ClockThứ Sáu, 05/09/2014 11:14

Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế: Chậm để chắc

TTH - Thay đổi trưởng phó đoàn tư vấn 3 lần, mỗi lần thay đổi là mỗi lần lựa chọn người phù hợp hơn. Quá trình này mất khá nhiều thời gian, do đó, dự án khởi động chậm hơn dự kiến khoảng 1 năm. Tuy nhiên, theo Giám đốc Ban quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP Huế Trần Quốc Khánh, chậm nhưng để đạt mục đích tốt hơn thì đó là điều cần thiết.

Đã khởi công hai gói thầu

Gói thầu đầu tiên là thực hiện đầu tư hệ thống thoát nước tại đường Đống Đa. Với gói thầu này, cùng với dự án nâng cấp, mở rộng đường Đống Đa đã thi công hoàn thành đầu 2014, với 3 tuyến ống thoát nước, đường kính phi 800. Theo đánh giá, hệ thống thoát nước tại đây được đầu tư bài bản, đúng tiêu chuẩn và đảm bảo không chỉ việc thoát nước cho toàn bộ tuyến đường mà còn tiết giảm chi phí.

Thi công thoát nước tại đường Điện Biên Phủ

Gói thầu hiện đang triển khai thi công là cống thoát nước đường Điện Biên Phủ, với chiều dài đường ống khoảng hơn 3km. Tuy còn một số vướng mắc, song theo đơn vị thi công là Công ty CP Kinh doanh nhà Thừa Thiên Huế, nếu được giải quyết sớm, thì vấn đề hoàn tất không quá khó. Và điều chắc chắn là sau khi đưa vào sử dụng, sẽ đảm bảo việc thoát nước mùa mưa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng cục bộ, nhờ hệ thống đường ống có đường kính khá lớn từ phi 800 đến 2.000. Tổng kinh phí để thực hiện gồm cả 2 tuyến đường Đống Đa và Điện Biên Phủ là hơn 90 tỷ đồng.

Sắp tới, gói thầu chính của dự án là xây dựng 7 trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải tại phường An Đông, với công suất 30.000m3 ngày đêm sẽ được triển khai. Ban quản lý dự án đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để mời thầu, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị thi công. Dự kiến đầu năm 2015 sẽ khởi công xây dựng.

Với các gói thầu khác, gồm nạo vét bờ kè sông hói, thi công gần 50km đường ống, hiện ban quản lý dự án đang triển khai thi công 2 trong 4 tuyến nạo vét bờ kè, sông hói chính, là hói Mộc Hàn và hói số 7, đi qua trước mặt Trung tâm Hành chính TP Huế. Tuyến cống này có vai trò trọng yếu trong việc thoát nước mưa, nước thải cho toàn bộ khu vực phía Nam TP Huế. Dự kiến công trình sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9 này. Lúc đó cơ bản sẽ giải quyết được gần 100% lượng nước thải, nước mưa trong khu vực. Với các tuyến đường trọng yếu sẽ triển khai thi công sau khi hoàn tất các thủ tục đấu thầu. Có điều chắc chắn, việc đào đường ống để thay mới, nâng cấp, sửa chữa sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là việc đi lại. Do đó, Ban quản lý dự án sẽ tìm mọi cách để giảm thiểu những ảnh hưởng này. Tuy nhiên, để đạt mục đích chấm dứt gần như hoàn toàn vấn đề ngập úng trong mùa mưa cho khu vực phía Nam, dự án buộc phải triển khai. 

Chậm nhưng chắc

Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào năm 2012, tuy nhiên như đã nêu, do phải thay đổi trưởng, phó đoàn tư vấn thiết kế đến 3 lần nên dự án khởi công muộn hơn 1 năm. Song, xét về thời gian từ lúc lập đến khi hoàn thành dự án là 10 năm (2008-2018) thì khả năng đạt tiến độ không phải là không có. Bởi lý do chậm tiến độ của hầu hết các dự án là do thiếu vốn, song với dự án này, nguồn vốn vay ưu đãi ODA Nhật Bản 24 tỷ Yên, tương đương khoảng 3.170 tỷ đồng đã được chấp thuận. Do đó, kinh phí không phải là vấn đề.

