ClockThứ Năm, 03/03/2022 09:04

Vật dụng ngày xưa

TTH - Ngày cuối tuần về làng chơi. Ngồi cà phê ở làng cùng với mấy đứa bạn học nhìn ra cánh đồng rau và lúa. Ngọn gió mát phóng khoáng và trong trẻo kéo chúng tôi về với những kỷ niệm xưa... Bạn hỏi tôi có nhớ cái kến không. Tất nhiên là tôi vẫn còn nhớ nông cụ này; bởi khi tôi lớn lên thì nông dân làng tôi còn trồng lúa cổ truyền địa phương; với những giống lúa có những cái tên gần gụi: de, nước mặn, ngang cổ, chiêm...

Kỷ vật tháng ba

Lúa cổ truyền cây cao ngang ngực người, là những giống lúa dài ngày, từ cấy đến gặt phải tầm 4 đến 5 tháng. Những giống lúa này chẹn lại ngắn và thưa, năng suất thấp; nhưng bù lại lúa cho hột mô ra hột nấy đều tăm tắp; gạo ngon, thơm và dẻo.

Giống lúa địa phương phải cắt bằng cái vằng và một vật dụng không thể thiếu là cái kến để chất lúa. Khi gặt lúa, nông dân quê tôi đưa luôn cái kến xuống dưới chân ruộng, gặt được bao nhiêu chất lên kến sau đó mới đi chuyển kến lúa lên bờ để bó. Cái kến bằng gỗ vật dụng xưa cũ đó chắc là chẳng thể tìm ra nữa khi mà giống lúa địa phương không được trồng nhiều và các phương tiện gặt lúa hiện đại đã thay thế...

Bạn lại hỏi biết cái sanh không thì tôi chịu. Bạn đã sưu tầm được một cái sanh. Có người tới nhà chơi tưởng cái mũ đồng lấy đội lên đầu cứ trật lên trật xuống.

Cái sanh bạn vừa chụp ảnh gửi cho tôi là một cái thau bằng đồng có hình dạng và kích thước cũng khá giống với một cái mũ. Cái sanh chỉ được dùng trong những ngày kỵ chạp; mà cũng chỉ được dùng ở mâm của mấy cụ cao tuổi. Khi mấy cụ dùng bữa gần xong, chủ nhà bưng cái sanh đựng nước sạch lên đặt ở đầu bàn để cho mấy cụ rửa tay và chao luôn bộ râu dài trước khi qua bàn bên uống nước chè. Cái sanh bằng đồng ngày xưa đúng là một vật dụng loại hiếm đang kể lại một câu chuyện về mâm kỵ và lễ lạt của làng quê xứ Huế một thời đã xa...

Nhà bạn lại sưu tầm khá nhiều những chiếc hũ bằng gốm đất nung vốn là những vật dụng để đựng các loại hột giống, nhưng bây chừ thành những chiếc bình cắm hoa hoặc trưng bày trong không gian nhà nhìn rất ấn tượng. Hồi trước nông thôn nhà mô cũng có vài cái hũ. Làng tôi trồng rau nhiều nên hũ là vật dụng không thể thiếu với công dụng là để trữ giống.

Cuối xuân đầu hạ, những vạt cải, ngò, tần ô, xà lách ra hoa rồi đơm hạt. Chờ cho hạt đã già, người nông dân cắt ngang thân và đem phơi cho khô đi, hạt rụng ra. Sau đó cũng sàn, dần để lấy ra những hạt giống chắc nhất. Hạt giống rau cho vào hũ, cùng với mấy lá tràn khô để chống mọt. Mỗi hũ như vậy đựng một loại hạt giống. Chừng vài tháng sau, khi mưa xuống nhiều, mùa trồng rau bắt đầu. Từ những chiếc hũ qua bàn tay người lại mọc xanh những vườn rau.

Giêng hai khi mùa rau đi vào chính vụ, đất xanh màu lá chen lẫn với màu vàng, màu trắng của hoa cải, tần ô. Những luống rau trổ hoa là những luống rau để hạt cho mùa sau. Hoa cải bẹ vàng tươi, hoa tần ô vàng nhạt điểm trắng... Bây giờ hạt giống rau được trữ trong những chai thủy tinh,  những chiếc hũ đang hiếm dần, thành của quý. Lại nghĩ, nếu cắm hoa cải hay hoa tần ô vào những chiếc hũ thì dễ thương lắm.

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội

Đông đảo các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, các bạn trẻ trên địa bàn TP. Huế đã đến xem các bộ phim điện ảnh, tài liệu xoay quanh đề tài quân đội và người lính trong đợt phim Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội
Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm Bộ đội Biên phòng

Ngày 12/12, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024). Đến dự có Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; các ông: Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm Bộ đội Biên phòng
Return to top