ClockChủ Nhật, 07/08/2022 10:38

Thầy giáo mê nghề biển

TTH - Nhiều người thường nghĩ chỉ có ngư dân mới mặn mòi, sương gió. Suy nghĩ ấy chưa hoàn toàn đúng khi có những người gắn bó với nghề “bảng đen, phấn trắng” vẫn đạp sóng vươn khơi.

Sóng vỗ dưới chân ngườiThế hệ chúng tôi vẫn tự loay hoayCô giáo mê nghề, yêu trẻ nơi biên giới

Thầy Phan Phan chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh

Mong được “đi biển ké”

Cứ vào kỳ nghỉ hè, mỗi người thầy lại tìm cho mình những thú vui riêng, tìm nguồn năng lượng mới cho năm học mới. Với thầy giáo Phan Phan ở xã Phong Hải (Phong Điền) lại luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy để mong đến những ngày hè thỏa sức “tung quẩy” cùng con nước lớn, ròng.

Thường xuyên đứng bục giảng, không có nhiều thời gian để “theo đuôi tôm cá” nên thầy Phan Phan không thể sắm cho mình chiếc thuyền riêng mà chủ yếu “đi ké” các ngư dân, chủ thuyền ở địa phương. Người dân các vùng quê ven biển vốn rất yêu quý thầy, cô giáo nên mỗi khi thầy Phan Phan ngỏ ý muốn “đi biển ké” đều được duyệt ngay.

Để được tung quẩy trong những ngày hè như bây giờ, thầy Phan Phan cũng từng bị các chủ thuyền từ chối “đi biển ké”. Ai cũng xem nghề giáo chân yếu tay mềm thì lấy sức đâu mà gánh thuyền, kéo lưới, chưa kể bị say sóng lại mất công, mất thời gian chở ngược vào bờ.

Và tặng giấy khen cho học sinh

Thế hệ ngư dân trẻ sau này không ngờ rằng, thầy Phan Phan từng là một ngư dân chính hiệu khi tuổi đời còn rất trẻ. Thời còn học sinh cấp hai, thầy Phan đã theo cha anh sớm hôm mưu sinh cùng sóng nước. Chính những mẻ lưới, cá tôm nuôi thầy khôn lớn, ăn học nên người. Sau này thành danh, thầy vẫn luôn dõi theo con nước, nhớ biển da diết trong những tháng ngày làm nhiệm vụ đứng lớp “gieo con chữ”.

Ba tháng nghỉ hè được rong ruổi trên vùng biển lộng chưa hẳn đã đủ để thầy Phan thỏa sức buông lưới, giăng câu nhưng chắc rằng quá đủ để từ một người thầy chân yếu tay mềm, trắng trẻo bỗng hóa thành ngư dân sạm đen vì rám nắng. “Cứ ngày đầu đến lớp sau ba tháng nghỉ hè thường bị học sinh trêu đùa vì bỗng hóa ngư dân. Nhưng cũng chừng vài tuần lấy lại phong độ, học sinh lại ồ lên - thầy trắng rồi”, thầy Phan cười xòa.

Nghề biển với thầy Phan hóa ra không đơn thuần chỉ để giải trí, thỏa sức đam mê trong những ngày hè mà trở thành cái nghiệp tự thuở nào. Có lúc ngư dân không muốn đi biển, thầy Phan lại đến thúc giục bằng mọi cách để “đi biển ké”, để thỏa chí đam mê. Có những chuyến biển “làm chơi ăn thiệt” khi không chỉ giải trí, mà còn trúng những mẻ cá lớn bán khá nhiều tiền.

Thầy chia sẻ, nghề biển không phải lúc nào cũng đòi hỏi ngư dân vạm vỡ, dùng sức mà đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó và cả tư duy, trí tuệ nữa. Ngư dân phải luôn biết rõ mùa nào cá nấy, thời điểm nào nước lớn, nước ròng, vùng biển nào nong, sâu… để sử dụng các loại lưới, câu, thời điểm đánh bắt phù hợp, hiệu quả. Từ đầu năm (âm lịch) kéo dài đến mùa hè thường đánh bắt cá trích, cơm, nục, bạc má, ong, mó, mực, khuyết…, hay mùa mưa biển động nhẹ thì “kéo vét” ven bờ bủa các loại cá buôi, đối, ong…

