Nghề làm hương giúp người khiếm thị có thu nhập ổn định
Tại lớp học sản xuất chổi đót cho người mù, học viên dùng đôi tai thính nhạy để nghe và thuộc nằm lòng hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản làm ra các sản phẩm chổi đót, sau đó tỉ mẩn gom từng mớ đót, dùng đôi bàn tay khéo léo để bện chặt chổi đót bằng sợi nilon.
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay, hội đã tổ chức khai giảng 4 lớp dạy nghề cho 67 hội viên người mù và người khuyết tật. Trong đó, đã hoàn thành chương trình của 3 lớp dạy nghề cho 48 học viên tại 3 đơn vị huyện hội Phong Điền, Quảng Điền và A Lưới gồm các ngành nghề: sản xuất chổi đót, sản xuất hương, kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia cầm.
Anh Nguyễn Tín, Phó Chủ tịch HNM huyện Quảng Điền thông tin, nhiều năm trước đã mở trang trại tại gia, tuy nhiên vì thiếu kiến thức nên trang trại chưa vận hành đúng cách, dẫn đến thu nhập không cao. Năm 2015, anh tham gia lớp học kỹ thuật chăn nuôi do hội tổ chức và được học cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trang trại, quản lý được dịch bệnh, kỹ lưỡng hơn trong khâu chọn giống, chọn thức ăn cho vật nuôi. Thu nhập từ trang trại của anh trong những năm sau đó tăng lên, đạt lợi nhuận 150 triệu đồng/năm.
Năm 2018, anh Tín theo học lớp vi tính dành cho người mù. “Thời đại công nghệ 4.0 nên cần biết sử dụng máy vi tính để có thể tiếp cận mạng lưới tri thức nhanh và rộng. Thông qua mạng internet, tôi đã tìm hiểu, học hỏi được rất nhiều kiến thức hữu ích cho công việc của mình”, anh vui vẻ chia sẻ.
Học nghề giúp người khiếm thị giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống
Hiện nay, nghề xoa bóp tẩm quất của người khiếm thị phát triển khá tốt. Hội thường xuyên mở các lớp đào tạo massage và trang bị thêm kiến thức, nâng cao nghiệp vụ tay nghề cho hội viên mù đang làm trong ngành. Các học viên còn được theo học các lớp nâng cao kỹ năng sử dụng chữ Braile, tiếng Anh trong giao tiếp, phục hồi chức năng về giao tiếp ứng xử, phòng chống lạm dụng tình dục trong hành nghề xoa bóp, nâng cao kỹ năng nghề xoa bóp.
Chị Phạm Thị Ngọc, hội viên HNM tỉnh, được tham gia các khóa học massage do hội mở và các khóa nâng cao về vận động xương khớp. Đến nay, chị là một nhân viên massage lành nghề với nhiều năm kinh nghiệm, thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. “Dù có khiếm khuyết nhưng chúng tôi luôn khao khát được lao động và cống hiến cho đời. Vậy nên, khi được tham gia học nghề, tôi rất phấn khởi và có thêm niềm tin, động lực để làm chủ cuộc đời”, chị Ngọc bộc bạch.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, thông qua các công ty, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của hội đã duy trì, ổn định, tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm cho hơn 120 lao động. Tổng doanh thu các cơ sở 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 2,838 tỷ đồng. Ngoài các mặt hàng truyền thống như tăm tre, chổi đót, hương trầm, xoa bóp, trong năm, Công ty TNHH Niềm Tin tiếp tục xuất khẩu container thứ 22 với hơn 50.000 sản phẩm hàng mành tre đan sang Pháp, tiếp tục chuẩn bị điều kiện để xuất container 23.
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh cho biết, dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, kinh doanh là những việc HNM tỉnh luôn ưu tiên thực hiện nhằm giúp hội viên có thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đào tạo nghề còn mở ra cánh cửa để người mù giao lưu, hòa nhập với cộng đồng.
Bài, ảnh: Phước Ly