ClockChủ Nhật, 17/11/2024 15:26

Thơm thơm mùi trấu

TTH - Ngày xưa ở làng, hầu như gian bếp nhà nào cũng được bố trí giống nhau. Dãy nhà ba gian ở vị trí đầu tiên dùng để thờ cúng, là không gian tiếp khách và sinh hoạt của những người đàn ông trong gia đình. Nhà dưới, nhà ngang là nơi ăn uống, sắp đặt chạn gác, thùng phuy, là nơi ngủ nghỉ của cánh phụ nữ, trẻ con. Còn gian bếp là một khu nấu nướng được trổ ra hướng vườn, áp sát vào khu nhà ngang. Khu chái này thường có hai lối cửa ra vào, cánh cửa thứ nhất nối thông vào khu nhà ngang tiện cho người trong nhà đi lên đi xuống. Cánh cửa thứ hai thường là lối đi chính của những người phụ nữ chuyên phụ trách chuyện củi lửa, bếp núc. Mọi người sẽ ra vườn nhặt củi, hái rau, sẽ ra ang nước, giếng để rửa cá, rửa thịt, múc nước theo lối này.

Khói thơmGiữ lửa với bếp ấmBếp lửa của mẹ

 

Mỗi khi mưa về, mẹ tôi lại đặt thêm vào gian bếp nhiều kiểu bếp khác nhau: Chiếc kiềng thép ba chân, những viên gạch hồng kê song song, chiếc bếp lò vừa có thể sử dụng trấu, củi tre, cùi bắp… Từ mái thả xuống vài sợi dây thừng to bản hoặc những chiếc cống tre, đan thành chiếc giàn bếp chắc chắn rồi để lên trên rất nhiều đồ đạc, hạt giống. Nào những cán cuốc, cán rựa, những lưỡi hái, lưỡi liềm chưa sử dụng đến. Những bao hạt mướp, hạt ớt, hạt cà, hạt cải, những chùm bắp ngô làm giống cho mùa sau. Phía dưới cùng là những ổ rơm đan xen, lẫn lộn với những bó giang dành cho mẹ chẻ lạt, gói bánh trong những ngày giáp Tết.

Bà thường nhắc nhở mẹ và mấy chị em tôi về tính ngăn nắp của người phụ nữ khi biết sắp đặt tươm tất không gian nấu nướng. Nào xoong nồi nấu xong phải cọ rửa bóng loáng rồi treo lên mấy cái đinh chìa ra nơi cột nhà cho ráo nước. Nào rổ để gia vị dùng xong phải cất kỹ vào ngăn trên cùng chiếc gạc - măng - rê rồi chốt cửa lại phòng trừ gián, chuột. Nào khi chụm củi thì chỉ lấy một lượng vừa phải từ vườn vào, thanh nào khô chụm trước, thanh nào còn ẩm thì chất quanh bếp, sau đó mới sử dụng dần dần.

Lời bà dặn nhiều lắm, thế nhưng khi mưa gió kéo lê thê suốt nhiều ngày, mấy chái hè bao quanh nhà đều bị tạt ướt thì gian bếp bỗng “hô biến” thành nhà kho, lỉnh kỉnh, chất chứa bao nhiêu vật dụng. Những bó củi tre, lá chuối khô, những bao tải đựng cùi bắp, vỏ trấu được đưa vào bếp, dựa ngổn ngang vào vách tường, khi cần sẽ có dùng ngay.

Mùa mưa dài, mặc cho bên ngoài không khí ẩm thấp và gió lạnh, gian bếp bên trong luôn đượm lửa, thơm mùi khói và ấm áp những quây quần.

Vỏ trấu sẽ được đốt trong chiếc bếp lò là lá thép lớn được uốn khép kín theo hình phễu, có đặt kiềng phía trên. Để nhen bếp, mẹ sẽ châm lửa vào giấy hoặc những nang tre khô rồi thả vào giữa tâm, sau đó giữ cho ngọn lửa cháy đều vài phút. 

Những ngày giúp mẹ nấu cơm bằng trấu, ngọn lửa hồng reo vui tỏa mùi thơm thơm dìu dịu luôn khiến tôi líu ríu buồn ngủ. Những sợi tóc lơ thơ, đôi má dần ửng hồng cứ gật gù chạm vào đầu gối. Tôi chỉ bật tỉnh khi có tiếng động lớn đánh thức.

Bây giờ, trong những lần về thăm làng tôi không còn thấy nhiều người dùng bếp củi, bếp trấu nữa. Chẳng ai còn phải vất vả, lục đục, thức khuya dậy sớm để nấu nướng. Những chiếc bếp ga, bếp từ, bếp hồng ngoại giúp bà tôi, mẹ tôi, mấy dì tôi nấu chín thức ăn nhanh hơn, sạch sẽ hơn. Chỉ là tôi không thôi nao lòng khi hoài niệm về gian bếp ấm thơm thơm mùi trấu của những ngày xa.

Diệu Thông
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cá lụt

Buổi sáng trời mưa to. Khi tôi còn đang ngáp ngắn ngáp dài, tiếng chuông điện thoại đã reo lên inh ỏi. Trong điện thoại, giọng mạ tôi vang lên chen lẫn với tiếng ồn ã mua bán kỳ kèo xung quanh: “Cá lụt nhiều lắm, mạ mua rồi gửi xe lên cho”!

Cá lụt
Return to top