ClockChủ Nhật, 27/06/2021 11:33

Mẩn mê goldfish

TTH - Không có tư thế bơi đĩnh đạc, oai vệ của cá rồng, cũng chẳng nhanh nhảu, chộn rộn như cá bảy màu, trong thế giới các loài cá kiểng đa dạng, goldfish (cá vàng) là dòng cá được yêu chuộng bởi vẻ đẹp độc đáo và sự cuốn hút.

Cà phê cá koi - trẻ con, người lớn đều thích

Ranchu buffalo với dáng hình đặc trưng

Nhiều sự lựa chọn 

Thú chơi goldfish bắt đầu nở rộ ở Huế từ năm 2020. Anh Việt Cường, một trong những người đầu tiên tập tành nuôi goldfish tại Huế, cho biết: “Gold fish là một trong những loài cá phổ biến nhất trong giới chơi cá cảnh. Thông qua quá trình lai tạo chọn lọc, nhiều dòng cá vàng lạ mắt với cơ thể, màu sắc và kiểu vây khác nhau đã mang đến nhiều chọn lựa cho người mê cá. Cá vàng có nhiều dòng, như comet, fantail, oranda, butterfly tail, pearlscale, lionhead, ranchu…”

Trong những dòng cá vàng đó, các tay chơi ở Huế thường mê đắm dòng ranchu và oranda. Đây là hai dòng goldfish được yêu chuộng bởi phần bứu đặc trưng trên đầu cá cùng dáng bơi đáng yêu có một không hai. Hơn nữa, khi được chăm sóc đúng cách, cá vàng có tuổi thọ “bền”, có con đến hơn 20 năm.

Đam mê của Nguyễn Chí Bảo Doanh

Nguyễn Chí Bảo Doanh, chàng trai làm trong ngành marketing nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với cá vàng chia sẻ: “Từ năm 2017, trong một lần dạo mua mình tình cờ bắt gặp ranchu. Bị thu hút bởi sự mũm mĩm, đáng yêu, mình “tậu” ngay 4 chú ranchu về nuôi”. Sau này, kinh qua nhiều dòng cá vàng, từ ranchu đến oranda, hồ điệp đến ryukin… nhưng ranchu vẫn là dòng cá mà chàng trai 9X yêu chuộng nhất. “Lúc nào cũng phải có tối thiểu 1 cặp ranchu trong bể. Và đa số người chơi cá vàng cũng có tâm lý giống mình, vì ngoại hình của ranchu có nét riêng rất đặc biệt: Không có vây lưng, thân hình tròn căng như quả trứng, đuôi ngắn, dáng bơi lắc lắc chậm rãi… vô cùng đáng yêu”, chàng trai 9X phân tích.

Các dòng ranchu phổ biến hiện đang có trên thị trường gồm lan thọ, ranchu truyền thống, lionchu, buffalo, hybrid, topview. Ngoài 6 dòng cơ bản trên, một số loại ranchu được giới mê cá gọi tên và phân loại theo màu sắc như ranchu sakura (hoa anh đào, vảy có một số ánh kim), ranchu kirin (nền đen, nâu, có nhiều mảng màu ánh kim), ranchu tiger (màu đỏ, đen hoặc vàng, đen giống hổ), ranchu bò sữa (màu trắng, đen giống bò sữa)…

Bởi sự đa dạng, vẻ đẹp và những tiêu chuẩn khắt khe, dòng cá này được mệnh danh là “vua” của cá vàng. Anh Việt Cường phân tích: “Một chú cá ranchu đẹp hội tụ rất nhiều yếu tố, từ hình dáng đến tất cả bộ phận. Một chú ranchu có thể từ đẹp đến cực đẹp nằm ở sự tinh tế trong dáng hình, góc đuôi, dáng đuôi, sự sắp xếp màu sắc và cả cách… bơi”.

Dáng bơi và tư thế cũng là tiêu chí để thẩm định goldfish

Giới sành cá tại Huế không chỉ “soi” rất kỹ hình dáng, sắc màu. “Ranchu mũm mĩm, chúng mình hay nói vui là loài cá béo ú. Nhưng thật sự cách bơi của chúng phải là sự kết hợp của duyên dáng và khoan thai nhưng không ù lì. Làm sao phô diễn hết tất cả đường nét dù theo cách nhìn từ trên xuống, hay nhìn từ bên cạnh sang (đây là 2 góc nhìn thường được giới chơi cá chọn lựa, phụ thuộc vào cá được nuôi trong ao hay bể kính)”, Bảo Doanh cho biết.

Bởi nhiều tiêu chuẩn khắt khe, những con cá ranchu đẹp thường có số lượng rất hiếm. Giá trị của cá ranchu có thể lên đến tiền triệu. Với những chú cá ranchu lỗi, người chơi thường cho, tặng hoặc bán với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Tại Huế, hiện có 2 trang fanpage hoạt động nhộn nhịp để người chơi cá vàng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi. Đó là Hội cá vàng Huế và Huế GoldFish Club (HGC), mỗi trang đều thu hút hơn 1,5 nghìn thành viên tham gia.

“Bác sĩ” của cá

Có cung có cầu và hơn hết là niềm đam mê mãnh liệt, một số người chơi ranchu và oranda tại Huế đã trở thành… “bác sĩ” của cá, phụ trách những phần việc vô cùng tỉ mỉ và kỳ công. Là tay chơi cá kỳ cựu, anh Việt Cường là một trong những “bác sĩ” của dòng ranchu và oranda tại Huế (phần việc mà theo anh, càng đam mê thì sẽ càng dấn thân theo công thức chơi cá - chơi nước - đẻ bể).

“Mình phải lấy trứng, lấy tinh, trộn và ấp trứng cá. Đây là công việc mà có lẽ khi mới bắt đầu tập tành chơi, chưa bao giờ mình nghĩ đến việc tự tay thực hiện”, anh nói. Theo dõi chặt chẽ cá mang bầu, canh trứng, quan sát trứng nở, cho cá con ăn, những phần việc vô cùng tỉ mỉ lúc vào mùa thường ngốn hết thời gian của anh. Tuy nhiên, không phải chất lượng mỗi mẻ ấp nở đều khả quan. Trải qua nhiều va vấp, anh Cường đúc kết: “Cá giống Trung Quốc thường khi ấp nở chỉ có 0,5% là không tật lỗi. Với cá giống Thái Lan, tỷ lệ cá không tật lỗi cao hơn. Bởi thế, việc chọn cá có nguồn gen tốt rất quan trọng để mỗi đợt ấp nở thành công”.

Cứ trung bình mỗi 1.000 con, anh Cường chỉ giữ lại 3 - 4 con cá tinh túy nhất. Vì rằng đối với người đam mê goldfish, tâm lý không nằm ở hồ có bao nhiêu cá mà nằm ở chất lượng cá. Bởi thế, không ít các thành viên thường liên hệ với nhau để đến thăm và ngắm những chú cá lộng lẫy, hoặc chia sẻ kinh nghiệm chọn, chăm sóc cá trong những buổi offline. Với họ, không chỉ là đam mê, thú chơi cá vàng còn là bộ môn thư giãn tinh thần, xả stress như câu nói “nuôi cá dưỡng tâm”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Return to top