ClockThứ Sáu, 01/04/2022 14:03

Tranh dân gian Huế và du lịch

TTH - Hòa cùng với sự phát triển của ngành du lịch trong tỉnh, các dòng tranh dân gian tại Huế có nhiều đổi mới, thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Hình ảnh con hổ trong đời sống văn hóa HuếVẫn mơ tranh Sình đi khắp năm châuThăng trầm gallery

Tranh làng Sình in lên bao bì kẹo mè xửng khiến khách hàng thích thú

Xứ sở có nhiều dòng tranh dân gian

Lâu nay nhắc đến tranh dân gian Huế, người ta chỉ nhắc đến tranh làng Sình. Thực tế, tranh dân gian Huế còn có nhiều dòng khác: tranh dân gian vẽ tay, sơn mài truyền thống, tranh khảm xà cừ, tranh gương kính, tranh thêu, tranh trướng liễn dân gian làng Chuồn, tranh bích họa… Ví như tranh khảm xà cừ nổi tiếng có các làng Địa Linh, Bao Vinh, Nam Phổ; các làng đó có những nghệ nhân khảm xà cừ kỳ tài.

Tuy nhiên, các dòng tranh dân gian đều có nguy cơ mai một. Như dòng tranh trướng liễn làng Chuồn, vốn là dòng tranh mộc bản người Việt xưa. Đầu thế kỷ XX, người thợ trướng liễn dùng giấy báo nhuộm màu, bồi lên thành tấm rộng hẹp tùy kích thước y môn (cổng cửa treo tranh) theo nguyên tắc “lòng điều – kế lục – chỉ vàng” (lòng đỏ - biên lục – mép vàng) rồi đem in chữ và họa tiết trang trí. Sau này trướng liễn du nhập loại gấm nhung nên tranh liễn làng Chuồn mai một dần đi, có nguy cơ thất truyền. Hay tranh vẽ lụa, trước chủ yếu vẽ tranh thủy mặc trên lụa bằng mực đen (mực tàu) nên nhiều người vẽ. Về sau khi các chất liệu hội họa hiện đại như sơn dầu, arcylic… xuất hiện, rất ít họa sĩ theo nghề tranh lụa. Tranh lụa không còn vẽ theo chủ đề “cát tường” như dân gian, mà đã trở thành đa dạng đề tài qua con mắt của vài họa sĩ chuyên nghiệp…

Gắn liền với những dòng tranh dân gian là những nghệ nhân dân gian lặng lẽ, cần mẫn theo nét mực bàn tay cha ông để nghề làm tranh truyền thống được liền lạc, không đứt gãy qua thời gian. Tuy nhiên, không phải dòng tranh nào cũng có những thế hệ tiếp nối hoàn hảo. Đa phần đều bị thiếu hụt sự cần mẫn tiếp nối, rất đáng lo ngại. Ví như tranh gương có 2 loại, tranh gương cung đình và tranh gương dân gian. Tranh gương cung đình dưới thời Gia Long đã có nghệ nhân Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức nổi tiếng vẽ thủy mặc, về sau thời Nguyễn có tranh gương nhất thi nhất họa. Bên cạnh đó, ở Huế còn có tranh gương của dân gian, chủ yếu vẽ tranh phục vụ tín ngưỡng dân gian, tôn giáo… Tranh cung đình ngày nay đã mất, nhưng tranh dân gian cũng rất khó tìm gặp.

Một trong những dòng tranh còn lưu truyền mạnh mẽ đến ngay nay, là dòng tranh dân gian làng Sình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tranh làng Sình xuất hiện vào thế kỷ XIX. Có gia đình như nghệ nhân Kỳ Hữu Phước truyền nghề đã qua đến 9 đời. Tranh dân gian làng Sình phát triển cực thịnh vào đầu thứ kỷ XX nhờ phục vụ các tín ngưỡng dân gian phát triển mạnh ở Huế lúc đó. Bên cạnh tranh phục vụ tín ngưỡng tôn giáo như giấy tiền, vàng mã, tranh hình nhân thế mạng như bộ tứ Tố nữ, cậu bé cầm bút…; tranh làng Sình còn thể hiện các sinh hoạt làng, xã ngày xưa. Sau 1975 đến sau 1980, với phong trào bài trừ mê tín dị đoan, tranh làng Sình gần như không tồn tại. Chỉ sau năm 1990 đến nay, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống tâm linh phát triển theo, làm cho nghề tranh làng Sình phục hồi thịnh vượng.

