ClockThứ Hai, 20/06/2022 07:01

Trên “cánh đồng” chữ nghĩa

TTH - Nếu như người nông dân miệt mài với những cánh đồng hoa màu, ruộng lúa, chúng tôi – những người làm báo xem mình chẳng khác gì người nông dân, có khác đó chăng là cánh đồng chữ nghĩa. Và dù trên mảnh đất nào nếu không có sự dấn thân, tình yêu và niềm đam mê với công việc thì khó có được những “quả ngọt” để phụng sự cho xã hội.

Đội ngũ quay phim Báo Thừa Thiên Huế online tác nghiệp vùng đầm phá Tam Giang. Ảnh: Thái Bình

Tôi đã từng nghe câu chuyện của một đàn anh đi trước trong nghề đúc kết ngắn gọn nhưng sâu sắc và có lẽ chưa bao giờ lỗi thời: “Ở đâu có tin tức, ở đó có phóng viên, nhà báo. Càng khó khăn càng lao tới”. Anh đã ví von người làm báo như người nông dân. Người nông dân cần mẫn thức khuya dậy sớm cày cuốc, gieo trồng, chăm bón để cho ra hạt gạo thơm ngon thì người làm báo phải lao vào những sự kiện, điểm nóng, đi tận cùng sự thật bất kể giờ giấc để cho ra những bản tin, bài viết, phóng sự… Giọt mồ hôi dù rơi xuống cánh đồng hay trên trang viết để cho ra “hoa thơm, quả ngọt” một cách tử tế, nhân văn sẽ luôn được chờ đón, tạo ra cảm hứng, lan tỏa đến xã hội, cộng đồng.

Để làm được điều đó, theo người đàn anh đồng nghiệp, người làm báo trong bối cảnh hiện nay ngoài sự dấn thân chưa đủ, mà còn phải có lòng chính nghĩa, giữ được “lửa” và đạo đức của nghề dựa trên các tiêu chí như tính chính xác, công bằng, khách quan và trên hết phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Nghề báo phải thường xuyên đối mặt trước những cám dỗ vật chất, tiền tài, danh vọng… nếu không có đủ bản lĩnh nhà báo dễ bẻ lệch ngòi bút để thỏa mãn những mưu toan cá nhân.

Sự khiêm tốn, giản dị, sự tự tin cũng như biết “đi tắt đón đầu” thời cơ, nghiên cứu tài liệu kỹ càng, biết tự tạo áp lực cho bản thân… trước khi bắt đầu cho mỗi lần tác nghiệp cũng vô cùng quan trọng đối với nghề báo. Có như thế nghề báo, người làm báo mới đảm đương được sứ mệnh, tồn tại để phục vụ cộng đồng, phục vụ con người.

Tôi đến với nghề có thể nói là muộn, nhưng muộn còn hơn không, như trải nghiệm, cơ hội mà theo lời cố nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) từng chia sẻ rằng: “Nghề báo, nghề không có tuổi”.

Tiếp xúc với nhiều anh chị em đồng nghiệp, có người thâm niên, kinh nghiệm dày dặn trong nghề, nhưng cũng có bạn trẻ năng động vừa đặt chân vào con đường viết lách, tôi càng hiểu hơn đó là công việc chưa bao giờ dễ dàng. Đặc biệt, khi mà xu hướng báo chí đang thay đổi từng ngày, từng giờ để phục vụ nhu cầu của bạn đọc mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau.

Trong những lần trao đổi với anh chị em đồng nghiệp, một vấn đề luôn đặt ra, đó là xu hướng báo chí đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Những chuyện kể dù chỉ 20 năm về trước để so sánh với thời điểm hiện tại mới thấy sự thay đổi đó thần tốc ra sao. Ngày đó, những người làm báo phải đi xe đạp hàng trăm cây số để lấy tư liệu, rồi miệt mài viết bản thảo trên giấy trước khi tìm bưu điện fax về cơ quan, và trải qua rất nhiều quy trình khác trước khi cho ra một bài báo hoàn chỉnh. Nhưng nay, mọi thứ đã khác, khác từ tư duy làm việc cho đến phương tiện, phương thức tác nghiệp, cách tiếp cận vấn đề… Chỉ cần những thao tác nhanh gọn trên điện thoại thông minh, trong phút chốc một bài báo ngay lập tức được xuất bản và lan tỏa trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội.

Điều này đặt ra rất nhiều thách thức, áp lực, buộc các tòa soạn, đội ngũ những người làm báo phải không ngừng cập nhật. Qua quan sát, không riêng gì báo chí Trung ương mà báo chí địa phương những năm gần đây cũng đã thay đổi cách làm việc, đuổi kịp những xu hướng ấy với phương châm “thích ứng để thay đổi”. Nhờ sự thay đổi kịp thời, để rồi trên “cánh đồng chữ nghĩa” đó có những tác phẩm báo chí không chỉ hay về nội dung, mà còn ấn tượng trong cách trình bày thể hiện, tích hợp nhiều thể loại trên một sản phẩm báo chí, níu giữ được chân của bạn đọc, nghe, xem.

Mỗi giai đoạn, mỗi cách làm khác nhau. Nhưng dù ở trên cánh đồng nào đi chăng nữa, người nông dân hay người làm báo nếu giữ cho mình tâm thế cần mẫn, nhiệt huyết, niềm tin yêu với nghề mà mình theo đuổi chắc chắn sẽ cho ra những thành quả đáng trân trọng.

Hoàng Đăng Khoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một đời còn thơm

Những cánh đồng trong thành phố thiệt là một mảng xanh quý giá. Mỗi buổi sáng, chỉ đạp xe chừng vài cây số, đi hướng nào cũng sẽ bắt gặp những cánh đồng. Gió trên đồng thì hào phóng, màu xanh trên đồng thì vui mắt, không khí thì trong lành, tha hồ hít thở, tha hồ đắm mình trong thiên nhiên. Nhiều lúc nghỉ chân bên đường, tôi bỗng thấy yêu Huế quá trời.

Một đời còn thơm
Rau đồng

Mưa đầu mùa nhẹ nhàng như cô thôn nữ vừa mới lớn, hương thơm đồng nội thật tinh khôi, những hạt sương long lanh như pha lê treo trên đầu ngọn cỏ, sóng lúa xanh mượt nhấp nhô theo làn gió, xa xa... những rặng tre già cong gọng vó bên dãy nhà tranh, có lọn khói bếp với vũ điệu êm đềm trên mái lá. Ôi quê hương tôi, mộc mạc yên bình như cuộc sống của những con người nơi đây.

Rau đồng
Những mùa rơm cũ

Cung đường ngoại thành lượn vòng hiu hiu gió, nắng chói làm dậy thơm mùi hương đồng đất, đánh thức cả trời ký ức. Mùi rơm thơm. Thứ mùi mang lại sự bình an, ngọt ngào niềm vui thóc lúa khô nỏ đầy bồ. Những cọng rơm phơi ven đường giăng mắc vào gầm xe theo về phố thị, giăng mắc vào tôi bao dấu yêu xưa cũ.

Những mùa rơm cũ
Lộng lẫy đồng vàng

Ngày tháng Sáu, trời đã giữa hè. Nắng đến cạn sông cạn suối. Nghe con gái than thở qua điện thoại, mẹ thủng thẳng bảo, “nếu ở phố ngột ngạt quá thì về quê ít bữa. Ở quê cũng nắng dữ chứ, nhưng là cái nắng rực rỡ của mùa vàng. Nắng mà vui!”.

Lộng lẫy đồng vàng
Return to top