ClockThứ Bảy, 11/07/2020 12:23

Lạ miệng với cá lóc giả cầy

TTH - Sau mùa gặt, bao giờ lũ con nít tụi tôi vẫn đi ra ruộng đào hang bắt cá. Loại cá lóc (tràu), cá trê làm hang rất giỏi. Sắp vào mùa hạn, ruộng bắt đầu khô, cứ vén cỏ ven đường ruộng mà tìm kiểu chi cũng bắt được cá.

Cá lẹp mà kẹp rau mưngHao cơm với cá kho ủ trấuĐổi vị với bánh canh cá ngân

Thơm lừng cá lóc giả cầy

Cá tràu đồng làm món chi cũng ngon. Nấu canh chua, làm lẩu, kho rim, kho nghệ. Mỗi món đều có cái ngon riêng của nó. Chỉ cần kiếm được con cá là sẽ có một bữa no căng với những món của mẹ. Trong tất cả các món của mẹ nấu với cá lóc, món mà tôi thấy sang nhất là món cá lóc giả cầy. Món này không dễ gì mà ăn được, bởi vì phải bắt được có cá to, nhiều thịt thì mẹ mới làm. Mà để tóm được chú cá tràu to ở ruộng thì phải cần kỹ năng và cả may mắn nữa.

Mẹ tôi làm cá lóc khá kỹ, nếu không làm kỹ nó sẽ tanh lắm. Ban đầu sẽ cắt vi vảy, moi mang lấy mật. Mẹ thường giữ lại bộ lòng vì lòng cá lóc rất dai ngon. Đánh vảy xong mẹ đem cá ra sân cát, rồi chà cá trên cát cho đến khi con cá trắng bóc ra mới được. Mẹ bảo, nếu không làm như vậy, khi nấu cá sẽ có mùi rong rêu rất khó ăn. Chà cá thiệt trắng xong, sẵn mấy trái khế chua mẹ hái vào vắt lấy nước ra thau rồi cho cá vào rửa với nước khế. Xong rửa lại với nước sạch, để ráo, lấy muối rang thoa vào con cá.

Để làm món cá lóc giả cầy mẹ phải chuẩn bị một ít sả, riềng, mật mía và một ít ruốc hôi. Ruốc hôi được mẹ tự làm bằng cách muối mặn con khuyết tươi mà thành. Khi đã chuẩn bị đâu vào đó, mẹ tôi bắt đầu nhen lửa, đặt chảo dầu phụng lên bếp và bắt đầu cho cá vào chiên vàng giòn. Chiên xong mẹ tôi vớt cá ra để một bên. Lúc này trong bếp mùi cá chiên đã làm chị em chúng tôi cồn cào vì đói.

Cũng chảo dầu đó, mẹ cho sả, riềng, hành, tỏi vào xào thơm, khi chảo dầu vàng và thơm lựng rồi mẹ lấy chai nước mắm đổ một ít vào chảo kêu một các xèo. Một xíu bột ngọt, tiêu, mật mía được cho vào, tiếp theo mẹ cho một muỗng ruốc hôi, thêm một xíu nước lọc và nấu hỗn hợp đó sôi lên. Sau đó nêm thêm xíu muối, nêm mếm cho vừa miệng.

Khi hỗn hợp gia vị sền sệt trên bếp mẹ bắt đầu cho con cá lóc đã chiên vào và lăn cá trong chảo gia vị để cá thấm đều. Cắt một nạm hành lá với ngò gai rải vào nữa là xong. Món cá lóc giả cầy của mẹ hoàn thành, mùi thơm bay khắp cả xóm đến nỗi ai cũng phải xuýt xoa. Khi ăn miếng cá tràu vừa thấm gia vị, lại dai dai vì đã được chiên, thêm mùi của riềng sả, màu cánh gián và vị ngọt thanh của mật mía quyện vào nhau rất hấp dẫn. Đặc biệt nhất là ăn với cơm nóng, mùa nào cũng hợp.

Bài, ảnh: NAM GIAO

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Đằm bụng" với bánh gói đậu xanh xứ Huế

Những hàng nậm, lọc ở Huế thường bán kèm một loại bánh cũng rất thơm ngon và hấp dẫn, chỉ là hơi kém tiếng một chút: bánh gói đậu xanh. Bánh có thể xem như một phiên bản chay của bánh nậm với cùng nguyên liệu chính là bột gạo và mùi vị khá tương đồng, nhưng săn hơn và được gói thuôn thuôn như bánh lọc.

Đằm bụng với bánh gói đậu xanh xứ Huế
Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ được thưởng thức tô bún ngon nóng hổi vào sáng sớm thì chị chủ gánh bún vẩy tay ra ký hiệu đã hết trước sự hụt hẫng của thực khách. Những gánh bún vỉa hè bán sớm và cũng hết rất sớm như thế không hiếm ở Huế luôn cuốn hút người ăn theo cái vị riêng, độc đáo.

Gánh bún tinh mơ
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế

Du lịch ẩm thực đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Huế tự hào với nền ẩm thực phong phú, đa dạng, nhưng để ẩm thực trở thành lợi thế cạnh tranh thu hút khách thì còn nhiều việc cần làm.

Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế
Return to top