Ông Trần Quốc Khánh cho biết thêm, rút kinh nghiệm từ việc thi công hệ thống thoát nước nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng ngập úng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, buộc Ban quản lý dự án phải thận trọng hơn. “Các chuyên gia tư vấn thiết kế nước ngoài thường tính toán trên mô hình, con số. Xét về mô hình thì rất chuẩn, nhưng khi áp dụng vào thực tế sẽ có một số vấn đề phát sinh.

“Mình đi sau thì phải khắc phục được những hạn chế ở các dự án trước. Nếu chậm mà để thực hiện dự án hiệu quả hơn thì cũng nên. Thuận lợi là chúng tôi công tác ở Công ty TNHH NNMTV Môi trường và Công trình đô thị Huế, có nhiều năm nghiên cứu, làm việc và nắm rất rõ thực trạng thoát nước của đô thị Huế. Do đó, khi tư vấn đưa ra phương án chưa phù hợp, chúng tôi phải phản biện, điều chỉnh sao cho vừa tiết giảm chi phí, vừa đảm bảo giải quyết được tình trạng ngập úng như một số khu vực ở đường Điện Biên Phủ. Trên lý thuyết, với vùng cao và độ dốc lớn như vậy, chắc chắn sẽ không có ngập úng do mưa. Song thực tế cho thấy, khu vực này cũng đã xảy ra ngập úng cục bộ, do đó, khi đầu tư hệ thống thoát nước tại đây, chúng tôi phải tính toán làm sao để việc thoát nước mưa được xử lý triệt để nhất”, ông Trần Quốc Khánh giải thích.

Vì lẽ đó, Ban quản lý dự án chấp nhận lùi thời gian khởi công để giải quyết tất cả những tồn tại đang có, để khi bắt tay vào triển khai sẽ đem lại hiệu quả như mong đợi. Hơn 1.000ha diện tích trong vùng dự án, tức là toàn bộ vùng lõi của khu vực phía Nam sẽ hoàn toàn không còn ngập úng. Vấn đề thoát nước thải cũng cơ bản giải quyết được hơn 80%. Và khi đã qua xử lý tại nhà máy, các chất thải độc hại sẽ được hạn chế tối đa khi thải ra môi trường.

 Ngập úng cục bộ là do hạ lưu thoát nước chưa đồng bộ

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP Huế cho hay, trong đợt mưa to chiều 28/8 vừa qua, tại đường Đống Đa, nhất là đoạn từ trước chung cư Đống Đa đến Lý Thường Kiệt có nơi nước ngập nửa bánh xe khiến việc lưu thông, đi lại của người dân gặp khó khăn. Lý do xảy ra tình trạng này là do hạ lưu thoát nước ở hai đầu đường Đống Đa chưa được đầu tư đồng bộ. Hạ lưu ở điểm cuối Đống Đa - Hùng Vương - Bà Triệu sau đó đổ về cống số 7 hiện đang đầu tư xây dựng. Còn hạ lưu phía Đống Đa - Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng sau đó đổ ra sông An Cựu chưa được đầu tư xây dựng và hiện vẫn đang sử dụng hệ thống thoát nước cũ nên không đảm bảo thoát nước cho đường Đống Đa. Riêng việc thu gom nước mưa và nước thải tại đường Đống Đa cơ bản đảm bảo. Theo kế hoạch, đầu năm 2015, dự án cải thiện môi trường nước TP Huế sẽ triển khai thi công các gói thầu tiếp theo, trong đó có gói thầu thoát nước cho hạ lưu các tuyến đường này.

T.Huệ

 

Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top