ClockChủ Nhật, 11/03/2018 12:03

Chè kê của mạ

TTH - Bao cái Tết Đoan ngọ đã qua, chúng tôi vẫn đều đặn được thưởng thức những bát chè kê thơm ngon, bổ dưỡng của mạ nấu. Đằng sau món ăn là cả một khoảng trời ký ức ấu thơ cơ hàn đong trọn.

An toàn thủy cầm cho dịp Tết Đoan NgọAn toàn thủy cầm cho Tết Đoan ngọBữa cơm Tết Mồng năm

Bát chè của mạ luôn chứa đựng những phong vị riêng

Tôi cũng chẳng nhớ lần đầu tiên mình được ăn món chè kê mạ nấu là vào khi nào nữa, chỉ biết rằng đó là món chè duy nhất theo suốt tôi từ những năm tháng tuổi thơ cho tới khi trưởng thành. Đến bây giờ, tôi vẫn đều đặn được thưởng thức từng bát chè kê vàng sánh mà mạ đã chu đáo chuẩn bị cho cả gia đình mỗi khi Tết Đoan ngọ hay Tết Nguyên đán về.

Nói đến cây kê, chắc rất nhiều bạn trẻ thế hệ bây giờ sẽ không biết, nên khi nói về nét văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, tôi có nhắc đến món chè kê mà người dân vùng Bình Trị Thiên vẫn hay ăn vào dịp Tết đặc biệt ấy, rất nhiều người bạn của tôi đều trố mắt ngạc nhiên. Có lẽ, với nhiều người, đó là một món ăn với tên gọi gợi sự tò mò, còn với tôi đó không chỉ là thức quà dân dã, là nét văn hóa truyền thống, mà còn là chuỗi nhớ về một thời vất vả khốn khó, chắt góp từng đồng nhờ vào cây lúa, cây kê.

Với nhiều gia đình, chè kê chỉ là món tráng miệng hay quà vặt để ăn chơi, nhưng với gia đình tôi thì đó không còn là một món ăn mà là một thức quà tuyệt vời. Bởi lẽ cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ vật chất nên chị em tôi chẳng mấy khi có điều kiện “ăn sung mặc sướng” hay nấu ăn cho thỏa khi thèm như người ta. Phải đợi lúc nào đến dịp lễ tết mới có cơ hội thưởng thức. Vì vậy mà việc sẽ được nếm món chè kê mạ nấu vào Tết Đoan ngọ càng khiến chúng tôi háo hức trông ngóng.

Rồi cũng đến những ngày giáp Tết Đoan ngọ, mạ lấy phần hạt kê trước đó đã tuốt và phơi khô kỹ đang cất trong chum, đổ ra phơi lại nắng, sau đó đưa đi xay. Trước đây, khi chưa có máy xay thì mạ phải cho kê vào cối đá và dùng sức giã cho bong hết lớp vỏ trấu phía ngoài, nhưng vẫn giữ nguyên lớp cám mỏng trên từng hạt kê tròn mẩy. Tiếp đến sàng sảy lại cho sạch bụi rồi chọn lựa những hạt có sắc vàng đậm vì loại kê này sẽ dày cơm, khi nấu chè sẽ bung nở và có mùi thơm đặc trưng.

Hôm mùng 5, mạ dậy từ khi trời còn tờ mờ sáng, đong một ít kê đem vo sạch và chắt lọc những hạt kê lép đổ đi, sau đó cho vào thau nước lạnh ngâm chừng 2 đến 3 giờ đồng hồ cho kê nở mềm thì đổ vào rá cho ráo nước. Khi nồi nước trên bếp sôi sùng sục mạ vóc từng nắm hạt kê thả vào, và chuyển sang chế độ nhỏ lửa. Mạ nói rằng, nấu chè kê nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế để kê mềm dẻo và có màu vàng sánh thì không phải điều dễ dàng. Nếu không cẩn thận phần kê ở đáy nồi sẽ bị cháy sém. Vì vậy có 2 điều cần lưu ý khi thực hiện món ăn này đó là về chế độ lửa để nhỏ và thứ hai là lúc kê bắt đầu sôi đến khi chín phải thường xuyên túc trực bên nồi lấy đũa khuấy đều cho kê không bị dính sít vào đáy nồi. Nếu để lửa to thì kê sẽ bung nở không đều, khi ăn sẽ có cảm giác trân cứng.

