ClockChủ Nhật, 12/11/2023 07:27

Mở cửa những không gian “kín cổng cao tường”

TTH - Thời gian gần đây, ở Huế xuất hiện nhiều quán cà phê nhà vườn, đặc biệt là cà phê ở những phủ đệ xưa. Đó là những không gian mà cách đây trăm năm là nơi lui tới của những ông hoàng, bà chúa, quan viên để thăm hỏi nhau dịp lễ, tết hay bà con thân thích tụ họp trong các dịp cúng giỗ dòng họ. Vào đây rồi, bạn sẽ có ngạc nhiên thú vị, rằng cuộc sống của chủ nhân ở sau những cánh cổng kiểu thức cung đình ấy thường giản dị, không giàu có như cái vẻ “cung đình” ở bên ngoài.

Những tấm lòng son với Huế Đến Huế du lịch mùa lễ hội

 Khách uống cà phê trong khuôn viên phủ Vĩnh Quốc Công

Sáng thứ Bảy, hẹn hò cùng bạn ở quán cà phê mới mở trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Kim Long, thành phố Huế. Tôi nói vui với bạn: “Cứ tưởng tượng xem, cách đây khoảng dưới trăm năm, dân dã như chúng mình không thể nào bước chân vào đây được mô hí”. Bạn cười hớn hở: “Nếu rứa thì tui tưởng tượng luôn, tui là tiểu thư cành vàng lá ngọc được cha cho đi thăm nhà bà con”.

Cả bọn cười vang khi bước chân qua cánh cổng phủ sơn màu hồng nhạt.

Những phủ đệ xưa ấy, giữ được cái cổng còn lại cho đến ngày nay đã là của hiếm, bởi lẽ, qua nhiều lần mở đường, nhiều phủ đệ đã bị “bay” mất cái cổng. Giữa bao nhiêu ngôi nhà hiện đại không có cổng hay là những chiếc cổng nhà kiểu mới, chiếc cổng vòm duyên dáng, rêu phong, màu sơn xưa cũ hiện ra trên con đường xe cộ tấp nập, quả là một nét đẹp rất riêng của phố phường xứ Huế. Vài giây lướt qua thôi nhưng hình ảnh ấy để lại trong cảm nhận của người đi đường một sự bình yên, một hình bóng của thời gian đã qua.

Ngôi nhà chính được xây theo kiểu kiến trúc nhà rường Huế, nằm lùi sâu sau cánh cổng. Nếu so với khu vườn thì ngôi nhà luôn chiếm một diện tích nhỏ hơn rất nhiều lần. Tôi nói vui với bạn “Những quán cà phê phủ đệ này mở cửa là mở những không gian sống “kín cổng cao tường” của Huế xưa đây nghe bạn”. Vẫn là lối kiến trúc truyền thống của nhà vườn Huế, phía trước không gian này là bức bình phong che ánh mắt nhìn của người đi đường nhìn vào ngôi nhà và cản những điều “xấu” vào nhà theo quan niệm vừa phong thủy, vừa tâm linh. Ngôi nhà nằm giữa khu vườn, mái nhà không cao quá cây cổ thụ trong vườn. Người ta bảo chính lối kiến trúc nằm giữa thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, không cao vượt quá thiên nhiên ấy đã dần hình thành nên nếp sống khiêm cung, biết yêu thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên của người Huế.

Buổi cà phê sáng hôm ấy, vì ở giữa thiên nhiên nên chúng tôi nói chuyện nhiều về đề tài “xanh”, như mảng xanh trong thành phố, mảng xanh trong vườn nhà và nếp sống xanh của người Huế, đặc biệt là của cư dân ở thành phố. Di sản kiến trúc nhà vườn Huế đã giúp đô thị Huế vẫn còn giữ được nhiều mảng xanh trong thời “tấc đất tấc vàng” này. Nhiều nhà vườn Huế xưa đã không giữ được như nguyên trạng ban đầu. Đất vườn cắt cho con cháu làm nhà ra riêng khi xây dựng gia đình nhưng lối sống phải có cây xanh bên mình, con mắt đã quen nhìn màu xanh đã giúp người Huế trong thiết kế ngôi nhà mới, dành nhiều ưu tiên cho cây lá, dù bé nhỏ hơn nhưng vẫn có màu xanh. Bằng cách nào đó, hoa vẫn nở, lá vẫn xanh trong những ngôi nhà kiểu mới. Đó không phải là một nỗ lực, mà đó là một thói quen, một lối sống quen, đơn giản vậy thôi. 

