ClockThứ Sáu, 04/02/2011 11:53

Xanh phong lưu

TTH - Cái giản dị xanh bên mái hiên, nơi hàng rào, trong khu vườn, trên đường phố... mới chính là phần cội rễ về một nơi chốn và ký ức sống, cũng là điều mà không phải ai cũng nhận ra rằng, mình quả thật là đang giàu có khi sống trong một không gian phong lưu xanh.

1. Không phải là sân gôn Sea Link với những con đường vòng, những quãng xanh ngời trấp trũng và những du khách đang hào hứng với thú chơi giàu có. Không phải là những căn phòng trong khách sạn tầng cao, với những good view tuyệt đẹp nhìn ra biển trong ngày sóng yên, không phải là những căn biệt thự sang trọng dành cho những người dư dả, cũng không phải là đồi cát với những đường cong mà nhìn vào là có cảm giác như mất hút... mà chính là cái thảm xanh ở khu resort See Horse bên bờ biển Bình Thuận hôm ấy đã thực sự cuốn theo cái nhìn của mọi người.

Không phải là cỏ, mà là vô số những mắt rau má mỡ tạo mảng xanh lung liêng dưới nắng. Trong nắng và trong gió, cảm giác xanh đuổi nhau như trong trò cút bắt, trong sáng và thơ trẻ chạy mãi rồi vỡ òa bên sóng. Con đường gạch thô mộc bỗng trở nên dịu dàng và ngoan hiền khi nép mình bên mảng xanh. Và những dấu chân trần, những chiếc khăn hờ hững trên vai những thiếu nữ tóc nâu, tóc đen, tóc vàng đã làm dịu cái nắng ban trưa ở Sea Horse... 
Tôi gọi đấy là một kiểu giản dị xanh. Giản dị một cách đẳng cấp. Khi lựa chọn cho mình một gam nền chủ đạo cho khu ngoại thất bên biển, người ta hẳn đã tìm hiểu rất nhiều trong việc tìm cho mình một cách biểu hiện riêng biệt, một dấu ấn mang màu xanh của loài cỏ nhiệt đới. Không thể ngờ rằng, loài rau má mỡ, mọc hoang dại dọc các triền đê, chân đồi, bờ ruộng lại cho một vẻ đẹp long lanh đến thế khi nó hiện diện một cách dân dã mà sang trọng ở See Horse...
2. Tôi vẫn thích cách che chắn bởi màu xanh bên chân hàng rào trong các khu nhà phố thị. Trong chiều hướng quay về với thiên nhiên, với đồng nội, nơi các khu phố mới, có thể nhận ra dáng xanh của bóng khế, cái xanh và vàng của hoàng anh, của chè tàu, của chuỗi ngọc và cả của hoa bông bụt bên các hiên nhà, của những dây thằn lằn bò xanh cả những mảng tường lớn hay chợt nhiên dịu dàng của dây ti gôn xanh hoa đỏ trên giàn hoa nhà ai... Cái màu xanh gọi người rời đi quay trở về hàng ngày, lại vừa như nói lời mời chân tình và hồn hậu thay cho chủ nhân.
Ngày thảnh thơi nào đó, nếu đạp xe về phía ngoại ô, cái xanh dễ chịu sẽ giống như những hợp âm trong bản hòa tấu dịu dàng. Nó làm ta tràn trề thư giãn và có thêm nhiều năng lượng sống. Tôi thích cách người Thủy Xuân thả hoa chuối cho nó mọc lan ra ngay từ ngõ. Thấy lòng mình chộn rộn khi nhìn những bụi dú dẻ mỏng manh và trắng khiêm nhường bên bờ rào thấp. Thích những dây tơ hồng buông mình hờ hững. Nhớ những hàng rào bằng bông trang trắng, trang hồng, trang đỏ ở Nam Đông, Quảng Thành, hay những bờ tre xanh ngắt mạn về Hương Phong... Nhiều nhất vẫn là những hàng chè tàu xanh mướt hầu như có thể gặp ở bất cứ nơi nào của Huế. Cái vạch xanh, thẳng, được xén tỉa một cách chăm chút và rất Huế ấy đã làm chùng lòng khi gặp gỡ trong một ban trưa Phú Xuân giữa ngời ngợi nắng, gió cao nguyên mãi tận Ban Mê Thuột xa xôi...
Cái màu xanh không thể lẫn vào bất cứ chốn nào của Huế.
3.Khi phân tích điều này, GS-TS, KTS Hoàng Đạo Kính đã gọi tên nó là những hệ mạch riêng trong sự tiếp nhận của con người và cuộc đời. Và dù gọi, hay định danh như thế nào đi chăng nữa, điều mà ông thường trao đổi với chúng tôi vẫn luôn là không gian xanh và làm thế nào lưu giữ được không gian xanh của Huế, như một không gian văn hóa vừa vật thể lại vừa phi vật thể - cái làm nên sự riêng biệt và độc đáo của bản sắc văn hóa Huế.
Chính xác thì ông đã nói, trong một cuộc trò chuyện rằng, với Huế, đấy chính là xanh phong lưu.
Chợt nghiệm ra, cái xanh giản dị bên biển Bình Thuận không chỉ là sự lựa chọn mà còn là sự tính toán nghiêm túc khi nhà đầu tư muốn tạo dấu ấn, tạo ký ức cho những người đã chọn Sea Horse để lưu trú trong chuyến du lịch đến Việt Nam. Ở đó, cái bình dị, mộc mạc, thân quen hàng ngày đã được nâng cấp và chuyển hóa vào một không gian sống vương giả.
Còn cái giản dị xanh bên mái hiên, nơi hàng rào, trong khu vườn, trên đường phố... mới chính là phần cội rễ về một nơi chốn và ký ức sống, cũng là điều mà không phải ai cũng nhận ra rằng, mình quả thật là đang giàu có khi sống trong một không gian phong lưu xanh.
Nguyễn Sông Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khúc serenata sông Hương

Chiều chiều, tôi hay thơ thẩn ra sông. Qua hai ngã tư đến công viên Tứ Tượng đã thấy nắng đan qua những vài những nhịp Trường Tiền.

Khúc serenata sông Hương
“Bén rễ” trên vùng đất mới

Những người Lào sau nhập quốc tịch đã yên tâm “an cư lạc nghiệp” ở vùng cao A Lưới. Họ được quan tâm, chăm lo đời sống và hưởng các chính sách bình đẳng như người dân bản địa.

“Bén rễ” trên vùng đất mới
Họ không nghỉ lễ

Vì tiến độ các công trình, vì mưu sinh, nhiều lao động trong các ngành xây dựng, dịch vụ... chọn làm xuyên lễ để có thêm thu nhập.

Họ không nghỉ lễ
“Kỳ tích” Ma Nê

Tháng Tư về với người dân thôn Ma Nê - một địa danh được nhiều người biết đến ở xã Phong Chương (Phong Điền), hai bên tuyến đường là màu xanh ngát của những cánh ruộng lúa “thẳng cánh cò bay”, báo hiệu một mùa vụ nữa bội thu.

“Kỳ tích” Ma Nê
Return to top