ClockChủ Nhật, 26/11/2023 11:33

Thoáng đãng với nhà thông tầng

TTH - Cùng với ưu điểm thêm ánh sáng và không khí tự nhiên, thiết kế thông tầng còn giúp tăng không gian và lưu thông không khí cho ngôi nhà có từ 2 tầng trở lên.

Nhà theo phong cách Muji: Nhỏ mà thoải máiPhát triển Huế dựa vào thiên nhiênMở cửa những không gian “kín cổng cao tường”

Một phòng khách thoáng đãng, rộng mở với thiết kế thông tầng 

Dù khá giống nhau về tác dụng, song khác với giếng trời, khoảng thông tầng đa phần kết nối giữa tầng 1 với tầng 2 hoặc từ các tầng 1, 2, 3 với nhau chứ không thông thẳng từ tầng trệt đến mái của ngôi nhà.

Kiến trúc sư (KTS) Công Thịnh cho biết: “Bởi thế, thiết kế thông tầng thường đa năng hơn giếng trời, nhất là về mặt diện tích. Với ngôi nhà có chiều sâu trên 10m, khoảng thông tầng sẽ được bố trí khá tương tự giếng trời. Nếu ngôi nhà có chiều sâu lớn (thông thường là trên 20m), thay vì chỉ một giếng trời duy nhất, ngôi nhà có thể thiết kế từ 2 – 3 khoảng thông tầng, ví dụ như tầng 1 và tầng 2; tầng 2, tầng 3 và tầng mái”.

Thông thường, thiết kế thông tầng áp dụng cho các vị trí như phòng khách, giữa nhà hoặc cuối nhà. Với thông tầng phòng khách, thiết kế này thường được lựa chọn trong các ngôi nhà ống có phòng ngủ nằm ở cuối nhà (khoảng thông tầng thường đặt ở phòng khách, phòng ngủ chỉ cần ánh sáng dịu nhẹ). Tận dụng lợi thế này, ô thông tầng có thể được biến tấu như một giếng trời với hòn non bộ, tiểu cảnh được bố trí ở bên dưới.

Với gia chủ yêu thích không gian rộng lớn, khoáng đạt, thông tầng giữa nhà luôn là lựa chọn tối ưu. Từ một ô thoáng được thiết kế ngay giữa nhà, cùng với ánh sáng, cả không gian và tầm nhìn của ngôi nhà sẽ được mở ra tối đa. “Với hiệu quả từ khoảng thông tầng này, ánh sáng khi vào nhà sẽ được phân bổ đồng đều và hợp lý cho không gian xung quanh. Khoảng thông tầng giữa nhà giúp tiết kiệm diện tích, mang đến tầm nhìn lớn, mở ra không gian khoáng đạt, có chiều sâu cũng như gắn kết hiệu quả với các phòng còn lại”, KTS. Công Thịnh nói.

Vừa mang đến ánh sáng, không gian khoáng đạt, khoảng thông tầng giữa nhà còn có tác dụng như một bức ngăn tự nhiên để tách biệt không gian của phòng khách và gian bếp. Đây là lựa chọn vừa sang trọng, tinh tế, vừa thay thế cho các loại vách ngăn cứng nhắc, mất tự nhiên khi chuyển tiếp không gian từ phòng khách đến căn bếp.

Với thiết kế được đặt ở vị trí cuối nhà, khoảng thông tầng sẽ giúp tạo sự thông thoáng cho bếp và phòng ăn.

“Cùng với ba vị trí đặt khoảng thông tầng căn bản, có rất nhiều kiểu thông tầng khác cũng được cân nhắc như thông tầng cầu thang, thông tầng nhà tắm. Mỗi một vị trí có ưu và nhược điểm khác nhau, vì thế phải tính toán kỹ lưỡng để khoảng thông tầng vừa thẩm mỹ, vừa mang lại những hiệu ứng như mong muốn”, KTS. Công Thịnh cho biết thêm.

