Hấp thụ linh khí đất trời
Đúng buổi hẹn, tôi theo nhóm CLB yoga Sức Sống Mới cùng trải nghiệm một buổi thiền trên sông Hương. Năm giờ sáng, tất cả thành viên họp mặt, có vài phút để chuyện trò và khởi động nhẹ. Năm giờ ba mươi, mọi người lên thuyền, mỗi người chọn một vị trí thích hợp. Con thuyền rộng khoảng 80m2, được xếp thành 10 hàng ngang, mỗi hàng từ 3 - 5 người ngồi xen kẽ.
Thuyền Long Quang chở khách thiền lướt nhẹ trên sông Hương
Chị Hồ Thị Như Mai, Chủ nhiệm CLB yoga Sức Sống Mới hướng dẫn mọi người ngồi đúng tư thế. Thuyền Long Quang bắt đầu chuyển động là lúc mọi người tĩnh tâm hành thiền.
Tại sao lại thiền trên sông Hương mà không phải một nơi nào khác? Người hướng dẫn thiền giải thích: Để đạt đến cảnh giới thiền định thì không dám chắc, buổi thiền trên thuyền ngày hôm nay dừng lại ở sơ thiền. Giúp người thiền tìm được những phút tịnh tâm, thư giãn để đón chào ngày mới. Riêng việc thiền trên sông thì trong thiền vẫn thường nhấn mạnh đến “năng lượng vũ trụ”. Trên dòng sông một buổi sáng sớm được xem là nơi hội tụ linh khí, người thiền sẽ hấp thụ được nguồn năng lượng đó.
Hôm chúng tôi trải nghiệm thiền, sương mù giăng trên sông, người hành thiền tựa như những nhân vật trong bức tranh thủy mặc đầy ảo diệu. Huế đẹp quá! không ồn ào, xô bồ, mà yên bình đến lạ. Và đẹp hơn, khi được hành thiền trên sông Hương và để dòng sông gột rửa đi những tạp niệm. Theo doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, chủ nhân Tịnh cư Cát Tường Quân ở Huế, thiền được phân ra nhiều dạng. Sau những tất bật thường nhật, xô bồ, tâm và thân của con người như một ly nước, nước và cặn hòa lẫn vào nhau, thời gian tịnh tâm đó cũng giống như thời gian để chất cặn lắng xuống. Những điều tốt đẹp thì phát huy còn những điều chưa làm tốt, hay đã làm hại ai đó thì sửa đổi.
Thuyền cung đình Long Quang lướt nhẹ trên mặt nước sông Hương, xuôi dòng về hướng đông nam, cảnh vật xung quanh hiện dần sau lớp sương khói mờ ảo: cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, xuôi về Cồn Hến, phố cổ Bao Vinh… Thuyền vừa chạm phố cổ Bao Vinh cũng là lúc thời điểm dành cho thiền kết thúc. Con thuyền quay hướng, chuyển động về lại bến Nghinh Lương Đình, đây là hành trình để các thành viên thư giãn, vận động gân cốt bằng các bài tập yoga. Doanh nghiệp tổ chức tour thiền này cho biết, thời gian đến sẽ tổ chức thiền ngược dòng lên Kim Long, chùa Thiên Mụ… và có thể xa hơn nữa.
Sau khoảng một canh giờ hành thiền trên sông, khách sử dụng dịch vụ ăn sáng bằng các món chay ngay trên thuyền, sự kết hợp hoàn hảo cho một buổi sáng chay tịnh, giúp du khách có thêm một lần ngắm sông Hương và cảnh vật xung quanh. Nếu là người Huế thì lúc này cũng là khoảng thời gian để về nhà chuẩn bị đi làm, còn những du khách ở phương xa, có thể tiếp tục nhâm nhi thêm ly cà phê để ngắm nhịp đời đang chầm chậm trôi.
Khác biệt và duy nhất
Đã có không ít kiệt tác nói về vẻ đẹp của sông Hương, nhưng riêng tôi đồng điệu với của một số ý kiến cho rằng sông Hương là “dòng sông thiền”. Sông Hương như “dùng dằng” với ai mà chẳng muốn chảy bao giờ. Mặc cho ai ghét, ai thương và những xô bồ khiến mọi thứ thay đổi, nhưng qua bao năm, sông Hương vẫn “thiền định”, tự tại giữa thế giới nhân, sinh, quan. Thiền trên sông Hương không khác gì “thiền trên sông thiền”.
Thiền trên thuyền Long Quang
Còn nhớ đã nhiều buổi thiền trà được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức trên sông Hương kết hợp với thả hoa đăng thu hút hàng trăm phật tử tham gia. Nếu có sự kết hợp tốt, những người làm du lịch có thể hình thành những tour thiền trên sông Hương. Với những trải nghiệm khác biệt, tour du lịch này sẽ đáp ứng nhu cầu phân khúc đối tượng khách hạng sang khi đến Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận định, sông Hương là con sông đẹp và càng đẹp hơn khi ngược dòng lên phía thượng nguồn. Sự giao hòa giữa người thiền và sông nước là một điều thú vị. Phía các công ty du lịch cần có những kết hợp với những hình thức hành thiền khác ở các ngôi cổ tự, thưởng thức ẩm thực chay. Nếu làm tốt, trải nghiệm thiền trên sông Hương sẽ là điều mà hiếm nơi nào có được.
Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo cho rằng, bà đã đi nhiều nơi trên thế giới, thiền trên sông thì quả là chỉ ở Huế và trên dòng sông Hương mới có. Xét về mặt kinh tế, trong du lịch những gì được xem là khác biệt và duy nhất thì sẽ “ăn khách”. Riêng đối với Huế, khi xu hướng du lịch hưởng thụ đang dần xuống thấp trào và du lịch tâm tưởng dần đạt đến đỉnh cao. Thiền trên sông Hương là hình thức để đáp ứng được nhu cầu của khách.
Cũng theo nữ doanh nhân, trong thiền có thiền tĩnh và thiền động. Theo bà, cần mở rộng và triển khai thêm dạng thiền trà trên sông Hương thì tuyệt vời hơn nữa. Mọi người cùng ngồi trên mạn thuyền, uống một ly trà mang hơi hưởng cung đình và đàm đạo về một cái đẹp, tự khắc con người sẽ hướng đến và tâm tưởng sẽ đẹp hơn.
Sau buổi thiền, 50 khách trên thuyền Long Quang chắp tay “bái lạy” dòng sông, như hàm ý cám ơn tạo hóa đã cho Huế sông Hương, để bao đời qua và cho đến hôm nay là mạch nguồn sống của Huế. Trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có đoạn: “Hai nghìn năm trước, có một người Hi Lạp tên là Heraclit đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi; chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố... Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Những người thích du lịch “sống chậm” và khách hành thiền còn chờ gì mà không đến để thưởng thức “điệu slow” miền Hương Ngự.
Bài: Đức Quang - Ảnh: S.S.M