Thực hiện một bữa tiệc chay còn công phu hơn là tiệc mặn và giá thành không hề thấp thua nếu làm đúng yêu cầu. Gọi là ăn chay nhưng từ những nguyên liệu đơn giản là rau, đậu, củ, quả, nấm, phù chúc, bánh tráng… người đầu bếp giỏi vẫn chế biến thành những món ăn sang trọng.
Bữa cơm chay với 4 món: gỏi thập cẩm, “tôm” phích bột, mít trộn, canh chua
Có nhiều món dọn lên mâm trông rất bắt mắt, người không sành ăn khó có thể nhận ra đó là món gì, được làm bằng chất liệu gì, chế biến ra sao. Ví dụ như các món: “chả” quế, “chả” cuốn, nem chua, “thịt heo” quay, “thịt” phay, “thịt gà” xé bóp, “cá” chiên, “sườn” ram chua ngọt, “gỏi” cuốn, “nộm”, “súp”... toàn là những món ngon, không hề thua kém món mặn, nhưng nguyên liệu thì trăm phần trăm là thực vật.
Ăn chay từ lâu đã trở thành nghệ thuật ẩm thực, một đặc sản của Huế. Trước đây, các món chay ngon xuất phát từ nhà chùa, vào cung phủ, rồi dần dần phổ biến rộng rãi ra ngoài. Nhờ thế càng ngày món chay Huế càng phong phú, trở thành một đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam với lối nấu có hương vị đặc trưng, đẳng cấp vượt trội món chay ở các vùng, miền khác.
Nói về ăn chay ở miền Bắc có câu: Muốn ăn đậu phụ tương tàu/Mài dao đánh kéo gọt đầu đi tu. Đậu phụ và tương là hai thức ăn chay chủ yếu của các nhà chùa ở miền Bắc. Ở Huế hai món chủ lực trong ăn chay thường được nhắc đến là tương và chao. Người Huế có câu “thấm mùi tương chao” nhuốm màu sắc triết lý, vừa nói chuyện món ăn đặc trưng vừa muốn nói đến sự am hiểu giáo lý và trình độ tu chứng của người tu sĩ sau một thời gian quy y theo Phật.
Cả hai món tương và chao đều được chính người Huế làm ra từ đậu nành, trong đó chao có hương vị rất đặc trưng, khác hẳn với chao của miền Nam. Chao vừa là món ăn trực tiếp vừa là phụ gia cho nhiều món ăn khác như làm nước chấm, trộn với rau sống; là gia vị không thể thiếu của bún, phở, cháo, súp, canh, đồ xào, đồ nướng…
Ăn chay ở Huế cảm thấy ngon hơn các nơi khác còn nhờ không gian, môi trường. Đó là những ngôi chùa, những phủ đệ, những ngôi nhà truyền thống nghiêng về hướng thiện và hoà mình giữa hoa lá cỏ cây của người Huế. Khách đến Huế được đãi bữa cơm chay ở một ngôi chùa thì đó là sự trân trọng và quý mến đặc biệt của gia chủ.
Bài, ảnh: THANH TÙNG