Thể thao

Đôi vợ chồng trẻ đam mê võ cổ truyền

ClockThứ Bảy, 27/09/2014 08:59
TTH - Đam mê với môn võ cổ truyền của dân tộc, vợ chồng Chuẩn võ sư Trần Đình Chí trải qua rất nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả, anh đang dần tạo dựng một võ đường ở quê hương.

Võ cổ truyền dân tộc phái Kinh Vạn An của đôi vợ chồng trẻ Chuẩn võ sư Trần Đình Chí (28 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Hiền (24 tuổi) nằm giữa đường chính của xã Vinh Hưng (Phú Lộc) cũng chính là tổ ấm của hai vợ chồng.

Hai vợ chồng Chí - Hiền luyện tập cùng nhau

Vợ chồng Chí cùng chung một sư phụ, đều là đệ tử đời thứ 6 của cụ Trương Ngọc Giai - nguyên Đội trưởng Đội Cấm vệ triều đình nhà Nguyễn, dưới thời vua Tự Đức và là người sáng lập ra phái võ cổ truyền Kinh Vạn An. Sư phụ là võ sư Trương Văn Kim, đang là trưởng môn phái Kinh Vạn An ở Huế.

Cơ duyên nghiệp võ

Võ thuật cổ truyền dân tộc đến với Chí cũng thật tình cờ. Mười năm trước, một lần đi ngang qua lớp võ của thầy Trương Văn Kim, nhìn thấy các đệ tử của thầy đi những thế quyền mềm mại, công phu đẹp mắt, vốn từng học võ trước đó, anh như bị hớp hồn. Anh tìm đến gặp thầy Kim xin thầy cho được nhập môn, và chính thức làm đệ tử của thầy cho đến hôm nay.

Biểu diễn cho người nước ngoài xem

Cũng không kém cạnh chồng, Thu Hiền là con nuôi của thầy Kim, nên bắt đầu đam mê nghiệp võ cổ truyền từ năm lớp 3. Xét về thời gian học võ cổ truyền, Hiền có phần hơn. Còn Chí vì có thời gian học võ Karatedo, nên các đường quyền của anh vừa có sự uyển chuyển của võ cổ truyền, vừa đầy sự cứng cáp, mạnh mẽ của Karatedo.

“Tụi em học chung một võ đường, cùng chung một sư phụ, có chung một niềm đam mê luyện võ, công phu võ học cũng khá ngang tầm nên thường xuyên được thầy cho luyện tập chung với nhau. Từ đó, tình yêu cũng bắt đầu nảy nở và yêu nhau lúc nào không biết”, Chí tâm sự.

Cùng gặt hái thành công

Cùng chung một lò võ, có chung một sư phụ, nhưng để bổ trợ cho nhau, hai vợ chồng chọn hai hướng khác nhau. Hiền theo hướng vận động viên chuyên nghiệp. Dù là vận động viên mới nhưng Hiền đã đạt được nhiều thành tích đáng nể, như giải nhất binh khí cấp tỉnh, giải nhì binh khí toàn quốc năm 2011. Hiền đang là vận động viên biên chế võ thuật của tỉnh.

Chí lại chọn hướng phát huy võ học cổ truyền dân tộc. Năm 2013, anh trở về quê hương, cơi nới căn nhà của bố mẹ, mở một võ đường phái Kinh Vạn An cho riêng mình. Trải qua những khó khăn, vất vả những ngày đầu tiên mở võ đường, đến nay võ đường của anh đã có khoảng 70 võ sinh.

Ngoài công việc chính là một võ sư và một vận động viên, hai vợ chồng cùng thầy Kim thường xuyên đi biểu diễn trong các kỳ đại hội thể dục thể thao xã, huyện, giao lưu võ học cổ truyền của các nước trong khu vực, rồi biểu diễn cho người nước ngoài xem… Đáng nhớ nhất với hai vợ chồng là được biểu diễn trong dịp lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, giữa hàng vạn khán giả cả nước.

Vừa qua, anh Chí được Tổng hội Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng chứng nhận HLV quốc tế. Với tấm bằng, này anh có thể đi các nước trên thế giới mở võ đường hoặc làm trọng tài các giải đấu trên thế giới.

Hiện, hai vợ chồng đã có một cậu con trai 5 tháng tuổi, và định hướng của anh chị trong tương lai cũng muốn cho con mình đi theo nghiệp võ, phát huy võ cổ truyền dân tộc ngày càng lớn mạnh hơn.

Tiến Vinh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III sẽ diễn ra sáng 23/3

Tin từ UBND TP. Huế, giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III - năm 2024 sẽ diễn ra vào sáng 23/3 hướng đến chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2024) và kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.

Giải đua ghe truyền thống TP Huế lần thứ III sẽ diễn ra sáng 23 3
Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Return to top