Tranh dân gian và du lịch

Bên cạnh lịch sử và sự đa dạng của tranh dân gian xứ Huế, còn nhiều giá trị tiềm ẩn ít người biết đến. Ví dụ vẽ tranh bùa cho các thầy pháp cúng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân cũng là một chuyện không nhiều người tỏ tường. Ở Bao Vinh nổi tiếng có gia đình nghệ nhân Lê Trường Huy vẽ tranh bùa bát quái, các bùa để thượng lương nóc nhà… Thừa Thiên Huế cũng có nhiều nghệ nhân tranh dân gian vẽ tay khác như ông Cao Văn Thiền, Phan Duy Vũ… Chính những nét vẽ tay thô mộc độc bản đó là những nét hết sức đặc biệt mà du khách bao giờ cũng muốn tiếp cận khám phá.

Năm 2018, Bảo tàng Hà Nội tổ chức cuộc triển lãm với sự tham gia của 12 dòng tranh dân gian cả nước, trong đó có dòng tranh dân gian làng Sình, tranh gương của Thừa Thiên Huế. Nhiều người cho rằng, nếu biết khai thác, tranh dân gian Việt Nam nói chung, của Thừa Thiên Huế nói riêng, sẽ là điểm đến rất đặc biệt của ngành du lịch.

Thực tế từ năm 2000, các Nghệ nhân dân gian tranh làng Sình đã được chính quyền mời tham gia Festival Huế. Các Nghệ nhân đã trình diễn cách làm tranh làng Sình cho du khách quốc tế xem và thu được nhiều thành công lớn. Các Nghệ nhân đã có sáng tạo thêm cho tranh là quét điệp lên tranh in giấy dó với các chủ đề khác nhau, việc mà trước đây chỉ dành cho việc in tranh thờ trang ông, trang bà. Các tranh trang trí này phản ánh các sinh hoạt nông thôn như cày ruộng, cấy lúa, gặt lúa, các trò chơi dân gian như kéo co, bài chòi, thế vật đứng, hội bài chòi… Từ đó đến nay, làng Sình đã đón hàng triệu khách du lịch muôn phương về thăm và xem trình diễn nghề.

Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị một số cơ chế, chính sách về sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền trên địa bàn tỉnh. Các loại hình mỹ thuật có nguy cơ thất truyền bao gồm: sơn mài truyền thống, pháp lam, tranh gương, tranh làng Sình, tranh làng Chuồn, khảm xà cừ, vẽ lụa truyền thống. Các chính sách kèm theo là hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống… Các cơ chế này nếu được thực hiện sẽ tác động tốt đến việc phát huy các dòng tranh dân gian trong việc phục vụ cho du lịch Huế phát triển.

Dịp Tết 2022, tuy dịch bệnh COVID-19 đang lan tràn, nhưng tranh dân gian làng Sình vẫn bán chạy. Ngoài tranh tín ngưỡng thờ cúng, các nghệ nhân đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới. Ví như Nghệ nhân làng Sình làm khuôn in 12 con giáp khổ nhỏ và bán với giá chấp nhận được cho các gia đình mua về cho trẻ em chơi. Nhiều người xem khuôn in đã nêu ý kiến rằng, nên đưa việc in tranh làng Sình bằng các khuôn như thế này vào trường học cho học sinh thực hành trong giờ giáo dục địa phương. Còn trong du lịch, việc cho du khách thử nghiệm in hình tại chỗ rồi mua cái khuôn đem về làm quà, đó cũng là sản phẩm tuyệt vời…

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên hoan phim Đức KinoFest 2024 đến Huế vào cuối tháng này

Liên hoan phim Đức KinoFest là liên hoan phim thường niên của Viện Goethe tại Đông Nam Á dành cho điện ảnh đương đại Đức. Năm nay Liên hoan sẽ được tổ chức ở Huế trong hai ngày 26 và 27/10 tại không gian văn hóa Lan Viên Cố Tích (94-96-98 Bạch Đằng, TP. Huế).

Liên hoan phim Đức KinoFest 2024 đến Huế vào cuối tháng này
Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản

Du lịch là ngành công nghiệp, dĩ nhiên trước hết mang lại lợi nhuận, đóng góp lớn trong ngành kinh tế của tỉnh. Song hành với đó cũng là quảng bá các di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Đây cũng là cách quảng bá cho một vùng đất tươi đẹp, thân thiện, giàu tri thức và tiềm năng đến với cả nước và thế giới.

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản
Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia
TP.Huế: Doanh thu du lịch đạt gần 5.000 tỷ đồng

Ngày 17/10, UBND TP. Huế tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2024 để đánh giá toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của thành phố trong những tháng đầu năm, triển khai giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm các tháng còn lại trong năm 2024.

TP Huế Doanh thu du lịch đạt gần 5 000 tỷ đồng

TIN MỚI

Return to top