ClockThứ Tư, 04/10/2023 07:22

Trở lại Long Thọ, nhớ một thời “thâm nhập” đề tài công nhân

TTH - Một ngẫu nhiên thú vị, vào lúc Công đoàn thành phố Huế tổ chức đại hội tiến tới Đại hôi Công đoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi bất ngờ nhận được một tin nhắn: “Bác còn giữ bài viết về Long Thọ trước đây không? Cháu tìm trên mạng mãi không thấy…”. Người gửi tin nhắn chưa gặp tôi lần nào, nhưng dượng của anh là Hồ Ngọc Trinh – một trong số công nhân đầu tiên khôi phục nhà máy vôi Long Thọ sau năm 1975, là “nhân vật” trong bài viết của tôi về xí nghiêp Long Thọ từ năm 1984! Quá lâu rồi, tôi không có dịp gặp lại, anh Trinh tưởng là tôi đã … “đi theo” các vị “tiền bối” có công khôi phục nhà máy Long Thọ như giám đốc Lê Bá Lan… Nhưng mới đây, anh bất ngờ thấy tôi trong một chương trình truyền hình của đài TRT, nên nhờ đứa cháu dò tìm!...
 Tác giả (bìa trái) & Hồ Ngọc Trinh

Mấy chục năm rồi tôi mới có dịp trở lại nơi mình đã sống cùng với những người thợ nhà máy Long Thọ suốt ba tháng liền – một chuyến “đi thực tế” hiếm có. Hồi đó, tôi đang làm “phó” cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ở Tạp chí “Sông Hương”; do đội ngũ biên tập viên của ba tỉnh Bình - Trị - Thiên nhập lại rất “hùng hậu”, Tạp chí ra 2 tháng một kỳ, nên Tổng biên tâp an tâm cho tôi “tạm nghỉ việc” vài tháng. Cũng do Nguyễn Khoa Điềm biết tôi được xếp vào lớp “nhà văn công nhân” nên hy vọng sau thời gian “cắm” tại xí nghiệp có truyền thống lâu đời nhất ở Huế, tôi sẽ viết được cuốn tiểu thuyết. Ba năm sau, cuốn tiểu thuyết mới hoàn thành và năm 1989 được xuất bản (NXB Thuận Hóa) với tên “Nếu được chết thay em”. Có cái nhan đề hấp dẫn này là do tiểu thuyết có câu chuyện thương tâm – ba nữ công nhân hy sinh dưới hầm khai thác đá vì lũ! Trong lúc chưa tìm được cách viết tiểu thuyết, tôi đã viết bài báo đăng 2 kỳ trên báo Đảng của tỉnh Bình Trị Thiên và bút ký “Gương mặt ban mai trên sông Hương” có đoạn nói đến vợ chồng Trinh như sau:

“…Thuở ban đầu khôi phục xí nghiệp, Lê Bá Lan tập hợp được 36 người, bắt tay khôi phục nhà máy. Những công nhân đầu tiên ấy hàng tháng trời ăn cơm nhà, đem dụng cụ gia đình đến làm việc và chẳng cần biết đến lương bổng ra sao. Trong 36 con người ấy có Trinh. Đặc biệt, hôm nay trên mặt lò có một cô gái: Nguyễn Thị Hồng Oanh. Cô thế chân một thợ lò đến phiên “nghỉ Chủ nhật”, Hồng Oanh là chiến sĩ thi đua 4 năm liền, lại là vợ của đội trưởng Hồ Ngọc Trinh…

… Hồ Ngọc Trinh đi kiểm tra công việc trong phạm vi mình phụ trách trước lúc giao ca, trở lên mặt lò sau tôi mấy phút. Mặc tôi can ngăn, Trinh vẫn bảo anh em chạy tìm ấm chén nấu nước pha trà đón khách. Cảnh uống trà của những người thợ lò thật đặc biệt. Một xẻng than đỏ rực - những viên vật liệu được đốt nóng gần 500 độ, được xúc lên thành lò. Đặt ca nước lên, chỉ chốc lát là sôi, thật sôi. Tôi có cảm giác như nước sôi ở đây phải trên một trăm độ, nên dù ấm trà vỡ nắp, trà vẫn chiết ra nước đặc thật nhanh…

…Hồ Ngọc Trinh ghi chép những con số cần thiết vào sổ giao ca, rồi đứng dậy bước tới gõ kẻng và giơ hai ngón tay ra. Ấy là hiệu lệnh cho người thợ đứng phía dưới cho lò số 2 ra cờ-lanh-ke. Tiếp theo, lò số 3, lò số 1...”.

