Sới gà tưng bừng
Từ nhiều năm nay, hội chọi gà vui xuân trở thành thú chơi dân gian của nhiều người mỗi dịp tết đến xuân về. Năm nay, hội chọi gà được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 6 tết tại công viên Thương Bạc. Chiều mùng 3 tết, hội chọi gà thu hút hàng trăm người, cả 4 sới gà đều tưng bừng, náo nhiệt người xem và cổ vũ.
Hội chọi gà thu hút đông đảo người xem
Ông Phạm Tiến Dũng, thành viên Ban tổ chức cho biết, hội chọi gà năm nay có khoảng 50 con gà đến từ khắp nơi trong tỉnh tham gia. Mỗi trận thi đấu diễn ra khoảng 20 phút, chủ kê nào có gà thắng cuộc được tặng cờ lưu niệm của Ban tổ chức. Đơn giản vậy thôi nhưng vì đam mê, hội chọi gà năm nào cũng đông. Ông Dũng giới thiệu: “Chọi gà không quan trọng chuyện thắng thua mà nó là thú chơi dân gian tao nhã từ xa xưa. Nó vừa có tính tiêu khiển, lại vừa biểu hiện cho tinh thần thượng võ trong dân gian vào mùa lễ hội, đặc biệt là những ngày tết”.
Để có được niềm kiêu hãnh là chủ nhân của gà thắng cuộc, người chơi phải tốn nhiều công sức. Theo anh Phan Hữu Thiện, một chủ kê có nhiều năm “chinh chiến”, việc quan trọng đầu tiên là chọn được giống gà tốt, lựa chọn kỹ gà bố, gà mẹ để tạo giống gà con. Chủ kê phải tinh tường, thạo nghề, phải xem tướng gà từ màu lông, thế đi đứng, xem cựa, xem vây cho đến móng vuốt... Người tinh sẽ nhận ra đâu là con gà có thế chọi, dáng chọi. Tuy vậy, bộ dáng không thể đánh giá toàn diện con gà mà tùy theo thể lực. Một con gà có bộ dáng đẹp, đá hay thì giá trị càng cao.
Chăm sóc gà cũng yêu cầu tỉ mỉ và cẩn thận, công phu trong cả cách luyện thể lực cho gà. Thường thì gà đúng 1 năm mới được tập tành chuẩn bị “tham chiến”. Anh Thiện chia sẻ: “Nuôi gà chọi có nhiều điều thú vị khiến mình phải mê. Trong con gà hội đủ các đức tính: tín, dũng, nghĩa. Khi ra sàn đấu, gà có những đòn đá hay làm cho mình thích thú. Người chơi gà vì nghệ thuật sẽ cảm nhận được niềm vui khi con gà mình chăm chút thể hiện được tài nghệ, điều đó cũng chứng tỏ được tài nghệ của người nuôi. Nếu gà thắng cuộc, nó sẽ càng có giá trị và dòng dõi của nó càng nâng lên”.
Rộn rã câu ca bài chòi
Vui hội bài chòi
Trong không khí rộn ràng của những ngày tết, không gian bài chòi ở công viên Thương Bạc từ ngày mùng 2 đến mùng 4 tết đưa mọi người trở lại với hồn quê của tết cổ truyền. Những năm trở lại đây, dù có nhiều hoạt động vui chơi giải trí mới, hiện đại, hấp dẫn nhưng người dân vẫn háo hức với trò chơi dân gian này. Mấy ngày tết, hội bài chòi lúc nào cũng thu hút đông đảo người chơi và người xem. Không chỉ có các cụ ông, cụ bà, bài chòi còn có sự tham gia của nhiều nam thanh, nữ tú và cả những em thiếu nhi.
Năm nay, ông Trần Duy Chựa và bà Trần Thị Hoa quê ở Cầu ngói Thanh Toàn tiếp tục làm “ông hiệu, bà hiệu” dẫn xướng bài chòi. Những câu ca tương ứng với quân bài được ông Chựa hô rao, ứng tác đầy nhịp điệu khiến người chơi và cả người xem cười nắc nẻ: “Họ giàu họ ăn cơm trắng cá tươi. Còn tui đây cực khổ ăn cơm ruốc với mắm. Đêm năm canh tui nằm tui ngủ chèo queo, là eo… nghèo”. Hay: “Vai tui mang địu bạc lè kè. Tui lại nói khoáy, tui lại nói khéo mà họ nghe ầm ầm, ầm là ôn ầm”.
Cứ thế, tiếng hô, tiếng cười hòa lẫn vang cả công viên. Ông Chựa tâm sự, ông rất vui khi bài chòi không bị thất truyền mà vẫn hòa vào cuộc sống hiện đại. Để mỗi dịp tết đến, những câu ca hô rao ông thuộc từ nhỏ lại có dịp mang đến tiếng cười cho mọi người, tái hiện nét sinh hoạt dân gian của cha ông ngày xưa.
Cái thú của bài chòi không nằm ở ăn thua đỏ đen mà chủ yếu là để mọi người có dịp giao lưu, hòa nhập và đùa vui đầu năm. Với anh Bửu Hùng (TP. Huế), thú chơi tao nhã này trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về. Điều vui là Khánh Minh, cô con gái mới 13 tuổi của anh cũng rất yêu thích trò chơi này. Anh Hùng vui vẻ: “Tết năm nào hai cha con cũng đến đây chơi bài chòi. Đây là một thú chơi hết sức tao nhã, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong những ngày đầu xuân mới cần được duy trì”.
Bài, ảnh: Minh Hiền