ClockThứ Bảy, 08/01/2022 13:50

Về nhà

Lắng ngheMùi đấtTrở về và đoàn viên

“Mình đã được về nhà”. Bạn reo lên, với tất cả sự mừng rỡ khi vừa đặt chân về nhà, sau hành trình trở về từ tâm dịch. 

Xa quê khi còn là một thanh niên trẻ, chàng trai với đôi tay cày ruộng, cuốc nương ấy đã đi qua những chặng đường gian nan ở các tiệm cắt kính, hàn nhôm rồi trở thành ông chủ thầu khoán, với khát vọng đổi đời. Vẫn bàn tay chai sần ấy giờ có thể cầm vô-lăng trên chiếc ô tô tiền tỷ, là chủ những lô đất có giá ở Sài Gòn, giờ được về nhà, lại như trẻ thơ.

Như thuở bé, theo cha chèo thuyền ra sông thả mẻ lưới trong tiết trời lạnh buốt. Ra đồng cùng mẹ dặm lại thửa lúa lổ đổ sau đợt mưa lạnh. Quây quần bên bếp lửa ấm có lũ mèo nằm quanh... Vốn ít nói, kiệm lời, cũng không mấy khi lộ diện trên facebook, vậy mà về nhà, bạn lại “khoe” thật nhiều. Như thể chỉ khi được về quê,  khi được về nhà, mới chính là mình...

Tôi lại nhớ về cha. Ông cũng đã rời quê đi kháng chiến từ lúc là cậu bé 15. Đôi chân trần của chàng trai quê ấy đã vượt Trường Sơn, trường kỳ gian khổ qua bom đạn, với trái tim cháy bỏng khát khao hòa bình, để cuối cùng, là mong mỏi được về nhà.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 4 năm 1976, ông là một trong những người đầu tiên của làng đi xa đã về. Làm lại, dựng lại ngôi nhà mới trên nền đất quê hương “chôn nhau cắt rốn” hoang tàn sau chiến tranh. Những ngày gian khó gầy dựng ấy, có khi, mẹ đã giấu đi nước mắt nhọc nhằn trên những thửa đất hoang bạc màu, để thấy cha hạnh phúc với ước mơ về nhà mà ông ấp ủ, ngóng đợi cả thanh xuân đã thành hiện thực. Bởi có những người lính ra đi từ đồng lúa, bụi tre của làng, đã mãi mãi không còn được về nhà...

Tôi lại nhớ đến hình ảnh dòng người nối đuôi nhau về nhà từ các tâm dịch. Trên những chiếc xe máy đơn sơ, có người mang theo con dại. Có người chở theo mấy con chó cưng. Có người chỉ đơn sơ chiếc túi xách nhỏ sau cả đời bươn chải nơi đất khách... Họ đã không ngại đường xa, không ngại nắng mưa, hòa vào hành trình về nhà. Có lẽ không hẳn bởi quá sợ dịch, quá sợ không có cái ăn, quá sợ không có việc làm. “Sự tháo chạy” khỏi thành phố của dòng người ấy, còn là sự thôi thúc của hai chữ “về nhà”. Ở đó có mẹ. Ở đó có hàng chè tàu. Ở đó có gốc đa, bến nước. Có ký ức và nguồn cội...

Những ngày năm cũ sắp khép lại, thấy lòng vừa vui, vừa bùi ngùi khi cô bạn đồng nghiệp báo tin, tác phẩm “Hết dịch ba sẽ về” của em vừa đoạt giải tại một giải thưởng báo chí trong tỉnh. 

Lại một cảm thức khác của về nhà. Của những người lính đã bao tháng nay tham gia tuyến đầu chống dịch, chưa được về nhà. Dù về, có khi chỉ để được cảm nhận đôi tay bé nhỏ của con quàng qua vòng cổ, để hít hà mùi thơm từ mái tóc trẻ thơ của con.

Khi đối diện thời khắc nghiệt ngã nhất của cuộc đời, có lẽ, người ta chợt nhận ra, hạnh phúc của đời người là còn một nơi chốn để về. Có một nơi chốn đang ngóng đợi. Đó là nhà...

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top