Quảng bá lợi thế
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đã đánh giá “có cánh”: “Ẩm thực Huế là một di sản tích hợp nhiều giá trị văn hóa: tri thức dân gian, lối sống, cách nghĩ, cách thực hành, nghi lễ, tập quán xã hội, nghệ thuật trang trí… cùng với văn hóa truyền khẩu có liên quan. Ẩm thực Huế đã được sáng tạo, tái sáng tạo qua nhiều giai đoạn lịch sử bởi nhiều thế hệ chủ thể và lưu truyền, phổ biến đến ngày nay. Ẩm thực Huế đã trở thành thương hiệu Quốc gia và cả quốc tế nữa”.
Liên hoan ẩm thực trong dịp Festival Huế được xem là bước "khởi động" để khuếch trương ẩm thực Huế
Trong một cuộc thảo luận, bàn giải pháp phát triển thương hiệu ẩm thực Huế do Sở Du lịch chủ trì, các thành viên thẳng thắn, dù ý thức được tầm quan trọng của ẩm thực trong việc thu hút khách, nhưng thời gian qua, ngành du lịch chưa quan tâm đúng mức đến việc khai thác thế mạnh này. Trong các chương trình xúc tiến điểm đến, hoặc ở những hoạt động đã và đang triển khai, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, một phần nguyên nhân khiến ẩm thực Huế chưa khai thác tốt là do du khách chưa biết Huế có “kho” ẩm thực phong phú. Nhiều năm qua, số lượng các chương trình quảng bá ẩm thực hạn chế, chưa tạo dựng được hình ảnh sản phẩm nổi bật, chưa hình thành được thông điệp sử dụng khi quảng bá ẩm thực ra thế giới, chưa áp dụng các cách thức truyền thông hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, thiếu các địa điểm và kênh thông tin cung cấp tư liệu văn hóa ẩm thực, thông tin chính thống về các điểm phục vụ ẩm thực có chất lượng...
Một số hoạt động nhằm thúc đẩy ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đã được triển khai, như Liên hoan Ẩm thực Quốc tế; trong đó, ẩm thực Huế đóng vai trò chủ đạo trong các kỳ Festival Huế từ 2010 đến nay; hội thảo khoa học về ẩm thực cung đình và truyền thống Huế định kỳ tổ chức 2 lần/năm, trong những năm gần đây, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và chuyên gia về ẩm thực khắp mọi miền đất nước và từ nhiều quốc gia có nền ẩm thực nổi tiếng trên thế giới… song, những hoạt động này được đánh giá chỉ mới là bước “khởi động”.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch truyền thông “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt - Sự tận hưởng kỳ thú giai đoạn 2018-2020”. Theo kế hoạch, sẽ quảng bá, tiến tới xây dựng và quản lý thương hiệu các loại hình ẩm thực đặc trưng Huế như: ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay, ẩm thực đường phố, ẩm thực vùng đầm phá.
Xây “móng” tốt
Ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, dù du khách chọn du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hay du lịch nghỉ dưỡng, nhưng thưởng thức ẩm thực là hoạt động được du khách yêu thích khám phá, tìm hiểu. Do đó, sẽ có nhiều chương trình để khuếch trương ẩm thực được tổ chức thời gian đến, như: Bếp Việt trong vườn Huế, ngự yến hoàng cung, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội ẩm thực Quốc tế, thi đầu bếp, dạy nấu món ăn Huế, thi nấu ăn...
Lãnh đạo ngành du lịch nhìn nhận, dịch vụ ẩm thực Huế, nhất là dòng ẩm thực cung đình tại hầu hết các nhà hàng Huế chưa đảm bảo được tính chân xác của những tinh hoa đã được chắt lọc qua nhiều giai đoạn lịch sử. Các quán ăn đường phố tuy mang phong vị địa phương nhưng khó bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến mỹ quan và văn minh đô thị. Các nhà hàng, khách sạn ở Huế tuy có nỗ lực duy trì món ăn đặc trưng của Huế nhưng chưa năng động tìm tòi, phục hồi các loại nguyên liệu, gia vị và cách thức chế biến các món ăn truyền thống, phát triển các món ăn mới dựa trên tinh hoa ẩm thực Huế. Cung cách phục vụ du khách của nhiều nhà hàng vẫn còn hạn chế.
Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch, mục tiêu đến năm 2025 Huế sẽ trở thành kinh đô ẩm thực. Ngoài nỗ lực của chính quyền, các nhà hàng, doanh nghiệp cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm đặc thù, không có tính trùng lắp, định hình về sản phẩm, dịch vụ… để đáp ứng yêu cầu mới.
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho biết, nhà trường đang lên kế hoạch phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam hình thành trung tâm diễn giải ẩm thực. Khi khách đến, sẽ được xem những món ăn của Huế, tham gia trải nghiệm chế biến và sẽ liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng để cung ứng các dịch vụ, xây dựng tour ẩm thực. Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian, hình thành ý tưởng thì dễ, còn thực hiện thì cần có lộ trình, không thể làm trong một sớm một chiều.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, cùng với việc quảng bá ẩm thực, sẽ hình thành bộ nhận diện các nhà hàng, quán ăn đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; quy tụ được những người có tâm, có tầm, có nghề, có kiến thức, có sự hỗ trợ bằng chính sách phục hồi đúng chất lượng những món ăn vốn được xem là di sản về văn hóa ẩm thực; hình thành các tour du lịch thưởng thức món ăn Huế: ẩm thực về đêm, ẩm thực đường phố, ẩm thực đầm phá, các loại bánh Huế, chè Huế, cơm Huế dân gian và cung đình, ẩm thực chay... |
Bài, ảnh: Đức Quang