Lựa chọn thiết kế thông tầng cho ngôi nhà của mình, anh Nguyễn Văn Thịnh (TP. Huế) chia sẻ: “Trước đây tôi ở nhà cấp 4, diện tích nhỏ nên không gian sinh hoạt khá eo hẹp. Khi có điều kiện hơn, tôi muốn không gian sống của mình rộng rãi, thoáng đãng mà vẫn hài hòa, tiện nghi. Bởi thế, tôi rất thích thiết kế thông tầng khi xây nhà”.

Khi lựa chọn thiết kế thông tầng cho ngôi nhà, ngoài tính toán tỉ mỉ và cân đối để khoảng thông tầng hài hòa với diện tích sàn, cách tiêu âm thanh cũng là tiêu chí cần được lưu ý. Nhất là với gia đình đông đúc thành viên hay nơi ở có nhiều tạp âm, khoảng thông tầng nên đặt sát về một bên vách tường để hấp thụ tiếng ồn, hạn chế tình trạng tiếng vang trong ngôi nhà.

KTS. Công Thịnh nhấn mạnh: “Ngoài ra, do có khe hở nên để đảm bảo an toàn giữa các khoảng thông tầng, hệ thống hành lang, cửa sổ và cầu thang tiếp giáp với thiết kế này cần phải có lan can chắc chắn. Nếu thông tầng chỉ là khoảng thông giữa 2 tầng, bên dưới là không gian sinh hoạt thì nên tránh sử dụng đèn trang trí, chậu cây cảnh nặng nề, rườm rà. Từ đó, hạn chế thấp nhất rủi ro khi các thành viên trong gia đình sinh hoạt bên dưới khoảng thông tầng”.

Bài: Mai Huế - Ảnh: Nghiện nhà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà phố có vườn rau

Diện tích nhà ở phố khiêm tốn, nhiều gia đình vẫn có thể sử dụng những khoảng sân, góc ban công nhỏ, không gian hẹp để trồng rau xanh phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Những chậu rau cũng giúp không gian ngoài trời của căn nhà thêm độc đáo và đẹp mắt.

Nhà phố có vườn rau
Nhà… không phòng khách

Từng đóng vai trò vô cùng quan trọng, thế nhưng với nhiều gia đình trẻ, không gian phòng khách đã không còn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu khi xây nên ngôi nhà cho riêng mình.

Nhà… không phòng khách
Cầu thang hanh thông

Vẻ như hết kiên nhẫn với cậu con trai tuổi dậy thì, chị Ngọc Hương (Phú Bài, Hương Thủy) nhất định đề nghị chồng phải nghiên cứu lại phong thủy cầu thang nhà mình để “hóa giải” tính khí ngủng ngẳng của con. Dù mắng át vợ “Đức năng thắng số, phong thủy tự trong bản tính của mình”, nhưng anh Đức Hải vẫn chiều theo ý vợ. Anh nghĩ đơn giản: Làm vợ yên lòng về cái phong thủy cầu thang thì nguồn cơn mọi sự trong nhà sẽ yên.

Cầu thang hanh thông
Tự thiết kế không gian sống

Cùng với sự phát triển của công nghệ và các thiết bị hỗ trợ, mong muốn tự tay thiết kế nên không gian sống vừa đáp ứng nhu cầu của gia đình, vừa thể hiện được cá tính của gia chủ ngày càng dễ dàng thực hiện hơn.

Tự thiết kế không gian sống
Mới từ những thay đổi nhỏ

Đổi nhà mới là một việc làm rất khó, nhưng không ít người luôn muốn tìm kiếm sự khác biệt, mới mẻ trong chính căn nhà của mình. Để thỏa lòng mong ước, nhiều gia chủ chọn cách làm mới không gian sống bằng những thay đổi nhỏ.

Mới từ những thay đổi nhỏ

TIN MỚI

Return to top