Đó là chuyện nhà máy Long Thọ một thời đã tiếp nối xuất sắc truyền thống vẻ vang với mốc son không phải đơn vị nào cũng có: Ngày 10/12/1930, chi bộ Cộng sản được thành lâp. Và chỉ một thời gian ngắn sau ngày Huế giải phóng, mẻ vôi đầu tiên, rồi bao xi măng đầu tiên ra đời khi nhu cầu xây dựng sau chiến tranh tăng nhanh, mà các nhà máy xi măng hiên đại chưa có sản phẩm… Bây giờ thì nhà máy Long Thọ đã ngừng sản xuất để bảo vệ môi trường sinh thái một thành phố di sản văn hóa. Tôi dừng lại chốc lát trước nhà máy cũ, lòng không khỏi bùi ngùi trước khung cảnh nhà máy hoang vắng với các lò cao và máy móc cũ nát không một bóng người… Cuộc sống phải tiến lên, công nghiệp phát triển, nhưng một địa chỉ như nhà máy Long Thọ hẳn cũng nên sớm có quy hoạch sử dụng diện tích khu đất đang “vô sinh”, đồng thời cần gắn biển hiệu ghi dấu một di tích từng đồng hành với sự phát triển của Huế hơn một thế kỷ vừa qua…

***

Nhà của vợ chồng Trinh ở bên đường Bùi Thị Xuân, phía trên nhà máy Long Thọ một quãng. Trinh đón tôi thân thiết như với một bạn thân lâu ngày gặp lại. Cả hai vợ chồng nay đã nghỉ hưu. Hồng Oanh trước khi nghỉ hưu là cán bộ chuyên trách công đoàn Long Thọ chục năm. Căn nhà đã được xây mới hai tầng, ngay ở phòng khách, bức ảnh toàn cảnh nhà máy Long Thọ bên sông Hương và ảnh hai vợ chồng ngày mới vào nhà máy dưới huy chương “Kỷ niệm 100 năm thành lâp – Công ty Long Thọ” được treo nơi trang trọng nhất.

Có dịp gặp lại “nhân vật” người thợ từng gợi cảm hứng sáng tác cho mình bốn thập kỷ trước, tôi lại nhớ một thời hoạt động sôi nổi với lớp “nhà văn công nhân” đã thành danh luôn được tổ chức Công đoàn quan tâm như Lê Minh, Xuân Cang, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lý Biên Cường, Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng, Lê Điệp… Đất nước đổi mới, công nghiệp đã phát triển rất xa, nhân vật “công nhân” hôm nay cũng đã khác trước rất nhiều – tuy vẫn còn lớp công nhân “áo xanh” vất vả, đẫm mồ hôi dưới mưa nắng, nhưng ngày càng nhiều lớp “công nhân áo trắng” trong phòng lạnh, bên dàn máy móc hiện đại. Hy vọng, những cây bút trẻ có tiềm lực sẽ tiếp tục đi sâu tìm hiểu hiện thực mới này để có thêm những tác phẩm về “đề tài công nhân” thời đại mới, với các nhân vật kế tục cốt cách, phẩm chất người thợ, luôn có trách nhiệm cao trong quá trình sản xuất, với tình cảm nồng ấm như vợ chồng Trinh - Oanh ở nhà máy Long Thọ ngày nào…

 

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hai Nhánh - Quãng sông bi hùng - Kỳ 1: Ký ức khó phai mờ

Từ cuối Xuân đến đầu Thu năm nay, tôi đã nhiều lần trở lại vùng sông Hai Nhánh. Và để đến được nơi này không thể không cám ơn sự giúp đỡ của Thị ủy Hương Thủy, của chính quyền xã Dương Hòa và gia đình Cựu chiến binh Hồ Đắc Lực. Do không có đường bộ nên nhờ có họ mà chúng tôi mới có dịp theo thuyền thăm lại chiến khu xưa.

Hai Nhánh - Quãng sông bi hùng - Kỳ 1 Ký ức khó phai mờ
Chợ Khe Tre hoạt động trở lại sau vụ cháy

Sáng 12/7, đại diện UBND huyện Nam Đông cho biết, chợ Khe Tre đã hoạt động trở lại sau hơn 7 tháng tạm dừng để thi công, sửa chữa khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 12/2023.

Chợ Khe Tre hoạt động trở lại sau vụ cháy
Lo ngại ho gà quay trở lại

Bệnh ho gà đang xuất hiện trên địa bàn tỉnh sau một thời gian dài vắng bóng. Bệnh nhi hầu hết dưới 3 tháng tuổi, trong đó có 1 ca dương tính được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế.

Lo ngại ho gà quay trở lại
Lãi suất ngân hàng rục rịch tăng trở lại

Nhiều ngân hàng trong tuần qua đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng từ 0,1 – 0,5 điểm phần trăm, trong đó có ngân hàng điều chỉnh lãi suất tăng liên tiếp trong 2 ngày. Điều này cho thấy, tín dụng của các ngân hàng hiện đang dần ấm lên.

Lãi suất ngân hàng rục rịch tăng trở lại
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Return to top