre, chổi đót, hương trầm có việc làm sau đào tạo cũng đạt trên 75%.
Đại diện HNM tỉnh thông tin: “Với gần 140 lao động là người mù, người khuyết tật làm việc trong các HTX, cơ sở sản xuất, ngoài duy trì các mặt hàng truyền thống, HNM tỉnh luôn khuyến khích các HTX, cơ sở sản xuất khai thác các mặt hàng mới. Tính đến nay, chỉ riêng Công ty TNHH Niềm tin 17.4 đã xuất khẩu được gần 30 container mành tre đan sang Pháp. Với sự vận động của các cấp Hội, 15 năm qua, hơn 150 căn nhà đã cũng đã được xây dựng, gần 80 ngôi nhà được sửa chữa khang trang để hội viên ổn định cuộc sống; từ đó có thêm động lực phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững”.