ClockThứ Năm, 19/04/2018 14:33

Tuổi thơ một thuở

TTH - Thú thật mình không hiểu vì sao gọi là “tình yêu bọ xít” và cũng ngại hỏi bác “Gồ”, nhưng cái mùi bọ xít khai nồng, buốt tận óc lại gợi nhớ về tuổi thơ với mái đầu khen khét nắng một thời...

Bùi bùi bỏng gạo tuổi thơKí ức nhãn lồng

Mùa nhãn cũng là “mùa chơi” của lũ trẻ con tinh nghịch

1 – Hồi nhỏ, đầu xóm có quán cà phê Vông Vang, trong quán có 2 cây nhãn thuộc diện cổ thụ. Đến mùa nhãn, khi chủ nhân chưa kịp lồng, bọn trẻ con trong xóm đã thậm thò thậm thụt khèo tre bên hàng rào lúc ban trưa, mặc dù lúc ấy trái chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay. Bẻ trộm được một chùm, ăn xong đứa nào đứa đó cũng rên trời vì rát lưỡi. Ấy vậy mà cứ canh chủ nhân ngủ trưa là hò nhau đi bẻ trộm.

Nhãn được lồng, lũ trẻ con nhìn nhau thèm quay quắt vì lúc nào cũng có người nằm dưới gốc cây canh trộm. Mà thật ra là canh lũ trẻ con trong xóm một thời thiếu ăn. Không phải để thanh minh hay phân bua, giờ nghĩ lại, thời đó, bẻ trộm nhãn (hay trộm chuối trên am) với lũ trẻ tinh nghịch nhưng trong trẻo đơn thuần còn là một trò chơi, dù lúc ấy luôn thèm có được cái gì đó bỏ vào miệng.

Không bẻ nhãn, lũ trẻ lại nghĩ ra trò để chơi và để quên thèm. Mùa nhãn, ngoài hương thơm thoảng thoảng của hoa, của những trái nhãn no tròn mọng nước còn là mùi hăng xộc tận óc của bọ xít. Nước đái của nó mà dính vào mắt thì ôi thôi rồi... Vậy mà lũ trẻ vẫn thi nhau bắt, rồi tìm vỏ lon bia, nước ngọt hay tuýp kem đánh răng đã dùng hết (thời đó đa phần bằng nhôm chứ không như bây giờ) cắt ra làm thân xe, 2 chân hương, 4 nắp penicillin làm bánh xe.

“Chiến xa” bọ xít ra đời với “động cơ” kiêm “tài xế” hẳn nhiên là chú bọ xít nâu nâu với mùi khai buốt tận óc được “định vị” bằng ít nhựa đường đen thui mà lũ trẻ con cậy lên lúc trời hè nắng như đổ lửa. Một thứ đồ chơi hoành tráng và hoàn toàn không tốn một xu, dù rằng đôi lúc trong thâm tâm vẫn thoáng qua rằng mình hơi ác. Nhưng con nít, ham chơi và mau quên nên ý nghĩ đó mau chóng trôi qua để rồi tất cả vỡ oà trong cuộc đua “chiến xa” bọ xít lao xao xóm nhỏ.

2 - Với thế hệ 8x đời đầu trở về trước, mùa hè là mùa chơi chứ chẳng mấy ai lỉnh kỉnh sách này vở nọ, lớp này khóa kia. Chơi xe bọ xít chán thì chuyển qua chơi ống thụt. Trời trưa, mấy đứa trẻ con đầu trần khen khét nắng có tiền thì đi mua, không có lẩn ra bụi hóp hàng xóm... cưa trộm. Cưa xong chia ra hai đoạn ngắn, dài. Đoạn ngắn làm tay cầm có gắn thêm chiếc đũa tre thó từ gian bếp của mẹ, đoạn dài làm nòng. Đạn thì hái trái muối, nụ đào, không có thì xé giấy nhai, vo lại thật chặt rồi chia phe “tả xung hữu đột” với tiếng bốc bốc vang vọng trong trưa vắng.

