Hàng ngày, đi làm trên con đường quen thuộc, lâu lâu lại thấy xuất hiện thêm một ít rác. Khi thì túi ni lông, khi thì bã mía, khi thì vật liệu xây dựng. Lại thêm những chiếc am thờ cúng cũ bị hạ bệ, cũng được tấp bên đường. Chẳng mấy chốc, dọc tuyến đường, rác thải đủ loại đã dày lên, có nơi chất thành đống.
Từ nước ngoài, một người bạn Huế từng làm việc trong ngành du lịch tiết lộ, anh vừa có chuyến du lịch đi bộ 13 tiếng đồng hồ khắp thành phố Chicago của Mỹ. Sau chuyến đi ấy, anh bảo khi về Huế, sẽ tổ chức một walking tour (tour đi bộ), đưa khách tham quan Cố đô cùng hoạt động nhặt rác, góp phần làm sạch thành phố.
Gần đây nhất, lại một sự kiện liên quan đến rác khi một nhóm những người yêu Huế, trong đó có những người đi xa, tự nguyện trở về, cùng nhặt rác trên sông Hương.
Kết nối những hình ảnh, những thông tin ấy mới hay, vẫn là chuyện rác, một câu chuyện đã được nhắc đến, nói đến cách đây hàng chục năm.
Đúng là cách đây hơn chục năm, tại một diễn đàn du lịch, vấn nạn rác thải làm bẩn thành phố, những tuyến đường du lịch từng cộm lên. Khi ấy, các chuyên gia cũng đã viện dẫn các mô hình ở Nhật Bản, Singapore, hầu mong có những hiến kế để Huế sạch một cách triệt để, bền vững.
Gần hơn, cách đây khoảng 5 năm, trong buổi lãnh đạo tỉnh gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới, một nhà báo đặt vấn đề, vì sao nói mãi mà thành phố du lịch, văn hóa như Huế vẫn nhiều rác trên đường, dưới sông, nơi công cộng? Tại sao không một chủ tịch phường nào bị khiển trách, cách chức khi để địa bàn của mình tràn lan rác thải vứt không đúng chỗ?.
Lý giải chuyện rác vẫn được vứt vô tội vạ, nhiều người cho rằng, bắt đầu từ nhận thức thấp kém, vô trách nhiệm của người dân. Từ việc chế tài, xử phạt không nghiêm minh trong khi luật đã có. Từ việc thành phố chưa có chiến lược đầu tư hạ tầng căn cơ cho phân loại, thu gom, tái chế rác... Có người đặt câu hỏi, rồi những công dân yêu Huế ấy, họ có thể đủ kiên nhẫn để nhặt rác trên sông Hương được bao lâu, khi việc xả rác vô ý thức hàng ngày cứ diễn ra nhưng không ai bị nhắc nhở, xử phạt?.
Được biết, ở Nhật Bản, để làm sạch rác, trẻ con được học cách rửa từng vỏ hộp sửa sau khi uống và bỏ vào đúng chỗ quy định khi còn tuổi mẫu giáo. Ở đất nước sạch như Singapore, chỉ cần vứt một chiếc vỏ kẹo xuống đường, chủ nhân sẽ bị phạt ngay, với mức không nhẹ...
Và để chủ trương xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, đẹp, không rác sớm thành hiện thực, có lẽ một vài dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn đang được triển khai ở một vài đơn vị, một vài khách sạn, chung cư, trường học…với nguồn kinh phí chủ yếu từ các dự án tài trợ có thời hạn như hiện nay là chưa đủ.
Nhật Nguyên