Khi nồi kê kêu sục sục thì mạ dùng đũa khuấy đều cho đến lúc cảm giác nặng ở tay và hạt kê bung nở như hoa ngâu thì mới cho đường vào rồi lại khuấy tiếp cho đường tan. Chè kê chín, mạ cho gừng tươi xắt lát mỏng cùng vài giọt dầu chuối vào và bắc nồi chè ra khỏi bếp. Món chè kê của mạ chỉ vỏn vẹn với những nguyên liệu đơn giản như thế nhưng vẫn chứa đựng phong vị riêng, lại dẻo thơm và kích thích thị giác.

Tranh thủ lúc ba đang khấn cúng, mạ lấy vài chiếc bánh tráng vừng ra nướng giòn thơm. Chúng tôi vét phần chè kê còn sót dưới đáy nồi rồi phết lên chiếc bánh tráng và nhâm nhi. Vị bùi và dẻo của những hạt kê li ti, vị cay nồng của gừng, kết hợp với bánh tráng giòn tan, hòa vào hương dầu chuối dịu thơm thoang thoảng tạo thành món ăn độc đáo, ngon miệng.

Cái khốn khó của một thời rồi cũng qua đi, cuộc sống của gia đình tôi cũng dần khấm khá lên, mâm cúng gia tiên nay tăng thêm nhiều món mới nhưng nồi chè kê của mạ vẫn đều đặn xuất hiện và luôn được chị em tôi chờ đón. Dù rằng mạ đã già hơn nhiều và vị giác không còn nhạy bén như trước nhưng món chè kê mạ nấu vẫn tinh tế như xưa, hương vị đó bao năm rồi vẫn vẹn nguyên. Sự mát lành và thanh ngọt của bát chè kê đã phần nào làm lắng đi cái nắng khô ráp của những trưa hè oi bức ấy.

Bài, ảnh: THẢO YÊN VÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Mùa ớt the cay

Hôm nay, mạ tôi lại gọi cho tôi. Thói quen từ khi tôi rời nhà đi làm, hễ có món chi ngon thì bà lại gọi. Cá sòng kho xổi với ớt xanh, chỉ đơn giản như thế thôi nhưng qua cách mạ kể, tôi như nếm được vị mặn mòi của con cá biển hài hòa với chất ớt the cay.

Mùa ớt the cay
Ăn vịt Tết Mùng Năm

Mấy chục năm trước ở làng, nghèo và khó khăn, bọn trẻ chúng tôi chờ đợi Mùng Năm để được ăn ngon. Một bữa ăn có thịt, có xôi chè là niềm ao ước và mỗi năm có khi cũng chỉ được đôi ba bữa. Dẫu thế nào chăng nữa thì Mùng Năm là phải có vịt. Mạ tôi là thế. Muốn không để các con buồn, 3 tháng trước, mạ đã lo nuôi vịt và công việc chăm sóc, cuốc trùn cho vịt giao khoán cho tôi là đứa “đẹp trai” nhất nhà. Mạ con tôi chăm vịt như chăm con, nắm rõ đặc tính từng con một.

Ăn vịt Tết Mùng Năm
“Mạ già lút cút lui cui”

Quyển sách thơ nhỏ thôi, những đóa hồng vàng nổi bật trên nền bìa màu xanh là món quà quý mà chị nhận được từ vị Tỳ Khưu đáng kính, sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh - chùa Huyền Không Sơn Thượng.

“Mạ già lút cút lui cui”
Vại muối chua của mạ

Như là của để dành để nhớ về thời đồ nhựa chưa được sử dụng rộng rãi như bây giờ, mạ tôi có cả một “bộ sưu tập” những lu, hũ, vại bằng sành xưa cũ. Những ngày cận tết, song song với bao công việc tất bật, thế nào bà cũng bê mớ đồ sành ấy ra để lau rửa và ướp những mẻ muối chua thật thơm ngon.

Vại muối chua của mạ

TIN MỚI

Return to top