Huế mùa hè, mà vào buổi trưa thì ai cũng biết nó nóng kinh khủng tới mức nào. Vậy mà không hiểu sao, tụi trẻ cứ chơi trò gì hầu như cũng vào buổi trưa. Nghĩ cũng lạ và đến bây giờ vẫn chưa lý giải được.

Nói chuyện chơi buổi trưa, hết ống thụt thì chuyển sang chơi chấn, táng lon, chơi mo, căng cù, bắn bi... Chơi đến chiều mát lại kéo nhau đi câu. Xóm gần Đại Nội. Hồi ấy mấy hồ quanh Đại Nội toàn rau muống, cá nhiều vô kể.

Nhớ lần đi câu, ra đến nơi thấy mấy hồ cạn nước, chỉ còn lớp bùn lệt sệt. Nước cạn do khô hạn hay người ta tháo nước để đưa nước mới vào, lúc đó không nhớ rõ, chỉ nhớ lũ trẻ chúng tôi vứt cần câu trên bờ, phân công 2 thằng chạy về nhà lấy xô, rổ, đám còn lại ào xuống hồ, vừa bốc bùn ném nhau, vừa dùng cả tay lẫn chân sục sạo trong lớp bùn sền sệt để lôi lên những chú lóc, chú thia bằng cổ tay đang tìm cách lẩn trốn. Bắt xong mớ cá về chia nhau, đứa cũng được vài ba con, đủ để mẹ làm tô canh chua cùng nồi cá kho tiêu ớt rồi chống cằm nhìn thằng con sì sà sì sụp với đám mồ hôi còn ngai ngái mùi bùn.

***

Bây giờ mấy bụi hóp nhà hàng xóm đã được thay bằng hàng rào xi măng sơn trắng loá, khoảnh đất trồng mấy cây đào được thay bằng một quán karaoke nhạc xập xình. Chỉ là hàng muối cổ thụ gần xóm vẫn còn. Đến mùa, những chùm trái một thời vừa là đồ chơi, vừa là thứ chua chua mặn mặn để tụi trẻ nhấm nháp vẫn lúc lỉu trong gió. Hai cây nhãn ở quán cà phê Vông Vang ngày trước thời điểm này hoa đã rộ và bọ xít bu đầy. Có lần ngang qua không để ý, đến nhà 2 đứa con chạy ra đón, xong chúng nó giật lui, mũi nhăn nhăn nói áo ba hôi rình rồi con chị tiếp tục hướng mắt vào ipad, thằng em thì ti vi, còn mình, lúc đó cứ lần khần trước cửa với mùi bọ xít của những mái đầu khen khét nắng một thời...

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
Quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường

Người dân và khách du lịch khá thích thú khi từ ngày 25/8, UBND TP. Huế tổ chức thí điểm tuyến xe đạp vào sáng Chủ nhật hàng tuần từ khung giờ 6h30 - 7h30 tại 4 tuyến đường quanh Đại Nội Huế. Hoạt động này nhằm góp phần xây dựng hình ảnh Huế là đô thị xanh, thân thiện và an toàn, đồng thời quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường.

Quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường
Tắm sông

“Mùa hè mà nhảy bùm xuống sông, vẫy vùng, bơi lội thì còn chi bằng!” - Tôi nhận được câu trả lời của bạn sau khi chuyển cho bạn xem những bức ảnh chụp cảnh buổi sáng chúng tôi bơi trên sông Hương, đoạn phía dưới chùa Thiên Mụ.

Tắm sông
TP. Huế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, không để dịch bệnh bùng phát và hạn chế tối đa số ca mắc bệnh và tử vong, UBND TP. Huế chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024, đặc biệt là sốt xuất huyết và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

TP Huế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
Return to top