Thế nên tôi đồng ý ngay khi bạn bảo: “Lối sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên của người Huế là một... di sản của Huế” - đó là một di sản văn hóa tinh thần của con người ở một vùng đất. Trong những lần đến thăm từ đường công chúa Ngọc Sơn, gặp nhà nghiên cứu Phan Thuận An - hậu duệ của công chúa, ông thường chia sẻ với tôi rằng: “Ngôi nhà vườn là nơi người Huế gửi gắm tất cả tình yêu, trách nhiệm với gia đình và cũng là nơi thể hiện quan niệm sống, tư tưởng, đạo đức của người Huế”. Vì thế chẳng có gì lạ khi trong phủ đệ của ông hoàng, bà chúa hay nhà của quan viên triều Nguyễn Huế xưa, câu đối được đặt từ ngoài ngõ vào đến trong nhà, trên các kiến trúc cổng, bình phong, hoa văn, họa tiết trang trí đều là những ước nguyện về học hành, khoa cử, về lối sống đạo đức, yêu thiên nhiên và gắn bó với thiên nhiên, bốn mùa vui với cảnh “mai, lan, cúc, trúc”...

Trở lại với những quán cà phê phủ đệ, nhà vườn Huế xưa được mở ra gần đây, tôi nghĩ đó cũng là một cách đưa di sản vào đời sống, mà ở đây là tìm thêm nguồn thu từ di sản để bảo tồn di sản. Những ai ở nhà vườn xưa đều biết để chăm sóc một ngôi nhà vườn chỉn chu, sạch sẽ, hoa lá tốt tươi thì công sức và tiền của bỏ ra không phải là ít. Chỉ riêng việc chống thấm, dột và chống mối hàng năm cũng cần một khoản kinh phí lớn. Những ngôi nhà rường xưa thường lợp ngói liệt, loại ngói ấy bây giờ giá đắt và công thợ thầy cao. Vài năm trở ngói một lần là nỗi lo thường trực. Rồi còn chuyện làm cỏ, vừa mới làm xong khu vườn trước thì khu vườn sau cỏ đã lên tốt. Chỉ một tháng là cỏ đã lên lại. Việc chăm cây, tưới nước, mùa hè xứ Huế thì phải tưới đẫm cả vườn mới mong cây cối giữ được màu xanh. “Không có việc nào mà không tốn tiền hết cả con ơi. Mệ già rồi, lương hưu cũng không có, chỉ trông chờ bà con gửi tiền về chăm vườn, sửa nhà, chơ có tiền mô mà chăm, mà cỏ ấy con, răng mà mau lên rứa không biết” - đó là lời tâm sự của mệ ở Kim Long, đang chăm sóc một ngôi nhà di sản của cha ông. “Chỉ mong kiểu thức cà phê nhà vườn này hoạt động tốt chứ mình biết đầu tư kinh phí rất lớn khu vườn mới đẹp và hoàn hảo như thế này để đón khách. Phủ đệ thì phải làm cho xứng với phủ đệ mới mong “tả” được chút đẹp của vườn xưa, chứ làm không “tới” thì không “ra” chất được” - lời bạn đầy thấu hiểu những khó khăn khi đầu tư vào di sản để bảo tồn di sản. “May là người ấy làm trong ngành văn hóa đó bạn, nên việc đầu tư, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đúng bài bản. Nếu không biết, không hiểu và không đủ lực thì việc khai thác di sản dẫn đến phá hại di sản đã có những ví dụ đau lòng”, tôi trả lời bạn mà lòng thầm cầu mong cho hướng khai thác di sản kiến trúc nhà vườn Huế xưa sẽ được tiến hành với sự hiểu biết, tài lực và tình yêu của con cháu đối với cha ông.

“Mở cửa những không gian kín cổng cao tường” là để cho di sản được sống với cuộc sống thường nhật. Chuyện tưởng dễ mà không hề dễ.

Bài: Xuân An - Ảnh: Bảo Minh
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắng nghe vườn Huế

“Tôi nghiên cứu nhà vườn như mối liên hệ giữa nghệ thuật với văn hóa Việt Nam, mối liên hệ sâu sắc với mảnh đất và tinh thần Huế. Nét văn hóa ẩn tàng vẫn còn tồn tại trong những giá trị và bản sắc Huế ngày nay”, Giáo sư (GS), kiến trúc sư (KTS) cảnh quan Kimberlee Stryker (Đại học California, Berkeley) đã nói như vậy trong nghiên cứu về vườn Huế: “Listening to the Gardens of Hue, Vietnam”, cách đây 25 năm.

Lắng nghe vườn Huế
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Return to top