Khôi phục nghề xưa

Nói về nghề biển bây giờ so với thời cha anh, thầy Phan có chút băn khoăn. Đó là nguồn lợi hải sản vùng biển lộng không còn dồi dào như trước. Có thể do biến đổi khí hậu, môi trường thay đổi nên hải sản vùng lộng không còn nhiều. Một số loài có giá trị kinh tế như tôm, các loại cá thu, chủa, cam, cu, tho, mó… trở nên khan hiếm, hoặc bơi về vùng biển khơi trú ngụ, sinh tồn. Một thời cá nục, cơm, me, duội, khuyết… vào sát bờ biển, ngư dân dễ dàng bủa lưới, giăng câu, mỗi thuyền có thể thu hàng tấn mỗi trộ lưới. Giờ đây các loài hải sản này hầu như ít xuất hiện gần bờ, ngư dân muốn khai thác phải đến vùng biển xa hơn song sản lượng cũng không nhiều.

Lúc đi câu cá biển

Thầy Phan bảo, ngoài môi trường thay đổi còn có nhiều nguyên nhân khiến nghề biển bây giờ trầm hơn trước rất nhiều. Thời thầy Phan còn là ngư dân (cách đây chừng 20 năm về trước), người dân đứng trên bờ nhìn phía đằng xa, cách bờ chừng vài cây số có thể thấy rõ nhiều dãy tre ngoi trên mặt biển. Dưới mỗi gốc tre được ngư dân buộc những vật nặng kết bằng đá, cát sỏi với tàu lá chuối, hoặc rơm khô. Ngư dân vùng bãi ngang ven biển thường gọi nghề “tre lói”, là tổ ấm cho các loài hải sản trú ngụ, sinh sôi. Trừ mùa biển động, nhiều chuyến biển thuyền ngư dân chở đầy ắp cá từ “mái nhà” này.

Số thuyền gần bờ mấy năm gần đây có chiều hướng tăng dần, một số nghề dần khôi phục, nhưng vẫn còn kém xa thời của thầy Phan trước đây. Hồi đó, phần lớn thuyền bãi ngang ven biển vùng Ngũ Điền (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) có công suất 15CV trở lên, khai thác cả vùng lộng lẫn vùng biển khơi, còn bây giờ chủ yếu loại dưới 12CV chỉ khai thác vùng gần bờ, khó có thể vươn xa hơn.

Các nghề khai thác trước đây cũng rất đa dạng, mỗi thuyền đều có đủ các nghề lưới, câu nên đánh bắt quanh năm. Hết mùa lưới trích, nục, ngư dân chuyển sang nghề lưới “thanh ba” bủa cá tho, mó, ngừ, chủa, thu, cam, cu… Hết bủa lưới “thanh ba” chuyển sang “kéo rùng”, “bủa xăm” cá cơm, me, duội, nục, “kéo dạ” bủa khuyết, tôm. Buổi tối mùa hè thì câu mực gần bờ… Từ mấy chục năm nay, phương thức làm tổ cho hải sản trú ngụ bằng “tre lói” và một số nghề như bủa lưới “thanh ba”, “bủa xăm”, “kéo rùng” không còn nữa.

Trong những chuyến biển gần đây của thầy Phan vẫn xuất hiện một số loài cá có giá trị như cam, chủa, ngừ, thu…, dù số lượng không nhiều. Theo thầy đây là tín hiệu của sự hồi sinh nguồn lợi hải sản gần bờ, đặc biệt là một số loài có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao hiệu quả khai thác vùng biển lộng, ngư dân cần phải khôi phục nghề “tre lói” để dẫn dụ tôm, cá trở về.

Trong điều kiện thuyền gần bờ công suất nhỏ, chủ yếu bằng các nghề khai thác thô sơ không thể đầu tư thiết bị thăm dò luồng cá hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng thì việc khôi phục nghề “tre lói” vừa làm tổ cho tôm, cá vừa thuận lợi hơn cho việc khai thác hải sản giữa đại dương mênh mông. Các nghề như “kéo rùng”, “kéo dạ”, “thanh ba”, “bủa xăm”… cũng cần được khôi phục mới có thể khai thác hải sản hiệu quả, đời sống ngư dân mới ổn định, bền vững trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các vùng ven biển.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát

TIN MỚI

Return to top