ClockChủ Nhật, 04/07/2021 11:37

Xanh mướt các loại cây trong nhà

TTH - Trong khi nhiều người yêu chuộng hoa với đủ sắc màu sặc sỡ thì với giới chuộng indoor plants (tạm dịch là trồng cây trong nhà), niềm vui lớn nhất là được chứng kiến những cây kiểng lá lớn lên mỗi ngày.

Mẩn mê goldfishKhi vẹt thành thú cưng

 Anh Hồ Bảo Long chăm sóc những cây trầu bà Nam Mỹ non

Đam mê

Trên mạng xã hội facebook, chỉ cần gõ dòng chữ indoor plants, vô số hội, nhóm với hàng nghìn thành viên sẽ dễ dàng hiện ra. Đơn cử như nhóm Indoor plants lovers với 196 nghìn thành viên; hay ngay tại Việt Nam, nhóm Cây trong nhà – Indoor plants có sự góp mặt của gần 70 nghìn thành viên tham gia.

Có chung niềm đam mê với hàng nghìn người ấy, mỗi ngày, Dương Đức Vinh, chàng trai xứ Huế đều “lướt” điện thoại đến các hội, nhóm indoor plants. Không dừng ở nhóm, hội Việt Nam, với khả năng ngoại ngữ tốt, Đức Vinh giao lưu, trao đổi niềm đam mê trồng cây trong nhà với cả những người bạn ngoại quốc. Anh nói: “Mình từng làm hướng dẫn viên du lịch, do dịch bệnh nên indoor plants đến với mình như một lẽ tự nhiên. Không chỉ được chiêm ngưỡng những cây kiểng đẹp với đa dạng kiểu cách, việc tham gia những hội, nhóm còn giúp mình học hỏi cách chữa bệnh, chăm sóc khi những cây kiểng ấy gặp vấn đề”.

Tỉ mẩn, cẩn thận với từng chiếc lá alocasia dragon scale

Đều đặn mỗi ngày, chàng trai 9X rời nhà tại phường Phước Vĩnh (TP. Huế) để đến đường Trần Cao Vân. Tại đây, niềm đam mê của Dương Đức Vinh có dịp được thể hiện khi người bạn chung sở thích Hồ Bảo Long gợi ý gây dựng khu vườn nhỏ trồng và ươm giống những cây kiểng trong nhà.

“Không phải đam mê kiểng lá là chỉ đam mê chơi lá không thôi, đó còn là niềm vui khi không gian sống ngày càng đẹp và xanh lên. Mỗi ngày những người có chung đam mê như mình có thể chăm sóc từng cây, ngắm nghía những chiếc lá mới vươn mình, đó là giải pháp hữu hiệu giúp giảm bớt những áp lực trong cuộc sống”, anh Long nói.

Với niềm đam mê ấy, Hồ Bảo Long cùng với Dương Đức Vinh đã mở một khu vườn nho nhỏ để bày bán các loại cây kiểng trong nhà. “Mình mới mở vườn tầm 3 tháng nay và vẫn đang tiếp tục phát triển các giống cây. Mong muốn của mình là chia sẻ đam mê indoor plants để nhiều người biết đến và trải nghiệm thú vui này. Khi tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, một chút màu xanh sẽ mang đến niềm vui và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn”, anh nói.

Đa dạng hình thức

Xuất phát từ nhu cầu trồng cây bên trong ngôi nhà để tạo ra không gian mát mẻ và trong lành hơn, indoor plants đồng nghĩa với việc dịch chuyển những loại cây vốn chỉ sống trong môi trường tự nhiên vào ban công, phòng khách, phòng ngủ đến nhà bếp… Đa dạng và phong phú chủng loại, cây trong nhà thường được phân chia thành cây thân thảo và cây thân gỗ với những đặc tính hoàn toàn khác biệt. Anh Hồ Bảo Long phân tích: “Cây kim ngân, bàng Singapore, ngũ gia bì, cây cọ Nhật Bản… là những cây thân gỗ thường gặp nhất. Cây thân thảo thì vô cùng đa dạng như trầu bà, kim tiền, lan lưỡi hổ, bạch mã hoàng tử”.

Học hỏi kinh nghiệm chăm cây trên các trang indoor plants nước ngoài

Ngoài ra, với những người chơi lâu năm, các dòng indoor plants còn được phân loại dựa trên sự xuất hiện và “lên ngôi” của những loại cây mới nổi. “Ở Huế, hiện tại cây trầu bà Nam Mỹ, cây alocasia dragon, alocasia frydek, cây môn Quan Âm đang là loại “hot” bởi vẻ đẹp rất riêng và sắc màu độc đáo. Chúng đều có nguồn gốc nhiệt đới, thường sống dưới những tán rừng rậm với độ ẩm cao và môi trường thiếu sáng”, anh phân tích. Bởi thế, khác với đa phần cây thân gỗ (không thể sống thiếu sáng, thường phải đặt cạnh cửa sổ hoặc ban công), các loại cây này đều có thể sống ở môi trường ánh sáng yếu, ánh sáng huỳnh quang và thường có tác dụng lọc không khí.

Tỉ mẩn lau từng mảng bụi bám trên lá trầu bà Nam Mỹ, anh Dương Đức Vinh kể: “Nhìn nhỏ nhắn vậy thôi chứ khi phát triển với kích thước tối đa, loại cây này có thể cao đến hàng chục mét. Với vẻ đẹp lá xẻ, đục lỗ và sức sống mãnh liệt cũng như giá trị tinh thần, nếu để ý, mọi người có thể thấy lá trầu bà Nam Mỹ đã trở thành họa tiết của rất nhiều sản phẩm như chăn, nệm, gối, vải, rèm cửa…”.

Thông thường, trầu bà Nam Mỹ có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy mức độ phát triển và vẻ đẹp của lá. Nhưng với dạng đột biến, giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng tùy độ “độc”, lạ. Mới đây, một cây trầu bà Nam Mỹ đột biến trên sàn đấu giá Trade Me của New Zealand đã được chốt với mức giá trên 400 triệu đồng. “Tất nhiên bên cạnh giá trị sưu tầm, trầu bà có rất nhiều tác dụng như tạo ra không gian xanh, mát mẻ, hấp thụ các loại khí độc. Nếu ví von, trầu bà và các loại indoor plants đều là những cỗ máy lọc không khí mini”, Đức Vinh phân tích.

Với giới đam mê indoor plants, mỗi người tùy theo cảm nhận và cách nhìn đều chọn lựa cho mình những dòng cây yêu thích. Đó có thể đơn giản là làm đẹp không gian, kiến trúc ngôi nhà, được hít thở không khí ngập tràn cây xanh hay sâu sắc hơn là thể hiện cá tính. Hay như Dương Đức Vinh bày tỏ, niềm vui indoor plants còn là niềm vui của sự hy vọng, khi màu xanh của từng cánh lá lan tỏa trong không gian sống gần gũi và thân thuộc nhất với mỗi người.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống
Return to top