Tôi đã quay mặt đi khi người đàn ông ấy cầm dao gọt bớt những chỗ chai sần trên tay mình. Đó là một cảnh quay trong clip. Nhưng chiều hôm đó, bên bờ biển, khi thử nắm tay lúc anh ngưng việc, tôi cảm thấy rõ sự xù xì, thô ráp và cứng cỏi. Người đàn ông ấy đã mấy mươi năm cầm chàng, cầm đục, kéo cước... để sửa ghe xuồng cho những người làng, người xóm của mình. Tôi nhớ, anh đã cười thật hiền như giấu đi sự lóng ngóng của mình.
Trong clip được thực hiện, các đồng nghiệp của tôi đã kể được một phần cuộc đời người làm xuồng còn lại ở Hòa Duân. Anh tên Nguyễn Văn Phúc. Những chiếc thuyền mới và cũ, qua tay anh đã lại ra biển, nuôi dưỡng cái ăn, cái mặc cho gia đình những người bạn chài. Mấy ai hiểu được cái nghề cơ cực, muốn vận hành được đám tre, lũ nang, dây cước, nấu – phết nhựa đường phải được thực hiện khi trời có nắng. Nắng chừng nào công việc “ngon” chừng đó vì sự cứng đầu và khó chiều của các loài vật liệu. Là tôi giải mã điều ấy khi anh chia sẻ công việc với một người vì hiếu kỳ mà đến xem, đương nhiên là hoàn toàn ngoại đạo.
Chiều đó, Hiếu – chủ ghe mà anh đang sửa – bỗng dưng trở thành người bắc cầu khi nói với chúng tôi về công việc của người làm xuồng, sửa ghe còn lại. Nhớ cách mà Hiếu nói về những bước chân trên cát của người thợ “chị xem, da chân của anh Phúc còn cứng và dày hơn cả đế giày nữa. Thì cứ đi trên cát bỏng rứa mà vẽ!”. Đúng là nếu để ý khi gặp Phúc, mọi người sẽ nhận ra một lớp da dày cộp, chai đi qua năm tháng. Đám da dưới chân có lẽ không được chăm chút bằng cách cắt gọt bớt như trên đôi tay, như một cách cùng anh chiến đấu với cát bỏng, mỗi ngày. Chiều đó, Hiếu cũng đùa khi bảo rằng, tay ông Phúc không dành cho phụ nữ và trẻ con. Khi nắm thử tay người thợ làng chài, cảm nhận sự thô ráp ấy, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi, là bằng sự chai sần và thô ráp đó, anh Phúc đã nuôi nấng cả một gia đình. Khi con cái đã lớn, đã có thể tự lo cho mình, anh lại tiếp tục lo cho cháu khi cha mẹ chúng gửi lại cho ông bà. Cuộc đời cứ tảo tần như thế, bằng những bước chân trên cát.
Hỏi anh, công việc hẳn là nhiều, có khi nào anh nâng giá lên chút xíu để dễ bề đỡ đần cho gia đình không, người đàn ông nắng cháy sém lưng và ngực trần bảo ngay: “Tui nâng được chớ! Nhưng nếu tăng 1- 2 giá thì tối về ngủ không xuống. Bạn chài cũng cực khổ như mình. Cũng lo cơm gạo hàng ngày như mình, nên răng mà cầm tiền thêm cho đặng…”
Niềm vui của người đàn ông này là sau buổi chiều, lai rai và chuyện phiếm đôi chút với anh em bên bờ biển. Anh biết rõ chờ đợi mình ở nhà là vợ, là con, là cháu. Trong chia sẻ sau cùng trước khi chúng tôi rời đi, anh bảo, không ai trong những đứa con của anh tiếp tục công việc của cha. Điều đó vừa làm anh vui, vì ít nhất con cái không vất vả như mình, nên đôi khi để giấu đi phần hẫng hụt khi đang là người sửa ghe xuồng còn lại ở cả một vùng biển dài, anh lại kiếm một chuyến đi biển trước khi trở về với công việc thường ngày.
An Nhi